COVID-19 kéo doanh thu công ty du lịch về 10 năm trước

15/10/2021 08:10

Tại tọa đàm "Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19" ngày 14/10, các địa phương và doanh nghiệp đều thừa nhận ngành du lịch đã "chạm đáy".

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel cho biết doanh nghiệp hoạt động ở cả 2 lĩnh vực hàng không và du lịch, trong đó hãng hàng không Vietravel Airlines mới thành lập không lâu, nên chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở đợt dịch thứ 4.

"Năm 2019, Vietravel phục vụ gần 1 triệu lượt khách, doanh thu xấp xỉ 7.000 tỷ đồng. Năm 2020 chỉ 350.000 khách, doanh thu 1.600 tỷ đồng. Và đến năm nay dự kiến chỉ khoảng 10% so với năm 2019. Kết quả này kéo Vietravel quay lại 10 năm trước", ông Duy trải lòng.

Du lịch đã "chạm đáy"

Có hơn 40 văn phòng trong nước và 6 chi nhánh ở nước ngoài nhưng hiện tại, Vietravel đã đóng cửa hoàn toàn hơn 50%, số còn lại tạm thời đóng cửa. Toàn hệ thống gồm 1.700 nhân viên đã có trên 90% nghỉ không lương. Ông Duy cho biết doanh nghiệp đang chịu sức ép từ cả việc thị trường đóng băng lẫn yêu cầu duy trì nhân sự. 

du-lich

Doanh nghiệp hàng không - du lịch đang chịu sức ép từ thị trường đóng băng và duy trì nhân sự. Ảnh: Vietravel.

Còn ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông của Vietnam Airlines, cũng nhấn mạnh trong 60 năm ngành hàng không dân dụng Việt Nam, giai đoạn qua là những ngày “lịch sử”.

"Có những ngày không có một chuyến bay nào trên bầu trời, nhiều ngày chỉ chở nửa chuyến bay Hà Nội - TP.HCM. Chúng tôi phải tháo ghế của gần 20/100 máy bay để chở hàng", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng tâm sự: "Du lịch tại Sa Pa cũng có sự sụt giảm dù chúng tôi chưa hề có thông báo đóng cửa đón khách".

Theo vị này, mỗi tháng Lào Cai chỉ phục vụ bình quân 4.000 khách nội tỉnh, trong khi tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm du lịch có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách địa phương khác và khách quốc tế.

Khoảng 1.300 cơ sở lưu trú và 34 đơn vị lữ hành của tỉnh đã phải giảm đón khách. Đồng thời, hơn 40 dự án đầu tư lớn với trên 50.000 tỷ đồng phải triển khai cầm chừng.

"Rất khó đánh giá được thiệt hại. Nếu như năm 2019, chúng tôi đón 5,5 triệu lượt khách, thu hơn 20.000 tỷ đồng thì năm nay dự tính chỉ thu 3.800 tỷ đồng. Khó khăn lớn nữa là gần như lực lượng lao động du lịch đã chuyển sang làm việc khác, thiếu nguồn lực lao động sau giai đoạn đại dịch", ông Hà Văn Thắng cho biết. 

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp và địa phương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu thừa nhận du lịch là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương.

"Du lịch liên quan đến sự di chuyển của con người với mật độ, khả năng tương tác cao nên dễ thành tâm điểm chịu tác động ngay lập tức, và khi phục vụ thì phải đợi các ngành khác phục hồi", ông phân tích.

Năm 2020, gần 400/2.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Hiện số hãng lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm 35% tổng số đang hoạt động.

Còn ở lĩnh vực lưu trú, công suất buồng phòng 6 tháng đầu năm nay dưới 10%. Từ năm 2021, số cơ sở hoạt động chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lượng lao động còn được giữ lại để hoạt động cầm chừng chiếm 10%. Số khách sạn rao bán cũng ngày càng tăng.

