Loạn xây dựng chung cư mini: HoREA đề xuất giải pháp kiểm soát

06/07/2020 16:30

Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM (HoREA) cho biết, từ năm 2010 đến nay, tại Tp. HCM đã nở rộ tình trạng xây dựng chung cư mini, chung cư hộp diêm bên trong các quận nội thành. Trong đó, có những công trình xây dựng trái phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ cho người mua.

Đang ngoài tầm kiểm soát

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc nở rộ này vượt ngoài tầm kiểm soát, nguyên nhân bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”.

Bên cạnh đó, còn do những hạn chế, bất cập trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở và các đầu nậu cùng một số doanh nghiệp móc nối với hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình nhà chung cư mini trái phép.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có đánh giá tại các khu vực đô thị của một số địa phương xuất hiện tình trạng một số hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.

Đồng thời, đã có cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất, tiếp tay, bao che cho các công trình chung cư mini trái phép.

Ngoài ra, còn do biên chế của chính quyền cấp cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng mỏng, nhất là tại các huyện có dân số lớn và đang có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp.

Trên thực tế, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP không có bất kỳ quy phạm pháp luật nào cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị.

Cho đến năm 2010, khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 90, mới cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ tại các đô thị.

“Tôi thấy quy định này không phù hợp và trái với Luật Nhà ở 2005”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Ông Châu cho biết, hồi năm 2010, UBND Tp. HCM đã không chấp thuận một công trình nhà ở riêng lẻ kiểu nhà “chung cư mini”, tại đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, theo đề xuất của một Tập đoàn bất động sản hợp tác với một hộ gia đình.

Tuy nhiên, nội dung Điều 43 Nghị định 71/2010/NĐ-CP đã được“nâng cấp”, chuyển thành Điều 46 Luật Nhà ở 2014, cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên, tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín…

Một số chuyên gia cho rằng, đây là cơ sở pháp lý để phát triển loại hình nhà chung cư mini trong thời gian qua và đã bị lợi dụng để xây dựng trái phép, sai phép nhà “chung cư mini”.

2-7-chung-cu-mini-2499-1593682307.jpg

HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng kiểm soát tình trạng xây dựng chung cư mini (Ảnh: Internet)

Tăng cường thanh, kiểm tra

Để kiểm soát tình trạng phát triển tự phát chung cư mini làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, ông Châu kiến nghị Bộ Xây dựng cần thiết bãi bỏ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở, cụ thể: “Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”, vì đây là hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, chứ không phải là hoạt động phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, ông Châu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 theo hướng: "Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở".

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ không nhằm mục đích kinh doanh, phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở nhằm mục đích kinh doanh (để bán, cho thuê…), thì phải lập dự án đầu tư xây dựng.

“Nguyên nhân do bất cập của các quy định pháp luật, đã bật đèn xanh làm phát sinh tình trạng “nở rộ” nhiều công trình nhà ở riêng lẻ được thiết kế kiểu “chung cư mini”, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, các quận nội thành trong 10 năm qua”, ông Châu nhận định.

Đồng thời để kiểm soát tình trạng phát triển tự phát chung cư mini làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực hạ tầng, ông Châu cũng kiến nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ kiểu chung cư mini có nhiều tầng, nhiều căn hộ, có vi phạm các quy định pháp luật, như xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian, hoặc không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hoặc xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng.

Minh Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Loạn xây dựng chung cư mini: HoREA đề xuất giải pháp kiểm soát" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.