Đề xuất phương án ‘miễn giấy thông hành’ cho xe chở thực phẩm thiết yếu

19/07/2021 16:26

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiên cứu phương án không cần cấp thẻ nhận diện luồng xanh cho những xe tải dễ nhận diện như xe chở rau, củ quả, thực phẩm dễ hỏng. Điều kiện áp dụng là các xe này chỉ di chuyển trong nội vùng Chỉ thị 16.

Đề xuất phương án ‘miễn giấy thông hành’ cho xe chở thực phẩm thiết yếu

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiên cứu phương án không cần cấp thẻ nhận diện luồng xanh cho những xe tải dễ nhận diện như xe chở rau, củ quả, thực phẩm dễ hỏng. Điều kiện áp dụng là các xe này chỉ di chuyển trong nội vùng Chỉ thị 16.

Trong buổi họp trực tuyến giữa Bộ GTVT và 63 tỉnh, thành phố chiều ngày 18/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã phối hợp với đơn vị công nghệ nghiên cứu, xây dựng xong phần mềm đăng ký hoạt động trên “luồng xanh” cho xe ô tô vận tải hàng hóa trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19 cho 63 Sở GTVT.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình hình giao thông trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP.HCM đến 14h ngày 18/7 cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Lượng xe lưu thông qua chốt hạn chế hơn các ngày trước và đa số các tài xế đã có kinh nghiệm khi qua chốt nên mất ít thời gian hơn. 

Tuy nhiên, một số chốt kiểm dịch tại Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lạng Sơn…vẫn còn tình trạng lái xe lưu thông không có giấy xét nghiệm COVID-19, có xuất hiện trường hợp khi lực lượng kiểm tra tại chốt thực hiện test nhanh cho lái xe phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, Tổng cục đường bộ đề nghị các địa phương, các Sở GTVT tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp và các lái xe chấp hành nghiêm quy định về y tế.

tm-img-alt

Bộ GTVT yêu cầu nghiên cứu phương án không cần cấp thẻ nhận diện luồng xanh cho xe chở thực phẩm thiết yếu. (Ảnh: VnExpress)

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thống nhất với Cục Y tế (Bộ GTVT) triển khai tăng cường thêm nhân lực (y, bác sĩ), thiết bị vật tư y tế của ngành giao thông vận tải cho các tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng để hỗ trợ công tác xét nghiệm nhanh theo quy định của Bộ Y tế cho lái xe, người phục vụ theo xe nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho vận chuyển hàng hóa được lưu thông.

Về hoạt động vận tải đường sắt, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông tin, hiện nay trên tuyến Bắc-Nam chạy 5 đôi tàu hàng và 1 đôi tàu khách vận chuyển khoảng 300 khách/ ngày; đang dừng đón, tiễn khách tại 5 ga thuộc địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Khánh hòa; Bình Dương.

Tổng cộng 6 ga không đón tiễn khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM do tình hình Covid-19 phức tạp: Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa, Long Khánh, Ninh Hòa, Vạn Giã. Riêng ga Huế hiện nay không đón khách từ TP.HCM xuống. Cục đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải luôn sẵn sàng nâng tải để phục vụ khi có yêu cầu.

Đặc biệt, tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu nghiên cứu phương án không cần cấp thẻ nhận diện luồng xanh cho những xe tải dễ nhận diện như xe chở rau, củ quả, thực phẩm dễ hỏng. Điều kiện áp dụng là các xe này chỉ di chuyển trong nội vùng Chỉ thị 16.

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh, thành phố phía Nam cùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cũng trong ngày 18/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thống nhất phương án không yêu cầu lái xe và người đi cùng phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 khi di chuyển trong phạm vi 19 tỉnh thành phía Nam. Phương án này được giao cho Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ban hành quyết định thành lập 4 Tổ kiểm tra về thực hiện “luồng xanh” trong hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo đó, nhiệm vụ của Tổ kiểm tra sẽ khảo sát các hoạt động vận tải thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của các địa phương; kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp vận tải, các đầu mối xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cảng, bến hàng hải, đường thủy nội địa; kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông, việc cấp lô gô gắn với mã QR code nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa tại các Sở GTVT.

Thời gian kiểm tra là 14 ngày, bắt đầu từ ngày 19/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021.

19 tỉnh, thành phố phía Nam chính thức giãn cách từ 0h ngày 19/7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công văn chỉ đạo, đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày. 

Cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP.Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

“Việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm, tránh hiện tượng "bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng". Tránh hiện tượng áp dụng để phòng, chống dịch nhưng vô tình tạo thành những đám đông, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất phương án ‘miễn giấy thông hành’ cho xe chở thực phẩm thiết yếu" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.