Dồn sức khắc phục hậu quả bão lũ

30/10/2020 09:25

Các tỉnh miền Trung đang căng sức khắc phục những khó khăn, thiệt hại to lớn do hậu quả của cơn bão số 9 để lại.

Thiệt hại nặng nề

Sáng 29.10, tại TP.Đà Nẵng huy động các lực lượng vũ trang, đoàn thể ra quân cùng người dân khắc phục hậu quả bão số 9. Đến chiều qua, việc khắc phục hệ thống cấp nước, đảm bảo nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất, sự cố điện, dịch vụ viễn thông... cơ bản hoàn tất.
 

Tỉnh Bình Định cần quan tâm đến vấn đề sạt lở núi

Ngày 29.10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra tại tỉnh Bình Định. Ông Cường đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong ứng phó với bão số 9 và chia sẻ với gia đình 26 ngư dân bị mất tích do tàu cá bị chìm trên đường tìm nơi tránh bão. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhất trí cho các chuyên gia kỹ thuật đánh giá lại kè biển Tam Quan (H.Hoài Nhơn) để có phương án xử lý và cho biết sẽ lưu ý 26 hồ chứa nước ở tỉnh Bình Định bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp; đồng thời đề nghị tỉnh khẩn cấp hỗ trợ những gia đình có nhà sập, nhà hư hỏng theo quy định. Để ứng phó với 2 cơn bão sắp đến theo dự báo sẽ tác động tới Bình Định, ông Cường đề nghị tỉnh quan tâm đến vấn đề sạt lở ở các huyện miền núi, tránh sự cố đáng tiếc cho người dân.
 
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh có 5 người bị thương, 40 nhà bị sập hoàn toàn, 3.090 nhà bị tốc mái, hư hỏng, tuyến kè biển Tam Quan bị sạt lở chiều dài 1.600 m... Tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra ước tính gần 394 tỉ đồng.

H.Trọng

Sở TN-MT, Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vệ sinh môi trường, dọn dẹp đường phố, hoàn thành trước ngày 30.10; chằng chống cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường, khắc phục hệ thống điện chiếu sáng công cộng trước 17 giờ ngày 2.11. Đáng chú ý, tại Đà Nẵng xảy ra đến 4 vụ cháy trong đêm 28.10, khiến lực lượng PCCC phải vất vả xử lý cùng với nhiệm vụ ứng trực cứu nạn, giải phóng chướng ngại vật... Nguyên nhân cả 4 vụ cháy đều do chập điện, sử dụng máy nổ, thắp nến gây cháy. Hôm qua, các trường học tại Đà Nẵng bắt đầu khắc phục, dọn dẹp cây cối, tường bao gãy đổ, thấm dột, tốc mái, hư hỏng thiết bị, máy móc dạy học... Sở GD-ĐT Đà Nẵng yêu cầu đảm bảo điều kiện để học sinh trở lại trường sáng nay (30.10); những lớp học không thể khắc phục kịp thì bố trí dạy học tại các phòng chức năng...
 
Tại Quảng Nam, theo đánh giá sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, mưa bão gây thiệt hại nặng nề về người qua 3 vụ sạt lở (xem toàn cảnh trang 3), thiệt hại hoàn toàn 295 ngôi nhà, 566 nhà bị hư hỏng nặng, 2.359 nhà bị hư hại một phần. Các tuyến quốc lộ do Sở GTVT quản lý bị thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng do sạt lở tại nhiều điểm, cùng với thiệt hại nghiêm trọng về đường sá, cầu cống ở Bắc Trà My, Hội An, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Phước Sơn, Nam Trà My... Bờ biển cửa Đại (Hội An) sạt lở 2,5 km, kè sông và bờ sông sạt lở khoảng 15 km, hệ thống đê ngăn mặn ven biển cũng sạt lở nhiều vị trí. Các hồ thủy điện ở Quảng Nam hôm qua tiếp tục xả lũ về hạ lưu, trong đó có thủy điện Sông Tranh 2 (393,63 m3/giây), A Vương (74,5 m3/giây), Đăk My 4 (308,56 m3/giây), Sông Bung 4 (218 m3/giây).
 

