Đà Nẵng dự trữ 1.900 tỷ đồng hàng hoá cho Tết Nguyên đán

25/01/2022 08:10

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến gần cũng là thời điểm nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng tung nguồn hàng dồi dào nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Hàng Tết dồi dào

Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến khiến sức mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống trong những ngày gần đây tăng cao. Theo ghi nhận tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Đà Nẵng những ngày này, không khí Tết đến Xuân về đã tràn ngập các kệ hàng.

Đại diện các siêu thị, tiểu thương các chợ đều cho biết, các mặt hàng phục vụ Tết dồi dào, giá cả so với mọi năm tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ từ 5 – 10% do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho biết, những mặt hàng thiết yếu đã được siêu thị trữ từ tháng 11/2021 nên nhiều mặt hàng giá thấp hơn thị trường như dầu ăn, nước mắm, tương… các mặt hàng bánh kẹo mứt, đồ uống giá cả vẫn ổn định. 

"Các mặt hàng phục vụ Tết hiện rất đa dạng, phong phú. Về giá cả, có một số mặt hàng nhà cung cấp tăng giá, tuy nhiên, Coopmart Đà Nẵng vẫn cố gắng kìm giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi áp dụng nhiều chương trình khuyến mại giảm giá đối với các mặt hàng dịp Tết và rất được người tiêu dùng tin chọn", ông Thống chia sẻ.

Tương tự, tại Siêu thị Vinmart Đà Nẵng hàng hóa đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài đảm bảo chất lượng hàng hóa, phần lớn sản phẩm phục vụ Tết tại siêu thị là hàng Việt. 

sieu thi-1

Các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán tại các siêu thị ở Đà Nẵng rất đa dạng, phong phú.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Siêu thị Vinmart Đà Nẵng thông tin, hiện có một số mặt hàng giá nguyên liệu đầu vào tăng nên có tăng nhẹ 5 - 10%. Tuy nhiên, siêu thị cũng cố gắng đưa kèm vào các chương trình khuyến mại để người tiêu dùng có lợi nhất.

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Đà Nẵng, do dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực khiến các tiểu thương trong chợ không mạnh dạn nhập hàng hóa phục vụ Tết như những năm trước.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban Quản lý chợ Hàn cho biết, những ngày gần đây sức mua tại chợ đối với các mặt hàng đặc sản, hàng bánh kẹo mứt, hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết đã tăng mạnh. Hiện giá cả các mặt hàng ổn định, chưa có mặt hàng nào ghi nhận tăng giá. Hàng bán đúng giá, hàng lên kệ đều là hàng mới, đảm bảo chất lượng.

"Mặc dù hàng dự trữ tại quầy của tiểu thương thấp nhưng hàng hóa nguồn cung rất dồi dào, chỉ cần sức mua tăng tiểu thương có thể tăng hàng hóa về bán", ông Thành nói.

sieu-thi-2

Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết trên địa bàn Đà Nẵng dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng

Dự trữ khoảng 1.900 tỷ đồng hàng hoá trong dịp Tết

Lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, đơn đã ban hành kế hoạch về dự trữ, cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, Sở Công Thương Đà Nẵng đã tổ chức làm việc, đề nghị các đơn vị thương mại đầu mối, đơn vị cung ứng gia súc, gia cầm, các trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các chợ trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Cụ thể, nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu lương thực (gạo, nếp), thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gà, trứng vịt, rau củ quả), thực phẩm chế biến, thực phẩm khô...

Kênh bán hàng truyền thống trên địa bàn TP. Đà Nẵng gồm: 8 trung tâm thương mại, 71 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, hơn 400 cửa hàng tiện lợi, tự chọn, 74 chợ truyền thống và các đơn vị, doanh nghiệp thương mại, cửa hàng phân phối, các cửa hàng tạp hóa..

Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong đó: 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ; thương nhân kinh doanh tại 4 chợ thuộc Sở, các chợ trên địa bàn quận, huyện và hệ thống thương nhân tại các tuyến phố.

Thương nhân kinh doanh tại 4 chợ thuộc Sở như Chợ Cồn, Chợ Hàn, Chợ Đống Đa, Chợ Đầu mối Hòa Cường có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết ước khoảng gần 250 tỷ đồng (69 tấn gạo nếp, gần 30 tấn thịt các loại, hơn 4.000 tấn rau củ quả).

Riêng Chợ Đầu mối Hòa Cường vào những ngày giáp Tết, lượng rau, củ, quả dự trữ từ 800-900 tấn/ngày. Ngoài ra, một số chợ lớn khác trên địa bàn thành phố cũng chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết ước hơn 300 tỷ đồng.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, hàng hóa dự trữ, chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên Đán 2022 từ phía các doanh nghiệp và thương nhân trên địa bàn thành phố khá đa dạng và phong phú về chủng loại. So với năm 2021, lượng hàng hóa dự trữ tăng nhẹ. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ điều động bổ sung để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh bán hàng, kích cầu tiêu dùng xã hội trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phát động sự kiện “Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm Đà Nẵng năm 2021, Hội chợ Xuân, phiên chợ Tết công nhân, phục vụ người lao động tại các khu công nghiệp... 

Ngoài ra, Sở Công Thương Đà Nẵng vận động các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng, phân phối thịt heo tổ chức 20 điểm bán gần khu vực chợ, các khu dân cư. Doanh nghiệp cam kết bán thấp hơn thị trường và giữ mức ổn định. Giá bán được niêm yết hàng ngày, công khai rộng rãi.  

Bạn đang đọc bài viết "Đà Nẵng dự trữ 1.900 tỷ đồng hàng hoá cho Tết Nguyên đán" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.