Đại gia đứng sau dự án An Lạc Green Symphony mới bị thanh tra là ai?

07/05/2021 08:44

Ông chủ của dự án An Lạc Green Symphony vốn là một đại gia có tiếng, nắm trong tay hàng trăm ha đất vàng, lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và thuỷ điện.

Ngày 5/5, UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án khu đô thị mới An Lạc Green Symphony do vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng thi công không phép.

Theo quyết định xử phạt của UBND huyện Hoài Đức, hành vi vi phạm hành chính của chủ đầu tư là công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư An Lạc (trụ sở tại 62 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) là tổ chức thi công xây dựng công trình phần hầm nhà cao tầng với diện tích xây dựng là hơn 6.000 m2 tại khu đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony, xã Vân Canh.

Hiện tại, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng mọi hoạt động thi công tại công trình này.

Bất động sản - Đại gia đứng sau dự án An Lạc Green Symphony mới bị thanh tra là ai?

Công trình xây dựng không phép tại ô đất có ký hiệu C1-CT tại khu đô thị An Lạc Green Symphony (ảnh: Hữu Thắng).

Tiền thân là dự án khu đô thị Đại học Vân Canh, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho công ty An Lạc làm chủ đầu tư (năm 2007).

Tổng diện tích giao chính thức là 597.902,6 m2. Sau hơn chục năm nằm “đắp chiếu”, tháng 6/2020, TP.Hà Nội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng tại phần đất bổ sung dự án đến hết quý II/2021. Đầu tư các công trình nhà ở thấp tầng, nhà ở chung cư cao tầng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2020 - 2025, hoàn thành toàn bộ dự án đến quý IV/2025.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp Luật, công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư An Lạc được thành lập ngày 5/3/2002 với ngành nghề chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng. Tính đến tháng 4/2020, công ty An Lạc có vốn điều lệ hơn 553 tỷ đồng, nhưng thông tin cổ đông không được công khai.

Sau gần 20 năm họat động, công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án như khu đô thị Nam La Khê (Hà Đông), dự án Chung cư 38 Hoàng Ngân, khu nhà ở cao tầng Phùng Khoang.

Doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư nhà máy thủy điện Nậm Pông, nhà máy thủy điện Za Hưng, nhà máy thủy điện Nhạn Hạc. Hiện tại, dự án trọng điểm của công ty An Lạc là khu đô thị biệt thự – liền kề Vân Canh An Lạc Green Symphony với quy mô 1200 căn biệt thự, liền kề và 20 tòa chung cư cao tầng.

Theo đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 15 ngày 18/11/2020 do sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp, ông Nguyễn Trọng Thông (SN 1953, quê Hà Tĩnh) là Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật công ty này.

Bất động sản - Đại gia đứng sau dự án An Lạc Green Symphony mới bị thanh tra là ai? (Hình 2).

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hà Đô đồng thời là người đứng đầu công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc.

Ông Thông đồng thời đang là Chủ tịch HĐQT của công ty Cổ phần tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) nhiệm kỳ 2019 – 2024 và cũng chính là người sáng lập ra công ty này. Công ty An Lạc đang nắm cổ phần doanh nghiệp hoạt động trong mảng kinh doanh thủy điện của tập đoàn Hà Đô.

Ông Thông cũng đang làm Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Hà Đô 1; Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Hà Đô 2; Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Hà Đô 3; Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Hà Đô 4.

Về tập đoàn Hà Đô, từ năm 1990, ông Thông đã đề xuất với bộ Quốc Phòng thành lập xí nghiệp Xây dựng trực thuộc viện Kỹ thuật Quân sự. Hai năm sau, xí nghiệp Xây dựng được chuyển sang đơn vị hạch toán độc lập và đổi tên thành công ty Xây dựng Hà Đô.

Dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Trọng Thông, công ty Xây dựng Hà Đô đã sát nhập với công ty thiết bị cơ điện và đổi tên thành công ty Hà Đô (năm 1996).

Đến năm 2004, công ty Hà Đô cổ phần hóa và chuyển thành công ty Cổ phần Hà Đô. Sau sáu năm hoạt động và phát triển mạnh mẽ, công ty này chính thức chuyển đổi thành công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô và niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với mã HDG.

Ông Thông làm Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hà Đô từ năm 2007. Thuở sơ khai chỉ là một công ty xây dựng nhỏ, sau 30 năm dưới sự dẫn dắt ông Thông, Hà Đô đã trở thành tập đoàn lớn với hệ thống 11 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động đa lĩnh vực.

Bất động sản - Đại gia đứng sau dự án An Lạc Green Symphony mới bị thanh tra là ai? (Hình 3).

Một trong những nhà máy thủy điện do tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư. 

Nhắc đến Hà Đô, phải kể đến các công trình thủy điện có mức đầu tư nghìn tỷ như Nhạn Hạc tại Nghệ An (tổng mức đầu tư lên đến 1.881 tỷ đồng), Nậm Pông tại Quỳ Châu, Nghệ An (tổng mức đầu tư 796 tỷ đồng). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Hà Đô cũng đã xây dựng 3 nhà máy thủy điện gồm Sông Tranh 4 (tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng), Za Hưng (tổng mức đầu tư 503 tỷ đồng) và Đăkmi 2 (tổng mức đầu tư: 4.700 tỷ đồng).

Bước chân vào thị trường bất động sản, tập đoàn Hà Đô đầu tư xây dựng những dự án “khủng” như Hado Centrosa Garden tại quận 10, TP.HCM (tổng diện tích 68.513,7 m2, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng), Hado Green Lane tại quận 8, TP.HCM (tổng diện tích 23.237 m2), Hado Charm Villas tọa lạc tại Hoài Đức, Hà Nội (tổng diện tích 30 ha)…

Tính đến ngày 6/5/2021, ông Nguyễn Trọng Thông là người giàu thứ 67 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản hơn 1.743 tỷ đồng do đang sở hữu 41,59 triệu cổ phiếu HDG. Ông Thông hiện là cổ đông lớn nhất của tập đoàn Hà Đô.

Khối tài sản của ông Nguyễn Trọng Thông đã vượt nhiều đại gia bất động sản khác như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Him Lam, ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Văn Phú Invest.

Xem thêm clip: Toàn cảnh dự án An Lạc Green Symphony

Bất động sản - Đại gia đứng sau dự án An Lạc Green Symphony mới bị thanh tra là ai? (Hình 4).

Bạn đang đọc bài viết "Đại gia đứng sau dự án An Lạc Green Symphony mới bị thanh tra là ai?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.