Nhà đầu tư điện gió không thể tiếp tục cuộc chơi nếu rủi ro cao, biên lợi nhuận thấp

09/12/2021 13:00

Sau hơn một tháng, 62 dự án điện gió không kịp vận hành thương mại vẫn chờ đợi câu trả lời cho "khoảng trống" chính sách. Hàng nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư có nguy cơ bay theo gió nếu không có cơ chế chia sẻ rủi ro.

Hàng nghìn tỷ đồng có nguy cơ bay theo gió

Trước ngày 31/10, không ít dự án điện gió rơi vào thế khó khi quả tạ COVID-19 khiến việc vận chuyển thiết bị khó khăn, chuyên gia nước ngoài khó nhập cảnh, công nhân không thể vào công trường...

Trước nguy cơ nhà máy không kịp vận hành thương mại (COD), không được hưởng cơ chế giá cố định (giá FIT) các nhà đầu tư tăng tốc chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, đến giờ G, 84 dự án may mắn về bờ đúng hạn, còn 62 dự án chậm tiến độ vẫn đang chơi vơi giữa biển.

Về phương án xử lý với các dự án không kịp COD, Bộ Công Thương dự kiến áp dụng cơ chế đấu thầu, dựa theo chi phí đầu tư, vận hành để xác định mức giá mua điện hợp lý với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau hơn một tháng, Bộ Công Thương vẫn chưa có phản hồi cụ thể về quy trình đấu thầu thế nào, các bước cụ thể ra sao để nhà đầu tư nghiên cứu.

Vận mệnh của 62 dự án điện gió với tổng công suất trên 3.479 MW đang rất mong manh, hàng nghìn tỷ đầu tư có nguy cơ bay theo gió.

Tính hết ngày 31/10, có 62 dự án điện gió không kịp vận hành thương mại.

0248-diengio
(Ảnh: Delphos International)

Chia sẻ tại diễn đàn "Phát triển điện gió trong bối cảnh mới", ông Trịnh Đức Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Viên An Cà Mau (Tài Tâm Group) cho biết dự án điện gió Viên An có công suất 50 MW với hạng mục xây dựng 16 trụ tua bin gió ngoài khơi và đường dây 35kV gom công suất điện về trạm 35/110kV.

"Giai đoạn nước rút rơi đúng vào thời điểm dịch COVID-19 phức tạp.

Việc vận chuyển tua bin từ nước ngoài về Việt Nam đã chậm trễ, từ cảng Vũng Tàu về nhà máy còn khó khăn hơn vì quy định của các địa phương rất khắt khe, yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải thực hiện cách ly 14-21 ngày", ông Sơn nói.

Điều này xảy ra tương tự ở Cà Mau khi công ty đưa chuyên gia, công nhân vào triể khai làm đường dây, trạm biến áp, xây dựng móng trụ và lắp đặt tua bin. Vì vậy, dự án mới kịp lắp đặt 8 tua bin, không kịp về đích trước giờ G.

Ông Sơn cho biết với tổng đầu tư quá lớn lên tới 2.400 tỷ đồng, dự án không bỏ cuộc dù chậm vận hành. Hiện Viên An vẫn đang tiếp tục lắp đặt và hoàn thiện 8 tua bin còn lại.

"Dự án chậm tiến độ do nhiều lý do khách quan, chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ gia hạn giá FIT thêm 3-6 tháng.

Dù thế nào, chúng tôi cũng cần định hướng rõ ràng", ông Sơn nói.

Chia sẻ rủi ro và công bằng với nhà đầu tư

Dù là người về đích trong cuộc đua COD, ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc CTCP Hạ tầng Gelex cũng từng hình dung những điều tồi tệ có thể xảy ra nếu 5 dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng công suất 140 MW không kịp "deadline".

Khi đó, con số thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều lần so với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Ông Long chia sẻ khi Chính phủ khuyến khích phát triển năng lượng xanh-sạch bằng cơ chế giá FIT, thị trường điện gió chưa nhiều sự cạnh tranh, Gelex nhìn thấy khả năng tăng trưởng và tham gia.

"Ai cũng nghĩ rằng dự án này tốt lắm, doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều lắm.

Nhưng ở góc độ nhà đầu tư, tôi nhìn thấy những bất cập, rủi ro khi dự án không kịp vận hành thương mại. Lúc này, những chính sách sau mốc COD là điều vô cùng quan trọng với những nhà đầu tư dự án", ông Long nói.

