Người đàn ông tử vong vì chữa rắn độc cắn bằng mẹo dân gian

16/08/2022 17:08

Phát hiện con rắn nặng gần 1kg bò trước cổng nhà nên ông Đức dùng tay không để bắt và không may bị rắn cắn.

Ngày 16/8, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an thành phố Đồng Xoài tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của ông Dương Hoàng Đức (64 tuổi, ngụ khu phố Phước Tân, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài).

Theo thông tin ban đầu tối 13/8, ông Đức phát hiện con rắn nặng gần 1 kg bò trước cổng nhà nên dùng tay không để bắt và không may bị rắn cắn vào tay phải. Sau đó, ông Đức bỏ rắn vào can nhựa loại 5 lít màu trắng và kể cho với Phan Tuấn Đạt (35 tuổi), ngụ tỉnh Vĩnh Long ở cùng nhà với ông về việc mình bị rắn cắn vào cánh tay. Nghĩ là rắn không có độc nên 2 người quyết định không đi chữa trị ở đâu hết.

Sức khỏe - Người đàn ông tử vong vì chữa rắn độc cắn bằng mẹo dân gian

Con rắn hổ mèo cắn ông Đức tử vong. Ảnh: TTXVN.


Đến chiều 14/8, anh Bùi Văn Trường (38 tuổi, là hàng xóm) sang nhà ông Đức chơi và phát hiện đó là loại rắn hổ mèo thuộc dạng rắn độc. Sau khi kiểm tra vết rắn cắn trên cánh tay ông Đức thấy sưng, anh Trường đã lấy xe máy chở ông Đức qua nhà một người dân ở phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài để chữa trị bằng mẹo dân gian. Sau đó, ông Đức về nhà và không đến bệnh viện. Đến tối 15/8, do vết thương quá nặng, ông Đức đã tử vong.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý.

Cách sơ cứu khi bị rắn cắn

Các bước sơ cứu nên làm:

• Trấn an người bệnh.

• Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

• Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

• Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

• Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới bòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

• Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

• Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

• Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

Trúc Chi (t/h theo TTXVN, Bình Phước)

Bạn đang đọc bài viết "Người đàn ông tử vong vì chữa rắn độc cắn bằng mẹo dân gian" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.