Doanh nghiệp lập "kỷ lục buồn" vì 3 tại chỗ

23/10/2021 12:08

Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và báo lỗ kỷ lục sau nhiều năm hoạt động.

Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức – Vnsteel (HOSE: TDS) vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2021. Theo đó, TDS lỗ ròng hơn 600 triệu trong quý III. Đây là lần đầu công ty báo lỗ. 

Cụ thể, trong quý III, doanh thu thuần của TDS đạt 401,7 tỷ đồng, giảm 187,5 tỷ, tương ứng 46,6% so với cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, chi phí bán hàng của TDS giảm 55% xuống còn hơn 2 tỷ; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 66% còn 3 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính tại TDS cũng giảm 35% so với cùng kỳ 2020.

Dù các khoản chi phí đều giảm nhưng TDS vẫn báo lỗ ròng quý III/2021 gần 644 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 đạt hơn 2,1 tỷ đồng.

Báo cáo giải trình kết quả kinh doanh, theo đại diện công ty, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ chậm nên sản lượng tiêu thụ hàng tháng giảm hơn nửa. Do áp dụng chính sách giãn cách xã hội, công ty chỉ bố trí sản xuất "3 tại chỗ" được một ca sản xuất.

Trong khi đó, chi phí sản xuất, chi phí nguyên liệu tăng cao do khó khăn khi vận chuyển, thu gom khiến giá thành sản xuất đầu vào cao. Mặt khác, tiêu thụ chậm cũng dẫn đến nguồn tài chính bị ảnh hưởng, thiếu hụt nguồn vốn, cần phải vay bổ sung vốn lưu động làm chi phí tài chính tăng.

Nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của TDS đạt 1658 tỷ đồng, tăng 97 tỷ, tương ứng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận 9 tháng TDS đạt 46,3 tỷ đồng, tăng 27,7 tỷ, tương ứng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE: HAX), nhà phân phối Mercedes-Benz đầu tiên tại Việt Nam, cũng báo lỗ kỷ lục theo quý kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán.

Trong quý III/2021, doanh thu thuần của HAX đạt 708,8 tỷ đồng, giảm 1.033 tỷ, tương ứng 146% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 33,3 tỷ đồng, giảm 18,2 tỷ đồng, tương ứng 36% so với cùng kỳ năm 2020. 

Chi phí bán hàng của HAX giảm 37% xuống còn hơn 22,5 tỷ; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 36% còn 9,5 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng giảm 43% còn 4,9 tỷ so với cùng kỳ 2020.

Đại diện HAX cho biết công ty có 2 chi nhánh tại Tp.HCM phải đóng cửa suốt quý III và 2 chi nhánh tại Hà Nội cũng đóng cửa tới 21/9/2021 mới có thể kinh doanh trở lại. Hoạt động của HAX gần như bị đóng băng suốt quý III. Bên cạnh đó, HAX vẫn phải gánh các chi phí về khấu hao, lương và các chi phí cố định khác suốt 3 tháng đóng cửa. 

HAX cho biết đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc mở cửa vào quý IV, bắt kịp giai đoạn bình thường mới bằng cách tiêm đủ vắc-xin cho nhân viên và tiếp tục làm việc với nhà máy Mercedes-Benz để đảm bảo mục tiêu kết quả kinh doanh năm 2021. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của HAX đạt 3.395 tỷ đồng, giảm 355 tỷ đồng, tương ứng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận 9 tháng HAX đạt 34,3 tỷ đồng, giảm 21,8 tỷ, tương ứng 81,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp lập 'kỷ lục buồn' vì 3 tại chỗ

Hoạt động của Haxaco gần như bị đóng băng suốt quý III/2021. (Ảnh: Haxaco)

Công ty Cổ phần Bến xe miền Tây (HOSE: WCS) ghi nhận doanh thu quý III sụt giảm mạnh tới 98% so với cùng kỳ năm trước, từ hơn 29 tỷ đồng xuống xấp xỉ 600 triệu đồng. Đây là quý đầu tiên Bến xe Miền Tây báo lỗ kể từ khi doanh nghiệp công bố thông tin.

Trong khi đó, chi phí giá vốn dù giảm 5,1 tỷ đồng, tương ứng 38,6% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn ghi nhận tới hơn 8 tỷ đồng, cao hơn gần 14 lần so với doanh thu khiến WCS bị lỗ gộp gần 7,6 tỷ đồng. Quý III/2020, WCS lãi 17,4 tỷ đồng.

Đại diện WCS cho biết, do phải tạm ngừng hoạt động, chỉ duy trì giữ xe hai bánh và thu phí dịch vụ xe ra, vào bến chở hàng hóa nên doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ kết quả kinh doanh tốt của 6 tháng trước đó khi làn sóng dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của WCS chỉ giảm gần 39% về còn 50 tỷ đồng, qua đó lợi nhuận sau thuế đạt gần 14 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước. 

Công ty đặt ra kế hoạch tổng doanh thu năm 2021 đạt 131 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 52,1 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh cả năm, công ty mới thực hiện hơn một phần ba chỉ tiêu doanh thu và một phần tư chỉ tiêu lợi nhuận.

Công ty Cổ Phần Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) cũng lần đầu báo lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán từ năm 2006. Doanh nghiệp này vừa lập kỷ lục buồn trong 44 năm hoạt động khi ba tháng gần nhất đều lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp lập 'kỷ lục buồn' vì 3 tại chỗ (Hình 2).

Nơi ở của công nhân CTCP Nhựa Bình Minh khi duy trì mô hình "3 tại chỗ". (Ảnh: BM Plasco)

Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2021 của BMP giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, đạt 529 tỷ đồng. Sản lượng chưa đến 11.000 tấn, đạt 39% kế hoạch quý và giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Mức lỗ sau thuế ghi nhận là 26 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 153 tỷ đồng. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu BMP đạt 3.135 tỷ đồng, thực hiện 60% kế hoạch 9 tháng và giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế BMP chỉ đạt 100 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 19% kế hoạch năm.

Đại diện BMP cho biết, sản lượng tiêu thụ trong quý III giảm 59% còn 11.000 tấn do ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội ở hầu hết các tỉnh miền Nam trong quý. BMP có 3 nhà máy và đang duy trì "3 tại chỗ". Trong tháng 7, công ty đã duy trì 50% hoạt động kinh doanh, tháng 8 chỉ còn 20% và hiện quay lại trên 50%. 

BMP cũng đã chuẩn bị nguồn lực để có thể quay trở lại sản xuất khi dịch được kiểm soát trong quý IV. Hiện, tỉ lệ công nhân sẵn sàng quay trở lại làm việc là 95%. Khoảng 98% nhân viên đã tiêm vắc-xin mũi 1 và 92% nhân viên đã tiêm mũi 2.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp lập "kỷ lục buồn" vì 3 tại chỗ" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.