Những định hướng khôi phục bước đầu

Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng VHTTDL cho biết đã có định hướng tái khởi động hoạt động du lịch. Đầu tiên là ưu tiên du lịch nội địa, qua đó khảo sát nhu cầu thực tế của du khách để các địa phương thiết kế sản phẩm phù hợp, trong đó tập trung ở các địa bàn "xanh".

Theo ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khách du lịch trong giai đoạn tới có xu hướng là đi theo nhóm nhỏ, thích trở về thiên nhiên. Do đó, tỉnh sẽ thí điểm du lịch trọn gói trong 2 tháng với tour 1 cung đường - 2 điểm đến do Công ty Oxallis tổ chức, dành cho du khách từ các địa phương khác.

"Hết đợt mưa bão này, công ty sẽ có tour ngay và hiện đã bắt đầu bán tour đón khách. Từ những đốm lửa này, hy vọng sẽ có tín hiệu khả quan trong thời gian tới", ông Phong chia sẻ. 

du-lich-2

Quảng Bình sẽ thí điểm tour 1 cung đường - 2 điểm đến trong 2 tháng. Ảnh: Hải An.

Còn tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cũng cho biết đã xây dựng kế hoạch phục hồi gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong tháng 10, thành phố triển khai du lịch nội vùng, giai đoạn 2 làm việc với các địa phương liền kề để chuẩn bị du lịch liên tỉnh vào tháng 11 và dự thảo đề án đón khách quốc tế vào giai đoạn 3.

"Chúng tôi kỳ vọng từ năm 2022, du lịch thành phố khôi phục hoàn toàn. Chúng tôi nhận định giai đoạn này dù đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nội địa vẫn là trọng tâm. Đây là chìa khóa cho tái hoạt động", bà Ánh Hoa đánh giá.

Đồng thời, là thị trường cung cấp lượng lớn du khách, TP.HCM cũng chú trọng liên kết giữa các tỉnh thành. Bà Ánh Hoa cho biết thành phố đã liên kết với 40 tỉnh thành trong giai đoạn 2019-2020 nên việc nối lại để tái khởi động rất thuận lợi.

"Hiện các địa phương đang rà soát chọn vùng xanh để kết nối tour, tuyến, khách sẽ được đáp ứng nhu cầu, ngành có cơ hội phục hồi nhanh bền vững thời gian tới", bà nói thêm.

Về phía hàng không, ông Đặng Anh Tuấn cho hay Vietnam Airlines đã chuẩn bị về độ sẵn sàng của máy bay theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời làm việc với các địa phương để chuẩn bị cho phục hồi. Từ đầu năm đến nay, hãng hàng không quốc gia đã ký hợp tác với 16 tỉnh, sắp tới có thêm Đồng Nai.

"Mới đây nhất, chúng tôi làm việc với Vingroup, Sungroup, Saigontourist để thí điểm tour Côn Đảo - Hồ Tràm. Với lịch bay, theo sự cho phép của Chính phủ, từ ngày 10/10, hàng không khôi phục 10 ngày thí điểm với 16 đường bay", ông Tuấn cho biết.

Đối với các doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định sẽ đồng hành và có chính sách hỗ trợ, đặc biệt về vấn đề tài chính và nhân lực. Đồng thời, cơ quan này đề ra định hướng số hóa như một yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp trong tương lai.

Thực tế ở các doanh nghiệp và địa phương, công nghệ cũng đang là công cụ được tận dụng để nâng cao trải nghiệm du khách cho giai đoạn hồi phục sắp tới.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup tiết lộ sẽ cho ra mắt ứng dụng quản gia thông minh giúp khách hàng hỏi đáp thông tin nhà hàng, cập nhật thông báo một cách tiện lợi, hạn chế tiếp xúc. Nhiều sản phẩm mới cũng đang được chuẩn bị như tàu ngầm vô cực trong suốt 360 độ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển, hay Cung điện Hải Vương ở VinWonders Phú Quốc... 

(Theo Zing)

Bạn đang đọc bài viết "COVID-19 kéo doanh thu công ty du lịch về 10 năm trước" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.