Tuy nhiên, hiện nay nhà đầu tư không thể trả lời khoảng trống này, họ đặt sinh mệnh của dự án trong tay các nhà hoạch định chính sách.

0410-diengio1
Dịch COVID-19 khiến nhiều dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư mong có chính sách chia sẻ rủi ro. (Ảnh: SunPro)

Ngoài các nhà đầu tư, ngân hàng là đối tượng quan tâm đến các chính sách này. Bởi, trường hợp dự án vận hành thương mại đúng hạn, bán điện với giá FIT, nguồn tiền cho vay sẽ trở về và sinh lời.

Tuy nhiên, nếu cơ hội tuột khỏi tầm tay thì hiện vẫn chưa có kịch bản, giá nào. Về lý thuyết, giá phát điện có thể bằng 0 khi nhà máy có thể phát điện hoặc không, phát điện nhưng không mua, không trả tiền.

Dù xác suất chuyện này xảy ra chỉ 1% nhưng ngân hàng không chấp nhận chuyện đó. Nếu dự án không thành công, nhà đầu tư phải trao toàn bộ tài sản cho ngân hàng và đầu tư bằng vốn chủ.

"Khi đó, mức chênh lệch giữa dự án về đích và không về đích quá lớn, tạo ấn tượng xấu lên thị trường đầu tư Việt Nam.

Nhà đầu tư vào cuộc và đi trước, chấp nhận rủi ro, bỏ tiền, bảo lãnh tất cả mọi thứ. Nhưng lệch một cái là COVID-19 bùng phát, chính Nhà nước cũng không thể lường trước thì những gì nhận lại là không công bằng với nhà đầu tư", ông Long nói.

Vị này cho rằng lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió khá mới mẻ, các khung chính sách chưa rõ ràng, doanh nghiệp "vừa làm, vừa hỏi, vừa sửa".

Điều cần thiết lúc này là kịch bản xử lý với các không kịp COD để chủ đầu tư giải được bài toán định giá, ngân hàng sẽ cân đối được nguồn vốn.

Yếu tố then chốt để nhà đầu tư quyết định đầu tư vào dự án là sự cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro.

Trường hợp, các dự án chậm tiến độ có thể bị giảm giá FIT hoặc theo đấu thầu… đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận sẽ giảm.

Tuy nhiên, nếu lợi nhuận giảm, rủi ro cao thì dù có tha thiết với ngành năng lượng, nhà đầu tư cũng không thể tiếp tục cuộc chơi.

Ông Long kiến nghị để cân bằng giữa lợi ích và rủi ro, Nhà nước có thể tạo ra các phân khúc đầu tư như rủi ro cao – biên lợi nhuận kỳ vọng cao, rủi ro an toàn – biên lợi nhuận thấp.

Điều này giúp các nhà hoạch định chính sách vẫn đạt được mục tiêu phát triển thị trường, nhà đầu tư có động lực tham gia các dự án.

Đồng quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), ngành điện gió của Việt Nam đang trong giai đoạn "chuẩn bị", tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thời gian thi công dài, chi phí lớn, công nghệ, nguyên vật liệu hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu…

"Toàn bộ rủi ro nằm trên vai nhà đầu tư. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo phải mang tính chất dài hạn và ổn định.

Ngành điện gió muốn cất cánh cần chuẩn bị chuỗi cung ứng, nguồn lực tài chính. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực điện gió", ông Tuấn nói.

Chứng khoán phiên sáng 9/12: Dòng tiền yếu, VN-Index chỉ tăng 2 điểm

Thị trường chứng khoán trong nước phiên sáng 9/12/2021 tâm lý giao dịch của nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng thể hiện qua ...

Chứng khoán Mỹ tiếp tục ‘thăng hoa’ khi biến thể Omicron không còn đáng lo ngại

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục hồi phục mạnh trong phiên thứ Tư 8/12/2021 khi nhà đầu tư không còn quá lo ngại về ...

Mirae Asset: VN-Index có thể đạt 1.700 điểm trong năm 2022

MASVN dự phóng hầu hết các ngành sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022, với mức dự phóng EPS tăng trưởng 24% trong năm 2022. ...

Bạn đang đọc bài viết "Nhà đầu tư điện gió không thể tiếp tục cuộc chơi nếu rủi ro cao, biên lợi nhuận thấp" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.