Mưa bão số 9, sạt lở đất làm 20 người chết, 42 người mất tích

Tối 29.10, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết thống kê đến 18 giờ ngày 29.10, mưa bão số 9 và sạt lở đất đã làm 20 người chết, 42 người mất tích và 51 người bị thương. Cũng theo báo cáo từ các địa phương chịu ảnh hưởng bão số 9, gió bão đã làm sập 227 ngôi nhà; 88.591 nhà bị hư hỏng, tốc mái, trong đó nhiều nhất là tỉnh Quảng Ngãi với 84.499 nhà.
P.Hậu
 
Tại Thừa Thiên-Huế, dù không nằm trong khu vực tâm bão số 9 nhưng có hơn 1.278 nhà tốc mái và hư hỏng nặng, trong đó nặng nhất là H.A Lưới: 530 nhà tốc mái, hư hỏng nặng và 1 nhà sập. Vùng cao A Lưới, dọc đường Hồ Chí Minh có nhiều điểm sạt lở; H.Nam Đông có hơn 2.500 ha rừng trồng keo và 2.497 ha cao su bị gãy đổ, hư hại khoảng 50% diện tích. Ở vùng ven biển, sóng lớn làm xói lở hơn 14 km bờ biển, một số vị trí tại địa bàn H.Phú Lộc có nguy cơ mở cửa biển mới.
 
Cùng ngày, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết thống kê gửi từ các địa phương báo cáo về cho thấy dù chưa có thiệt hại về người do bão số 9 nhưng thiệt hại về nhà cửa quá lớn. Theo đó, cả tỉnh có 165 ngôi nhà bị sập đổ, 84.499 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng...; 51 điểm trường, 34 cơ sở y tế bị tốc mái...

Tái ngập ở Quảng Bình, Quảng Trị

Tại Quảng Trị, tình trạng ngập lụt trên diện rộng xảy ra lần thứ 5 chỉ trong vòng 20 ngày. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lũ trên nhiều sông lớn Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hiếu... hiện đều đang trên báo động 2. Ngập lụt tái diễn tại nhiều huyện thị, trong đó nặng nhất là H.Hải Lăng, H.Triệu Phong, TX.Quảng Trị do mưa lớn và hàng loạt thủy điện xả lũ.
 

Hơn 147.000 học sinh Hà Tĩnh phải nghỉ học

Ngày 29.10, ông Cao Ngọc Châu, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, sáng cùng ngày 302 trường học trên địa bàn đã cho hơn 147.000 học sinh nghỉ học. Số trường này hầu hết nằm ở vùng trũng thấp của các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Vũ Quang, Hương Sơn và TX.Kỳ Anh. Theo ông Châu, khu vực Hà Tĩnh được dự báo sẽ có mưa to đến rất to từ ngày 29 - 31.10. Vì thế, chiều 28.10, sở này đã gửi công văn tới các trường học yêu cầu lãnh đạo nhà trường căn cứ vào tình hình thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học. Việc đi học trở lại sẽ được các trường thông báo cho giáo viên và học sinh. Cũng trong hôm qua, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã tiến hành sơ tán hàng nghìn người dân ở vùng thấp trũng và nguy cơ xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn.   
P.Đức
 
Tại Quảng Bình, mưa to và gió khá lớn đã gây ngập lụt trở lại tại một số vùng thấp trũng ở H.Lệ Thủy, H.Quảng Ninh. Đây là lần ngập lụt thứ 3 trong tháng 10. Chiều 29.10, nước trên sông Gianh đang lên, dự báo trong 6 - 12 giờ tới đạt đỉnh 4,4 m; sông Kiến Giang xuống chậm và sẽ xuống chậm dưới báo động 2. Hiện vẫn còn 41 bản ở các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh bị chia cắt, cô lập.
 
Đáng chú ý, một số tàu thuyền gặp sự cố tại Quảng Bình. Cụ thể, tàu hàng Đa Lộc 27 (trọng tải 2.000 tấn, trên tàu có 9 thuyền viên) bị sóng lớn đánh trôi vào bãi cạn gần hòn Vũng Chùa làm thủng mạn, mắc cạn ở gần bờ biển xã Quang Phú (H.Quảng Trạch). Tàu Peace Star (trọng tải 21.967 tấn, có 19 thuyền viên) hành trình từ Trà Vinh đến cảng Hòn La để lấy clinken, khi đang neo thì bị sóng lớn đánh trôi dạt, mắc cạn cách cửa Gianh khoảng 1 hải lý. Tàu Quảng Sơn 09 (trọng tải 7.406 tấn, có 15 thuyền viên) hành trình từ Đà Nẵng đi cảng Sơn Dương vào cảng Hòn La tránh trú bão số 9 thì bị sóng lớn đánh trôi dạt, mắc cạn cách cửa Roòn khoảng 1 hải lý.

Bạn đang đọc bài viết "Dồn sức khắc phục hậu quả bão lũ" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.