Cần mời gọi những tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam

23/03/2021 15:34

Việt Nam cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Trong 5 năm trở lại đây, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu như năm 2015, Việt Nam mới thu hút được 24,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì đến năm 2019 đã lên tới 38 tỷ USD. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cả nước vẫn thu hút được 28,53 tỷ USD vốn FDI, điều này cho thấy Việt Nam luôn là điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những yếu tố để dòng đầu tư tiếp tục chảy vào Việt Nam đó là các Hiệp định đa phương và song phương mà Việt Nam ký kết với khu vực, như: CPTPP, EVFTA, RCEP… đã có hiệu lực, tạo ra cơ hội mới cho các dòng công nghệ cao của dự án trực tiếp nước ngoài từ khu vực vào Việt Nam, hạn chế việc đứt gãy nguồn cung ứng.

"Vừa qua, do COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng của toàn cầu vì vậy các nhà đầu tư đang cần sự tái cơ cấu ngay lập tức và Hiệp định này có hiệu lực vào thời điểm rất phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những ưu đãi đặc biệt. Khi vào Việt Nam đã được ưu đãi đặc biệt rồi, còn khi xuất sang EU để bù đắp ngay chuỗi đứt gẫy đó, cho nên rất thuận lợi cho nhà đầu tư và mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam", ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Tuy đã có những bước chuyển quan trọng, nhưng vẫn còn những hạn chế trong thu hút vốn FDI, đó là: chất lượng và hiệu quả của FDI chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ngành chế biến, chế tạo chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai như: AI, blochain, fintech, đầu tư vào trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), nhất là ở hai trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tiềm lực khoa học và công nghệ lớn, dồi dào về lao động chất lượng cao…

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, cần đầu tư hiệu quả trong tác đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp để phối hợp hiệu quả hơn: "Làm sao để cho từng phần đầu tư của ngân sách Nhà nước và của doanh nghiệp, các đồng vốn bỏ ra có thể áp dụng được các công nghệ và hiệu quả áp dụng công nghệ đó một cách tốt nhất. Khảo sát giai đoạn 2017-2018, tổng số ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 0,3% doanh thu, đây là con số rất nhỏ. Có một số nguyên nhân về việc tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp khó khăn, các DN quy mô nhỏ, tài sản thế chấp không có, hiện chỉ có 30% số DN Việt Nam tiếp cận với nguồn tài chính chính thức của ngân hàng, 70% còn lại trông chờ vào nguồn khác".

Mặc dù, Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh Covid-19, nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống dịch, cũng như việc Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nên Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Vấn đề là sự chuẩn bị kỹ càng, có giải pháp đồng bộ, phù hợp để biến cơ hội thành hiện thực, phục vụ mục tiêu lấy lại tốc độ tăng trưởng cao.

"Trong khi các nước khác vẫn đang khốn đốn với đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự vực dậy nhanh chóng. Đồng thời, Việt Nam cũng là nước đầu tiên tiếp nhận những lợi thế của việc đa dạng hóa chuỗi cung cấp. Các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam như là một điểm đến đầu tư trong trạng thái bình thường mới hậu Covid. Tuy nhiên, Việt Nam nên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao", ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội nhấn mạnh.

Trước những cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa với những giải pháp đồng bộ như: xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ DN vượt qua những tác động của dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, cần khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam, chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản đầu tư.

"Đầu tư nước ngoài đã đưa những hệ thống công nghệ, phát triển công nghiệp của những nước tiên tiến vào Việt Nam nhưng chưa phải những công nghệ cao nhất của họ nhưng vào Việt Nam đã là công nghệ khá tốt. Nhưng trong thời gian tới, chúng ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Và hiện nay chủ yếu là vấn đề lắp ráp, gia công, còn những vấn đề sáng tạo công nghệ, công nghệ cao, công nghệ nguồn hơn thì chắc chắn trong thời gian tới chúng ta phải chuyển đổi", ông Nguyễn Văn Toàn nêu ý kiến.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về FDI, đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để đảm bảo các DN FDI sử dụng đúng, hiệu quả nguồn lực, cũng như đảm bảo cam kết đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng. Đồng thời, các cơ quan xúc tiến đầu tư chủ động làm việc với nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới tiến hành thủ tục. Về dài hạn, bên cạnh việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư cũng rất cần thiết.

Một giải pháp quan trọng nữa là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá, sửa đổi một số quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; tăng mức phạt và hình thức phạt đối với hành vi chuyển giá để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về dự án đầu tư và doanh nghiệp FDI./.

Theo Xuân Lan

VOV

Bạn đang đọc bài viết "Cần mời gọi những tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.