Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Admin

19/07/2025 20:02

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu bất động sản đã có tuần giao dịch ấn tượng cùng thị trường. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* TPS khuyến nghị mua và MBS khuyến nghị khả quan cổ phiếu PC1

Theo TPS, nhà đầu tư có thể thiết lập chiến lược giải ngân từng phần với cổ phiếu PC1 tại vùng giá 22.800 – 23.500 đồng/CP. Đồng thời thiết lập mức cutloss khi giá giảm về dưới 22.600 đồng/CP với khối lượng lớn.

Trong khi đó, MBS cho rằng, triển vọng mảng xây lắp tích cực đến từ khối lượng đầu tư lớn GĐ 2026-2030, cao hơn 1,6 lần so với QHĐ8, do đó khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu là 28.500 đồng/CP.

Là đơn vị hưởng lợi đầu tiên và lớn nhất từ việc tăng đầu tư vào hạ tầng truyền tải (18 tỷ USD/tăng 74% so với QHĐ VIII cũ) cũng như mở rộng công suất điện gió, nhưng diễn biến cổ phiếu PC1 tuần qua khá rung lắc và chỉ có được đà tăng nhẹ, trong bối cảnh thị trường chung giao dịch ấn tượng. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm giá, tổng cộng giá cổ phiếu PC1 tăng nhẹ 450 đồng (+2,01%) từ mức 22.350 đồng/CP lên 22.800 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị chọn cổ phiếu MWG và PNJ; PHS khuyến nghị nắm giữ PNJ

Trong chiến lược đầu tư bán lẻ lần này, MBS lựa chọn các doanh nghiệp có định giá hấp dẫn và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành. Bên cạnh đấy, chúng tôi nhận thấy việc thay đổi nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ mở đường cho sự phát triển về quy mô bán lẻ và khả năng sản xuất của doanh nghiệp trang sức trong trung – dài hạn. Do vậy, chúng tôi lựa chọn MWG, PNJ, tích lũy dần VNM để đón đầu sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2026-2027.

Trong khi đó, PHS cho rằng, PNJ hiện đang giao dịch tại P/E Forward 25F ở mức 14.5x – thấp hơn so với P/E bình quân 5 năm là 16.5x. Sử dụng phương pháp định giá DCF và P/E, PHS đưa ra khuyến nghị nắm giữ dành cho PNJ với giá hợp lý là 96.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng giá tiềm năng là 10%.

Cùng diễn biến chung của thị trường, cổ phiếu ngành bán lẻ MWG tiếp tục chinh phục đỉnh mới của năm và cũng là mức giá kỷ lục mới, dù có chút hạ nhiệt vào cuối tuần. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ vào ngày 18/7, tổng cộng giá cổ phiếu MWG tăng 2.200 đồng (+3,24%) từ mức 67.900 đồng/CP lên 70.100 đồng/CP.

Với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa công bố, việc sửa đổi yêu cầu nhập khẩu vàng theo hướng linh hoạt và thực tiễn hơn sẽ làm tăng khả năng PNJ có thể tận dụng hiệu quả giấy phép nhập khẩu sau khi được cấp. Thông tin tích cực đã giúp PNJ có phiên đầu tuần ngày 14/7 tăng vọt, tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu này đã trở lại trạng thái giằng co nhẹ. Kết thúc tuần với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PNJ tăng 3.200 đồng (+3,85%) từ mức 83.200 đồng/CP lên 86.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVS và PVD

Dựa trên triển vọng đẩy nhanh các dự án khai thác dầu khí, giá thuê giàn khoan duy trì ở vùng cao do nhu cầu trong khu vực đang tăng dần và cải thiện hiệu suất sử dụng giàn khoan trên 90%, chúng tôi lựa chọn PVS và PVD cho chiến lược đầu tư của ngành dầu khí giai đoạn sắp tới.

Nhóm cổ phiếu năng lượng nói chung đã có phiên giao dịch khởi sắc ngày cuối tuần 18/7 dù sóng không quá lớn. Và nhìn chung, diễn biến các cổ phiếu họ P tuần qua không được như kỳ vọng của các công ty chứng khoán khi chỉ có được mức tăng nhẹ. Trong đó, cổ phiếu PVS đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu PVS tăng 1.200 đồng (+3,63%) từ mức 33.100 đồng/CP lên 34.300 đồng/CP.

