Cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội

06/06/2023 13:00

Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng cần luật hóa các hành vi vi phạm của nhân viên tổ chức tín dụng, như tình trạng ép khách hàng vay tiền mua bảo hiểm

Ngày 5-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Chính phủ trình Quốc hội (QH) dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau đó, QH đã thảo luận tại tổ về dự án luật này. Chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH); đối tượng thụ hưởng; việc xác định giá bán, thuê, cho thuê mua NƠXH nhận được nhiều góp ý từ các đại biểu (ĐB).

Nhà nước cần định giá nhà ở xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, liên quan tới chính sách về NƠXH, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo luật sửa đổi có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những vướng mắc hiện nay. 

"Để sớm khắc phục những hạn chế, đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng 1 triệu căn hộ NƠXH, góp phần tăng nguồn cung về NƠXH, Chính phủ đề xuất đối với nhóm chính sách về phát triển NƠXH sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày Luật Nhà ở (sửa đổi) được QH thông qua" - ông Nguyễn Thanh Nghị nói.

Tại tổ TP HCM, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, cho biết khoản 6 điều 73 của dự thảo luật quy định "Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN)" là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH. Theo bà Tuyết, quy định này còn chưa bao trùm bởi có rất nhiều công nhân, người lao động làm việc tại các DN ở ngoài KCN. 

Cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội thay vì chỉ người làm việc ở khu công nghiệpẢnh: Minh Phúc

Đồng tình, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết TP HCM có 2 - 3 triệu công nhân nhưng chỉ có khoảng 330.000 người làm việc trong các KCN. "Nếu chỉ quy định hướng đến công nhân trong các KCN thì sẽ bỏ sót hàng triệu đối tượng khác cũng rất cần được hỗ trợ về NƠXH" - ĐB Trần Hoàng Ngân băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Đặt tên khu nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội là phản cảm

ĐB Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng để tập trung nguồn lực hỗ trợ công nhân - lao động có hoàn cảnh khó khăn, cần sửa quy định tại dự thảo như sau: "Công nhân, người lao động đang làm việc tại các DN trong khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân".

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đầu tư phát triển NƠXH hiện có 2 loại: do nhà nước đầu tư và do DN đầu tư. Đối với các dự án do DN đầu tư, dự thảo luật vẫn chưa quy định giá bán sẽ do ai duyệt. "Đã là NƠXH, tôi cho rằng giá bán phải do nhà nước duyệt. Bởi DN đầu tư nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là nhà nước giao, không thu tiền sử dụng đất, giao đất sạch thì đương nhiên nhà nước phải khống chế mức giá bán tối đa" - ông Hồ Đức Phớc nêu quan điểm.

Can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Cùng ngày, QH cũng thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Từ thực tế các vụ việc gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, ĐB Dương Ngọc Hải (đoàn TP HCM) đề nghị bổ sung các hành vi cấm vào dự thảo luật như: môi giới trái phiếu không đúng pháp luật, ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn.

Bảo đảm an toàn các tổ chức tín dụng

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn tốt, có dư thừa

Cũng quan tâm nội dung này, ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần quy định rõ ràng chế tài để xử lý các hành vi vi phạm của các nhân viên tổ chức tín dụng, như tình trạng ép khách vay mua bảo hiểm.

Dự thảo luật lần này đã đề xuất quy định 6 trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài được can thiệp sớm. Trong đó sẽ áp dụng biện pháp can thiệp sớm khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của NH Nhà nước. 

ĐB Dương Ngọc Hải đánh giá đây là quy định cần thiết để hỗ trợ tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng các biện pháp hiện nay chủ yếu đến từ phía NH Nhà nước mà chưa thấy các giải pháp tự thân từ trong NH bị rút tiền hàng loạt. Thậm chí, trong dự thảo cũng chưa có biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng để xảy ra vấn đề này.

Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho rằng cần làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của NH Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ lo ngại trước tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay "sân sau" trong lĩnh vực NH. Đây là những vấn đề ông cho rằng dự thảo luật lần này phải đưa ra các quy định chặt chẽ để kiểm soát, khắc phục. 

Bạn đang đọc bài viết "Cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.