Cổ phiếu Bông Bạch Tuyết chỉ 'sáng' nhất thời?

24/09/2020 13:29

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital đã đăng ký chào mua công khai hơn 1,7 triệu cổ phiếu BBT, chiếm 17,48% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của CTCP Bông Bạch Tuyết với giá chào mua 19.100 đồng/cp, tương đương tổng giá trị khoảng 33 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sài Gòn 3 Capital còn cam kết sẽ mua toàn bộ nếu cổ phiếu đăng ký bán ít hơn số lượng chào mua. Còn trong trường hợp tổng số lượng cổ phiếu đăng ký bán nhiều hơn thì số lượng cổ phiếu được mua sẽ tính trên tỷ lệ tương ứng với số lượng cổ phiếu mà mỗi cổ đông của Bông Bạch Tuyết đăng ký bán tại một mức giá như nhau.

Tham vọng của cổ đông lớn

Nếu giao dịch thành công, Sài Gòn 3 Capital và đơn vị liên quan sẽ nâng tổng lượng sở hữu cổ phiếu BBT lên gần 5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 51% và nắm quyền chi phối tại Bông Bạch Tuyết.

Theo hồ sơ chào mua công khai, Sài Gòn 3 Capital và tổ chức có liên quan là Chứng khoán Thành Công (TCSC, mã: TCI) đang sở hữu gần 3,3 triệu cổ phiếu BBT, tương ứng 33,52% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Bông Bạch Tuyết. Trong đó, Sài Gòn 3 Capital sở hữu hơn 2,35 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,99%).Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Bông Bạch Tuyết, HĐQT công ty đã có tờ trình cổ đông xem xét đồng ý cho nhóm Sài Gòn 3 Capital và những người có liên quan được nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51% cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được thông qua.

Trước khi thực hiện chào mua công khai cổ phần Bông Bạch Tuyết, Sài Gòn 3 Capital đã hoàn tất mua vào gần 7,6 triệu cổ phiếu TCI của TCSC - doanh nghiệp sở hữu 9,53% vốn cổ phần tại Bông Bạch Tuyết. Sau giao dịch này, Sài Gòn 3 Capital đã nắm cổ phần chi phối 69,13% (tương ứng hơn 24,88 triệu cổ phiếu) tại TCSC.

Được biết, Bông Bạch Tuyết có tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết thành lập vào năm 1960; đến năm 1997, doanh nghiệp chính thức hoạt động theo hình thức CTCP với vốn điều lệ ban đầu là 11,4 tỷ đồng.

Bông Bạch Tuyết là doanh nghiệp nổi tiếng nhất trong ngành sản xuất bông băng vệ sinh, y tế thập niên trước, đồng thời là một trong những công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu năm 2004.

Tuy nhiên, sai lầm trong kinh doanh đã khiến công ty lỗ liên tiếp trong giai đoạn 2006-2007, thậm chí dừng hoạt động hồi tháng 7/2008. Khó khăn, thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, cùng hàng loạt khoản nợ quá hạn thanh toán cho ngân hàng và các bên liên quan, Bông Bạch Tuyết phải hủy niêm yết vào năm 2009.

Đến tháng 6/2018, sau gần một thập kỷ vắng bóng, cổ phiếu BBT chính thức quay trở lại niêm yết trên UPCoM với tổng cộng 6,84 triệu cổ phiếu. Thế nhưng, sự trở lại này cũng khá thăng trầm.

Trong thời gian chính thức được giao dịch trở lại, BBT đã gây “choáng” cho giới đầu tư với 13 phiên tăng trần liên tiếp, nhưng ngay sau đó là chuỗi ngày trầm lắng, với nhiều phiên ghi nhận khối lượng giao dịch ở con số 0.

Nhiều "bài toán" khó giải

Về kết quả kinh doanh, sau giai đoạn thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đã hồi sinh mạnh mẽ. Từ năm 2014, công ty bắt đầu có lợi nhuận, cho dù chưa lớn; năm 2019 đạt lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng, tuy nhiên lỗ lũy kế vẫn ghi nhận con số 34 tỷ đồng.

Thông tin thêm về tình hình doanh nghiệp trong năm 2019, ban lãnh đạo công ty cho biết, nguồn tài chính vẫn còn eo hẹp do nhiều năm liền chịu ảnh hưởng từ những khoản nợ cũ, số tiền lãi phải trả trong bản án và ngoài bản án của CTCP Bibica, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Công ty Xăng dầu Phong Quân và lãi chậm trả tiền nộp ngân sách nhà nước là một trong những “bài toán khó”.

Dòng tiền trong năm 2019 chủ yếu dùng để tập trung xử lý một số khoản nợ lớn khiến việc xoay vòng vốn tài chính còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng tăng do tình hình chung của thị trường.

Hiện, Bông Bạch Tuyết vẫn còn khoản nợ 3 tỷ đồng liên quan đến Bibica (lãi ngoài bản án) dự kiến sẽ được thanh toán dứt điểm trong năm 2020.

Trong khi đó, dự án nhà ở số 1 Nguyễn Văn Săng hiện vẫn đang bị tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của UBND TP.HCM - giao cho Sở Xây dựng rà soát lại toàn bộ dự án của các CTCP nhà nước về mặt bằng chuyển mục đích sử dụng đất theo nội dung Công văn 10285/VP-CP ngày 29/11/2016.

Những ngày vừa qua, trước thông tin liên quan đến việc có khả năng bị “đổi chủ”, cổ phiếu BBT lại có những diễn biến vượt trội. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, BBT đã tăng trần 6 phiên, ngoài ra có 4 phiên đóng cửa ở giá tham chiếu và 1 phiên tăng điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 21/9, BBT tăng trần lên mức 21.200 đồng/cp, cao hơn giá chào mua công khai của Sài Gòn 3 Capital. Đáng chú ý, từ một cổ phiếu thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch bình quân trong một năm gần đây chỉ đạt 1.700 đơn vị/phiên nhưng 10 phiên vừa qua đã lên tới 8.800 đơn vị/phiên.

Tuy nhiên, giới đầu tư kinh nghiệm cho rằng, khó khăn vẫn hiện hữu đối với dòng tiền của Bông Bạch Tuyết ít nhất là đến hết năm 2020. Sự bứt phá trong những ngày qua của cổ phiếu BBT cũng được đánh giá là “con sóng ngắn”, hoặc là diễn biến của một “game” nào đó, nên chưa thích hợp để đầu tư.

Minh Khuê

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu Bông Bạch Tuyết chỉ 'sáng' nhất thời?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.