Cũng có diễn biến tương tự, cổ phiếu PVD giao dịch giằng co khi đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm giá và 2 phiên đứng giá tham chiếu. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PVD tăng nhẹ 450 đồng (+2,21%) từ mức 20.400 đồng/CP lên 20.800 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VCG, HHV, NLG, KDH

Chúng tôi lựa chọn VCG, HHV, HPG và HSG dành cho chiến lược đầu tư của ngành Xây dựng hạ tầng trong giai đoạn 2025 – 2026 nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ nhờ hưởng lợi từ thị trường xây dựng và định giá đang ở mức hấp dẫn trong chu kì tăng trưởng của ngành.

Bên cạnh đó, MBS lựa chọn NLG và KDH cho chiến lược đầu tư nửa cuối 2025. Chúng tôi ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu theo tiêu chí sau: (1) Có dự án được kỳ vọng hưởng lợi từ các thay đổi pháp lý, từ đó được đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc hưởng lợi về mặt bằng giá bán, (2) Có tiềm năng tăng trưởng vững chắc trong GĐ 2025-2026 nhờ bàn giao dự án gối đầu tích cực, (3) Giá cổ phiếu còn tiềm năng tăng trưởng tốt so với giá mục tiêu.

Nhóm cổ phiếu bất động sản đã có tuần giao dịch đầy ấn tượng với nhiều mã ghi nhận mức tăng ấn tượng và xác lập mức giá kỷ lục. Tuy nhiên, đây không phải là diễn biến chung của toàn ngành, điển hình như cổ phiếu VCG giao dịch rung lắc và chỉ có được đà tăng nhẹ. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu VCG tăng 450 đồng (+1,97%) từ mức 22.800 đồng/CP lên 23.250 đồng/CP.

Trong khi đó, HHV là một trong những điểm sáng với những phiên giao dịch bùng nổ khi có tới gần 30 triệu đơn vị khớp lệnh và mức thanh khoản trung bình tuần qua đạt xấp xỉ 20 triệu đơn vị/phiên. Cùng với lực cầu hấp thụ mạnh, diễn biến cổ phiếu HHV cũng giao dịch khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu HHV tăng 850 đồng (+7,05%) từ mức 12.050 đồng/CP lên 12.900 đồng/CP.

Cổ phiếu bất động sản NLG cũng có diễn biến tích cực khi đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu NLG tăng 2.200 đồng (+5,66%) từ mức 38.850 đồng/CP lên 41.050 đồng/CP.

Thông tin đáng chú ý tại KDH là tuần qua, cổ phiếu đã điều chỉnh giá tham chiếu do ngày 17,7 là ngày giao dịch không hưởng quyền chi trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:10. Diễn biến giá cổ phiếu KDH cũng không nằm ngoài xu hướng chung của nhóm ngành khi đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu KDH tăng 1.500 đồng (+5,44%) từ mức 27.550 đồng/CP lên 29.050 đồng/CP.

* TPS và AGR cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE

Theo TPS, cổ phiếu REE hiện đang hội tụ hai mẫu hình có độ tin cậy cao, đồng thời hệ thống MA và các chỉ báo động lượng cũng cho xu hướng tăng giá. NĐT có thể giải ngân từng phần với tỷ trọng hợp lý trong vùng giá từ 68,500 – 70,000 và thiết lập ngưỡng cutloss khi giá đóng cửa.

Bên cạnh đó, AGR kỳ vọng kết quả kinh doanh của REE sẽ hồi phục trong quý II/2025; cùng triển vọng dài hạn nhờ mở rộng công suất mảng năng lượng khi dự án thủy điện Trà Khúc 2 và điện gió Duyên Hải đi vào vận hành giai đoạn cuối 2025-2026, do đó khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu REE với giá mục tiêu là 75.000 đồng/CP, upside 11%.

Mặc dù giao dịch sôi động hơn với trung bình thanh khoản tuần qua đạt hơn 1 triệu đơn vị mỗi phiên, nhưng diễn biến giá cổ phiếu REE chỉ tăng nhẹ bởi chịu áp lực bán chốt lời trong các phiên cuối tuần. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu REE tăng nhẹ 900 đồng (+1,35%) từ mức 66.900 đồng/CP lên 67.900 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu IDC

Chúng tôi chuyển khuyến nghị sang khả quan do giá cổ phiếu Tổng công ty IDICO - Công ty cổ phần (IDC – sàn HNX) giảm sâu so với giá trị tài sản của công ty. Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu so với báo cáo trước do mức giảm định giá của các KCN hiện hữu được bù đắp bởi các KCN mới được phê duyệt.

