Hơn 9,6 triệu tỷ đồng tín dụng đang chảy vào đâu?

27/07/2021 10:59

Theo NHNN, lĩnh vực công nghiệp và thương mại đang được các ngân hàng cấp tín dụng nhiều nhất, đây cũng là 2 lĩnh vực đón dòng tiền tín dụng nhiều nhất 5 tháng đầu năm.

Theo số liệu mới nhất từ cơ quan quản lý tiền tệ, tính đến cuối tháng 5 năm nay, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt trên 9,647 triệu tỷ đồng, tăng 4,95% so với đầu năm. Chỉ tiêu này tương đương với việc các ngân hàng đã bơm ròng hơn 455.000 tỷ đồng vào nền kinh tế thông qua kênh cho vay trong 5 tháng.

Trong các lĩnh vực, ngành nghề mà Ngân hàng Nhà nước phân chia cấp tín dụng, thương mại và công nghiệp vẫn là 2 lĩnh vực có số dư tín dụng đến cuối tháng 5 cao nhất, lần lượt đạt 2,225 triệu tỷ và 1,849 triệu tỷ đồng, tương đương 23% và 19,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Đáng chú ý, đây cũng là 2 lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng dòng tiền tín dụng lớn nhất từ đầu năm, đều cao hơn mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Hon 9, 6 trieu ty dong tin dung dang chay vao dau? anh 1

Thương mại và công nghiệp là 2 lĩnh vực có số dư nợ tín dụng cao nhất, chiếm 42,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ảnh: Nam Khánh.

Tiền các ngân hàng chảy vào đâu?

Với hơn 2,225 triệu tỷ đồng dư nợ đến cuối tháng 5, lĩnh vực thương mại đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 5,73% so với đầu năm, tương đương các ngân hàng đã bơm ròng thêm 120.560 tỷ đồng cho các khách hàng trong lĩnh vực thương mại trong 5 tháng.

Tương tự, với mức tăng trưởng tín dụng 6,73%, các khách hàng liên quan lĩnh vực công nghiệp cũng được bơm ròng gần 116.600 tỷ tín dụng từ các nhà băng, tương đương mức cấp tín dụng ròng hơn 23.300 tỷ đồng/tháng (trên 1 tỷ USD quy đổi).

Ngoài 2 lĩnh vực có số dư tín dụng lớn nhất theo phân ngành của NHNN, 5 tháng đầu năm cũng ghi nhận dòng vốn đổ mạnh vào lĩnh vực vận tải và viễn thông với mức tăng 4%, nâng tổng dư nợ ngành đến cuối tháng 5 đạt 251.000 tỷ đồng, cao hơn gần 9.700 tỷ so với đầu năm.

Trong khi đó, dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung khi chỉ tăng 1,81%, hiện đạt gần 789.800 tỷ đồng.

Tương tự, hoạt động xây dựng cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 1% giai đoạn này, số dư đến cuối tháng 5 là 862.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, nếu so với tháng 4, dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực xây dựng đã giảm 0,29 điểm %.

Trong khi tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế 5 tháng mới đạt 4,95% và nửa đầu năm đạt 5,47% ( theo Tổng cục Thống kê), các ngân hàng thương mại lại ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, thậm chí gần chạm giới hạn tín dụng NHNN cấp từ đầu năm.

DƯ NỢ TÍN DỤNG TẠI MỘT SỐ LĨNH VỰC
Nguồn: SBV
Nhãn Tháng 12/2020 Tháng 1/2021 2 3 4 5
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tỷ đồng 775702 775113 776936 782736 789415 789768
Công nghiệp   1732451 1755074 1767387 1804265 1828625 1849020
Thương mại   2104832 2110846 2102818 2172915 2206940 2225392

Trong đó, Vietcombank đầu năm được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 10,5%, nhưng đến giữa năm ngân hàng này đã đạt mức trưởng trên 9%.

