Chứng khoán trong nước “giữ trận” trước nhiều biến động bên ngoài

20/03/2023 16:01

(ĐTCK) VN-Index thể hiện được sức đề kháng tốt, dù nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh khi thế giới có nhiều biến động.

Bối cảnh vĩ mô: Hệ thống ngân hàng thế giới suy yếu

Chưa hết bất ngờ khi một số ngân hàng của Mỹ sụp đổ thì giới đầu tư toàn cầu đón nhận tin xấu về Credit Suisse của Thụy Sĩ, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, cần tới khoản hỗ trợ thanh khoản 50 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương, do một lượng lớn khách hàng rút tiền, trong khi các khoản đầu tư trái phiếu bị lỗ lớn.

Liên quan đến trái phiếu đầu tư, riêng các ngân hàng tại Mỹ đang ghi nhận lỗ chưa thực hiện khoảng 620 tỷ USD, do lãi suất tăng khiến giá trái phiếu giảm. Lãi suất có khả năng duy trì mức cao trong năm 2023, nên DSC dự báo, thời gian tới sẽ có thêm tổ chức tài chính gặp khó khăn trong hoạt động.

Chứng khoán Việt Nam vẫn “khỏe”

Trong bối cảnh biến động vĩ mô phức tạp, sức đề kháng của thị trường chứng khoán trong nước khá cao. Tuần qua, VN-Index chỉ giảm 0,75% và xuất hiện mẫu nến Doji cân bằng tại 1.045,1 điểm, với thanh khoản gia tăng, thể hiện quán tính tăng điểm ngắn hạn chưa bị vi phạm.

Áp lực bán xuất hiện trong phiên cuối tuần, nhưng đánh giá dựa trên thanh khoản là không lớn, có thể coi đó là nhịp điều chỉnh lành mạnh của xu hướng phục hồi. Trạng thái “giữ trận” được hỗ trợ một phần từ dòng vốn ngoại tham gia tích cực trở lại và mua liên tiếp trong tuần, đạt 2.226 tỷ đồng.

Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số lưỡng lự khi tiệm cận kênh trên của xu hướng giảm, tuy có phần bào mòn sự bình tĩnh của nhà đầu tư, nhưng là vận động cần thiết. Chỉ số giữ được xu hướng phục hồi ngắn hạn khi neo đậu phía trên đường trung bình động MA20 (1.040 điểm).

Chứng khoán trong nước “giữ trận” trước nhiều biến động bên ngoài ảnh 1

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Đối với một mẫu nến do dự thì xu hướng được đánh giá dựa trên quán tính giá trước đó, DSC kỳ vọng, VN-Index tiếp tục diễn biến từ trung lập đến tích cực dưới dạng “sideway-up” (tăng từ từ). Mặc dù vậy, yếu tố rung lắc là khó tránh khỏi bởi tác động từ thị trường thế giới. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên canh mua khi chỉ số điều chỉnh xuống vùng 1.030 - 1.040 điểm.

Ngành đáng chú ý: Ngân hàng Việt Nam có lối đi riêng

Ngân hàng Nhà nước đã giảm một số loại lãi suất điều hành (0,5 - 1%), sau khi đánh giá lại “cán cân” giữa ổn định vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Mức nền giá hàng hóa (xăng dầu, thép, thịt lợn) thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và trong tầm kiểm soát.

Tỷ giá USD/VND cuối tháng 2/2023 là 23.700, giảm 0,5% so với cùng kỳ, kỳ vọng tỷ giá tiếp tục ổn định trong năm nay. Tuy nhiên, dữ liệu thâm hụt về tăng trưởng tín dụng và giá trị xuất siêu 2 tháng đầu năm là tín hiệu báo động với mục tiêu GDP cả năm tăng 6,5%.

DSC cho rằng, đây là hướng đi phù hợp và Ngân hàng Nhà nước vẫn có dư địa để điều chỉnh lãi suất trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuyển hướng sang nới lỏng tiền tệ từ giữa năm 2023.

Chủ trương hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp phần nào gây áp lực đến biên lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong môi trường chi phí vốn đầu vào tương đối cao. Do đó, điều hướng chính sách trên là thông tin tích cực giúp ngân hàng cảm thấy “dễ thở” hơn trong kế hoạch hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, để kích hoạt dòng tín dụng lớn quay trở lại cần một quá trình nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài.

Xét vận động giá hiện tại, rủi ro sụp đổ riêng lẻ ở một vài ngân hàng phương Tây hầu như không ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhóm ngành ngân hàng tại thị trường Việt Nam. Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số ngành ngân hàng vận động tích lũy trong mẫu hình cái nêm thu hẹp kéo dài 2 tháng vừa qua và khi tiệm cận về “điểm nén” của mẫu hình thì thanh khoản ghi nhận tăng dần, báo hiệu điểm bùng nổ xu hướng sắp diễn ra.

Theo đó, trong trường hợp phá kênh giá dưới, điểm mua thăm dò là khi chỉ số ngành ngân hàng kiểm chứng tại nền hỗ trợ 160 điểm; trường hợp phá kênh tăng kèm động lượng thanh khoản kích hoạt, điểm mua bùng nổ xu hướng với kỳ vọng mục tiêu ngắn hạn tại 180 điểm. Một số cổ phiếu đáng quan tâm là VIB, MSB, MBB.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán trong nước “giữ trận” trước nhiều biến động bên ngoài" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.