Không được như kỳ vọng của MBS, cổ phiếu bất động khu công nghiệp IDC đã có tuần biến động lình xình quanh mốc tham chiếu. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu IDC tăng nhẹ 100 đồng (+0,22%) từ mức 46.200 đồng/CP lên 46.300 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DDV và DPM

Xu hướng tăng trung hạn của cổ phiếu CTCP DAP – VINACHEM (UPCOM: DDV) vẫn được duy trì khi giá đang bám sát các đường hỗ trợ MA10 và MA20 với lực cầu khá cân bằng trong các phiên giao dịch gần đây. Chỉ báo RSI duy trì quanh mức 61, phản ánh dư địa tăng giá vẫn còn. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DDV với giá mục tiêu 31.000 đồng/cổ phiếu, cắt lỗ nếu giá giảm dưới 26.000 đồng/cổ phiếu để quản trị rủi ro.

Trong bối cảnh dòng tiền có xu hướng luân chuyển giữa các nhóm ngành, các cổ phiếu có nền giá vững chắc như DPM được kì vọng có khả năng bứt phá khỏi vùng tích lũy. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 43.000 đồng/cổ phiếu, cắt lỗ nếu giá giảm dưới 36.500 đồng/cổ phiếu để kiểm soát rủi ro.

Cổ phiếu nhóm phân bón đã không nằm ngoài xu hướng khởi sắc chung của thị trường. Trong đó, DDV đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm giá. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu DDV tăng 1.900 đồng (+6,81%) từ mức 27.900 đồng/CP lên 29.800 đồng/CP.

Trong khi đó, ngày 15/7 vừa qua, DPM đã điều chỉnh giá tham chiếu do đây là ngày giao dịch không hưởng quyền để chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% và diễn biến giá cổ phiếu này trong tuần qua cũng khá tích cực. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giá ngày cuối tuần 18/7, tổng cộng giá cổ phiếu DPM tăng 3,2% lên mức 38.350 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu FPT

Kết quả kinh doanh 5 tháng tiếp tục tăng chậm lại nhưng lợi nhuận tháng 5 cải thiện với mức tăng 20%. Chúng tôi duy trì dự báo FPT sẽ đạt mức tăng trưởng 15-18% trong Quý 2 và cả năm 2025, thấp hơn kỳ vọng 20% đầu năm do chi tiêu dịch vụ CNTT nước ngoài chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan. Giá cổ phiếu đã điều chỉnh 19% kể từ đầu năm, hiện giao dịch ở mức P/E 2025F ~21,x lần – tương đương vùng định giá trung bình 5 năm. Với tiềm năng tăng trưởng và định hướng phát triển dài hạn vào AI, chất bán dẫn và phần mềm ôtô, chúng tôi khuyến nghị Tăng tỷ trọng cổ phiếu với giá mục tiêu là 140.000đ/cp (upside 14% so với hiện tại).

Những thông tin đáng chú ý tại FPT là ngày 22/7 tới đây Công ty sẽ chốt quyền chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20:3 và kết quả kinh doanh 6 tháng khả quan với lợi nhuận ròng tăng trưởng 32% so với cùng kỳ, tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu này không được như kỳ vọng khi trải qua các phiên giằng co nhẹ. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu FPT giảm 200 đồng (-0,16%) từ mức 126.600 đồng/CP xuống 126.400 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu MSN

Agriseco Research cho rằng MSN đã vượt qua giai đoạn tái cơ cấu toàn diện và bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ với động lực được chia đều cho các mảng kinh doanh chính. Sau khi đã trải qua giai đoạn hồi phục cùng thị trường, MSN vẫn ở mức giá được chiết khấu so với giá trị cổ phần mà công ty sở hữu. Chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cho cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 85.000 đồng/CP.

Cổ phiếu MSN tiếp tục có thêm tuần khởi sắc và cũng xác lập mức kỷ lục mới của năm cùng diễn biến với chỉ số chung. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MSN tăng 2.500 đồng (+3,27%) từ mức 76.500 đồng/CP lên 79.000 đồng/CP.

* CTCK Asean khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MBB

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cơ hội đầu tư cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) trong năm 2025 với mức giá hợp lý được xác định ở mức 30.900 đồng/cổ phiếu (+16% so với giá thị trường).

Dòng tiền chảy mạnh và vẫn luân phiên qua các cổ phiếu, nhóm ngành để dẫn dắt thị trường chinh phục những đỉnh cao mới và tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có sự đóng góp dù không quá lớn. Trong đó, cổ phiếu MBB đã duy trì đà tăng nhẹ trong gần suốt cả tuần, khi đón nhận 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu MBB chỉ tăng 350 đồng (+1,31%) từ mức 26.700 đồng/CP lên 27.050 đồng/CP.

Bạn đang đọc bài viết "Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.