Tương tự, MBBank được NHNN giao giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức 10,5%, nhưng chưa hết 6 tháng ngân hàng đã tăng 8,4%; Techcombank tăng trưởng tín dụng nửa năm đạt 11,2% trên tổng hạn mức được giao 12%; VietinBank cũng tăng 4,8% nửa năm trên hạn mức 7,5% cả năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao từ đầu năm phải kể tới VietCapital Bank tăng 11,6%; TPBank tăng gần 11%; ACB tăng 9,4%; MSB tăng 9%; VIB tăng 8,1%; Sacombank tăng 5,8%...

Với việc nhiều ngân hàng đã gần hết room tín dụng chỉ sau nửa năm, mới đây NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một loạt ngân hàng.

Tuy vậy, ít nhất 4 ngân hàng đã xác nhận với Zing rằng đang có kế hoạch xin NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm một lần nữa nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát và tín dụng tăng trưởng trở lại từ cuối quý III như kế hoạch.

Tín dụng vẫn sẽ tăng vào cuối năm

Dù tình hình dịch bệnh đang diến biến phức tạp, tuy nhiên dòng vốn tín dụng vẫn được kỳ vọng tăng vào cuối năm với tỷ lệ tối thiểu bằng năm 2020 (trên 12%).

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), đầu năm NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng thận trọng với 3 kịch bản tương ứng với diễn biến của dịch Covid-19.

Trong đó, kịch bản tích cực ghi nhận tăng trưởng tín dụng dao động ở mức 12-14%; trong khi tỷ lệ này sẽ là 10-12% ở kịch bản thường và 7-8% ở kịch bản kém khả quan là dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG HÀNG NĂM
Nguồn: SBV, Tổng hợp
Nhãn 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 dự báo của ACBS
Tăng trưởng tín dụng so với năm trước % 14.16 17.29 18.71 18.17 14 13.5 12.13 14

Thực tế, diễn biến thị trường đang ghi nhận theo hướng kịch bản 3 vì đến nay dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng đầu năm đã cao hơn nhiều so với kỳ vọng nhờ lãi suất cho vay thấp, điều này cũng sẽ diễn ra tương tự trong nửa cuối năm.

Theo đó, ACBS kỳ vọng tín dụng sẽ tăng mạnh từ cuối quý III và đầu quý IV, trong đó, mức tăng trưởng dự báo là 14%, tương đương với mục tiêu cao nhất của NHNN.

Một yếu tố giúp kỳ vọng tín dụng có thể tăng vào cuối năm là thanh khoản các ngân hàng vẫn trong trạng thái dồi dào và ổn định, hỗ trợ cho lãi suất duy trì ở mức thấp.

Theo ACBS, dù tình trạng dư thừa thanh khoản đã giảm trong nửa đầu năm nay do lãi suất huy động duy trì ở mức thấp khiến tăng trưởng huy động thấp hơn tín dụng.

Tuy nhiên, điều này chỉ khiến chênh lệch huy động – tín dụng giảm đi 100.000 tỷ đồng so với đỉnh điểm dư thừa ở năm ngoái. Diễn biến này cũng phù hợp với xu hướng cải thiện tỷ lệ LDR để tối ưu hóa bảng cân đối của phần lớn ngân hàng, chưa phải dấu hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống gặp căng thẳng.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng dù tăng 1 điểm % từ mức gần 0% của năm 2020 nhưng vẫn đang ở mức rất thấp so với các năm trước. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ vẫn duy trì ở mức thấp kể từ đầu năm.

Thậm chí, các ngân hàng còn đang có một số yếu tố hỗ trợ thanh khoản như giữ lại lợi nhuận thay vì trả cổ tức tiền mặt; các khoản thu đột biến từ bán vốn, ký hợp đồng bancassurance độc quyền; phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và cổ phiếu…

Ngoài ra, việc NHNN mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng giá trị 7 tỷ USD trong quý I cũng sẽ đưa vào hệ thống xấp xỉ 150.000 tỷ tiền VNĐ trong quý III, dự kiến tiếp tục giúp mặt bằng lãi suất thấp đến hết năm.

Bạn đang đọc bài viết "Hơn 9,6 triệu tỷ đồng tín dụng đang chảy vào đâu?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.