Ẩn họa từ những ngôi nhà ống đô thị

07/04/2021 08:44

Thủ đô Hà Nội hiện có tới 500.000 nhà ống, trong đó 120.000 nhà ở kết hợp kinh doanh, khi xảy ra cháy nổ nguy cơ thiệt hại rất lớn.

Ngày 6/4, hai ngày sau vụ cháy cửa hàng đồ sơ sinh số 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa khiến 4 người chết, công an vẫn phong tỏa hiện trường, điều tra nguyên nhân. Từ vụ cháy này và nhiều vụ trước đó, các nhà quản lý đã chỉ ra những bất cập trong xây dựng và phòng cháy chữa cháy với nhà ống đô thị.

Nhà ống không có lối thoát hiểm

Ngôi nhà 311 Tôn Đức Thắng gồm 3 tầng, một tum, xây giật cấp, chỉ có một cửa chính tầng 1, cũng là nơi bày hàng hóa, để xe máy. Khi cháy, người trong nhà chạy lên tầng tum và không thể thoát ra ngoài hoặc sang nhà hàng xóm do tầng này quây kín bằng rào sắt chống trộm. Tầng 2, 3 bị bịt kín bằng rào sắt và che khuất bởi biển quảng cáo kiên cố. Xe thang của lực lượng phòng cháy chữa cháy không thể tiếp cận gần, phải đỗ từ xa phun nước vào trong.

Đại tá Lê Văn Hiến, Phó công an quận Đống Đa, đánh giá ngôi nhà bị cháy điển hình cho kiểu nhà dân riêng lẻ xây dạng ống, mặt tiền hẹp, sâu vào trong và không lối thoát hiểm ở nội thành Hà Nội. Rất nhiều nhà mặt phố, mặt ngõ xây dựng từ lâu, được chuyển đổi mục đích thành cửa hàng kinh doanh. Do diện tích hẹp, giá đất đắt đỏ, người dân tận dụng mọi không gian để chứa đồ, hàng hóa.

Các nhà xây sát nhau, chỉ có một cầu thang và một lối thoát cửa chính. "Việc phối hợp mở lối thoát nạn sang nhà hàng xóm rất khó vì lo ngại an ninh. Nếu lắp thêm cầu thang bên ngoài phải xin cấp phép, người dân lo phiền hà và lâu dần không quan tâm đến vấn đề thoát hiểm", ông Hiến nói.

Hiện trường vụ cháy cửa hàng đồ sơ sinh 311 Tôn Đức Thắng. Ảnh: Tất Định.

Hiện trường vụ cháy cửa hàng đồ sơ sinh 311 Tôn Đức Thắng sáng 4/4. Ảnh: Tất Định.

Không có quy định phòng cháy chữa cháy với nhà ở riêng lẻ

Theo một cán bộ thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, pháp luật quy định công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có diện tích trên 5.000 m3 mới phải thiết kế phòng cháy chữa cháy, lối thoát nạn. Hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ không đặt ra yêu cầu này, chỉ đề cập tiêu chuẩn xây dựng, mật độ, chiều cao, khoảng lùi, chỉ giới...

"Khu phố lâu đời xây dựng mỗi nhà một kiểu, nhà 5 tầng liền kề nhà một tầng, diện tích phổ biến 30-50 m2, có mở lối thoát hiểm tầng tum thì người dân cũng không thể nhảy xuống khi xảy ra cháy. Nếu yêu cầu hộ dân lắp thêm cầu thang bên ngoài hay lắp hệ thống phòng cháy chữa cháy rất không khả thi", cán bộ thanh tra nói.

Với những ngôi nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, theo Nghị định 136/2020, hộ gia đình phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan với khu vực sinh sống. UBND cấp phường có trách nhiệm kiểm tra, yêu cầu hộ dân thực hiện. Quy định này có hiệu lực từ tháng 1/2021, nhưng thực tế chưa nhiều nơi triển khai.

Theo báo cáo giám sát của HĐND Hà Nội, thành phố có khoảng 500.000 nhà ống, trong đó 120.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, riêng quận Đống Đa có hơn 6.000. Từ năm 2017 đến nay, địa bàn xảy ra hơn 2.500 vụ cháy, phần khá lớn ở khu dân cư, hộ gia đình và 60-65% do chập điện.

Nhiều ngôi nhà ống trong khu dân cư đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng bịt kín các tầng bằng khung sắt, không có lối thoát hiểm. Ảnh: Tất Định.

Nhiều ngôi nhà ống trong khu dân cư đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, bịt kín các tầng bằng khung sắt, không có lối thoát hiểm. Ảnh: Tất Định.

Làm gì để tránh tổn thất khi hỏa hoạn?

Đại tá Lê Văn Hiến khuyến cáo để tránh thương vong từ các vụ cháy ở nhà ống, việc mở lối thoát hiểm là vấn đề cốt lõi. Trong thiết kế xây dựng, hoặc cải tạo nhà, ngoài cửa chính, người dân nhất thiết phải nghĩ tới một lối thoát hiểm khác, có thể là tầng tum, ban công, hoặc cửa thoát sang nhà hàng xóm...

Ngoài ra, mỗi hộ dân cần trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, kiểm tra thường xuyên các thiết bị điện, bếp đun. Trường hợp xảy ra cháy, mọi người cần dùng mặt nạ chống độc hoặc khăn ướt bịt mũi chạy ra lối thoát hiểm gần nhất.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng để khắc phục hạn chế của nhà ống, các gia đình cần thiết kế nhà có giếng trời, giúp thoáng khí, nếu xảy ra cháy khói độc sẽ thoát bớt ra ngoài. Hộ dân cần mở lối thoát hiểm ra ban công các tầng. Nếu ban công có lưới sắt chống trộm thì cần làm cửa ra vào, thường xuyên kiểm tra độ nhạy khóa. Những hộ dân gần nhau có thể thỏa thuận tạo mặt bằng trên sân thượng làm khoảng trống thoát hiểm.

Về giải pháp lâu dài, cán bộ thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng cần giãn mật độ dân số, quy hoạch lại khu dân cư với những ngôi nhà đồng dạng, diện tích đủ lớn, mỗi tầng đều có ban công.

Trước đó 0h30 ngày 4/4, cửa hàng đồ sơ sinh số 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, bốc cháy dữ dội khiến gia đình 4 người tử vong. Sau 3 tiếng, đám cháy được dập tắt, lính cứu hỏa phải soi đèn tìm kiếm 4 nạn nhân gồm: Cụ ông Nguyễn Thạc Thi 81 tuổi; con gái Nguyễn Ánh Hồng, 40 tuổi, đang mang thai 3 tháng; con rể Đinh Hùng Vỹ, 38 tuổi và cháu gái Đinh Hà Tuệ Mẫn, 10 tuổi.

Nhà tầng cao lắp thang dây thoát hiểm hỏa hoạn

Nhà tầng cao lắp thang dây thoát hiểm phòng hỏa hoạn. Video: Thế Quỳnh

Tất Định

 

Bạn đang đọc bài viết "Ẩn họa từ những ngôi nhà ống đô thị" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.