Các tập đoàn lớn có dễ cắt đứt quan hệ với Tổng thống Donald Trump?

15/01/2021 13:59

Sau cuộc bạo động ở Điện Capitol, nhiều tập đoàn lớn quay lưng với ông Trump và dừng quyên góp chính trị. Tuy nhiên, mối quan hệ tài chính của họ với tổng thống phức tạp hơn nhiều.

Dang Cong hoa My anh 1

Cuộc bạo loạn ở Điện Capitol khiến các tập đoàn Mỹ đổi thái độ với Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa. Hôm 11/1, Bank of Ameria, Coca-Cola, Facebook, Microsoft và nhiều công ty khác thông báo tạm dừng quyên góp chính trị.

Các công ty như Airbnb, Amazon, Verizon và AT&T cũng tuyên bố sẽ không quyên góp chính trị cho 147 nghị sĩ đảng Cộng hòa. Những người này quyết liệt phản đối chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden nhưng không thành công.

Trước đó, 147 nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã huy động được hàng triệu USD từ các Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) do những công ty kinh doanh lớn điều hành. Theo OpenSecrets, trong cuộc bầu cử năm 2020, Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA) và Hiệp hội Môi giới Quốc gia đã quyên góp khoảng 1,3 triệu USD cho mỗi nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Dang Cong hoa My anh 2

Cuộc bạo loạn ở Điện Capitol khiến các tập đoàn Mỹ đổi thái độ với Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa. Ảnh: Reuters.

"Cắt đứt quan hệ"

Trong một tuyên bố, ABA chỉ trích cuộc bạo động trên Điện Capitol "đã tấn công vào nền dân chủ của chúng ta". ABA tiết lộ sẽ xem xét "những sự kiện rắc rối trong tuần trước" và không thực hiện bất cứ khoản quyên góp chính trị nào trong quá trình xem xét. Các nhà tài trợ lớn khác của 147 nghị sĩ đảng Cộng hòa bao gồm Koch Industries, AT&T, Comcast và UPS, theo OpenSecrets.

Trong một tuyên bố hôm 11/1, AT&T cho biết hội đồng PAC liên bang của họ đã quyết định hoãn đóng góp cho những nhà lập pháp phản đối kết quả bầu của Đại cử tri đoàn. Comcast cũng có động thái tương tự. Công ty này gọi vụ bạo loạn tại Điện Capitol là "nỗi kinh hoàng".

Ngoài các khoản quyên góp chiến dịch, một số ngân hàng lớn cũng cắt đứt quan hệ với Tổng thống Trump. Ngân hàng Deutsche Bank không còn hợp tác kinh doanh với ông Trump nữa. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ không còn nguồn vay chính.

Hôm 11/1, Ngân hàng Signature tuyên bố đã bắt đầu đóng các tài khoản cá nhân của ông Trump và kêu gọi tổng thống từ chức. Nhà băng này cũng khẳng định "sẽ không hợp tác kinh doanh với bất cứ thành viên nào của Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ Đại cử tri đoàn".

Dang Cong hoa My anh 3

Chiều 6/1, đám đông biểu tình ủng hộ ông Trump đạp đổ rào chắn bên ngoài Điện Capitol và tràn vào trong khi Quốc hội Mỹ đang họp để chứng nhận chiến thắng của Tổng thống tân cử Joe Biden. Ảnh: AP.

Theo CNN, dù muốn giữ thuế thấp và quy định lỏng lẻo hơn, các công ty vẫn không hài lòng với những cuộc tấn công của ông Trump và đồng minh vào nền dân chủ Mỹ. "Đó không còn là câu chuyện thuế. Nhiều người đã đổ máu", ông Valliere của AGF Investments bình luận.

Các tập đoàn lớn tại Mỹ ủng hộ ông Trump sau cuộc bầu cử năm 2016 bởi ông hứa hẹn cắt giảm thuế và bãi bỏ những quy định kiểm soát kinh doanh. Nhưng mối quan hệ giữa tổng thống và các đại gia Mỹ rạn nứt sau hàng loạt cú đòn từ Washington vào những doanh nghiệp lớn, thuế nhập khẩu và thái độ dửng dưng với cuộc khủng hoảng khí hậu. "Cuộc 'ly hôn' đi đến hồi kết sau khi ông Trump kích động đám đông bạo loạn ở Điện Capitol Mỹ hôm 6/1", hãng CNN bình luận.

Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng đối với các tập đoàn lớn, quyết định loạt bỏ ông Trump vào thời điểm hiện tại có lợi về mặt chính trị. "Những CEO này đã được cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và hưởng lợi từ các chính sách có lợi cho doanh nghiệp. Giờ, họ không còn cần Trump nữa", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown bình luận. Trong khi đó, công chúng đang phẫn nộ trước cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.

Tình thế khó xử

Tuy nhiên, xét trên phương diện cá nhân, các doanh nghiệp lớn vẫn có mối quan hệ tài chính mật thiết với ông Trump. Chẳng hạn, Bank of Ameria là khách thuê lớn nhất của 555 California Street - tòa nhà chọc trời ở San Francisco mà tổng thống nắm giữ 30% cổ phần, tương đương 442 triệu USD. Tiền thuê hàng năm của nhà băng này ước tính lên tới 22 triệu USD.

Bank of America không phải công ty duy nhất rơi vào tình thế khó xử. Các doanh nghiệp làm ăn với tổng thống chủ yếu thuê văn phòng ở hai tòa nhà 555 California Street và New York City’s 1290 Avenue of the Americas. Số tiền chảy qua những hợp đồng thuê này lớn hơn nhiều so với các khoản đóng góp chính trị thông thường.

Các khoản tiền này cuối cùng sẽ đổ vào túi ông Trump. Nói cách khác, việc dừng thuê nhà mới là thông điệp quan trọng và mang tính cá nhân hơn đối với tổng thống.

Goldman Sachs đã tạm dừng hoạt động của PAC và xem xét lại những khoản đóng góp chính trị. Tuy nhiên, công ty này vẫn thuê văn phòng của tổng thống tại 555 California Street. Theo ước tính, Goldman Sachs phải trả 5,8 triệu USD tiền thuê mỗi năm. Nếu tính trên 30% cổ phần của ông Trump, con số là 1,7 triệu USD.

Dang Cong hoa My anh 4

Ông Trump nắm giữ 30% cổ phần tại 555 California Street - tòa nhà chọc trời ở San Francisco. Ảnh:

Microsoft cũng không trả lời liệu họ có tìm cách điều chỉnh hợp đồng thuê bên trong 555 California Street hay không. Theo ước tính, họ phải trả 3,2 triệu USD tiền thuê mỗi năm, tức 900.000 USD cho tổng thống.

Morgan Stanley cũng được cho là đã ngừng quyên góp chính trị. Họ thuê văn phòng trong 555 California Street và trả ước tính 10 triệu USD hàng năm (3,1 triệu USD trong số đó được tính cho ông Trump). Công ty này không trả lời yêu cầu bình luận về hợp đồng thuê.

Tổ chức Blue Cross Blue Shield lên án việc "phá hoại nền dân chủ" và dừng chi tiền chính trị. Nhưng tập đoàn không tiết lộ rằng liệu công ty thành viên Blue Shield of California có điều chỉnh hợp đồng thuê ở San Francisco hay không. Mỗi năm, họ phải trả khoảng 2,1 triệu USD. 600.000 USD trong số đó là phần của Tổng thống Trump.

Bạn đang đọc bài viết "Các tập đoàn lớn có dễ cắt đứt quan hệ với Tổng thống Donald Trump?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.