Nhận định chứng khoán ngày 22/2/2021: Các nhịp rung lắc còn tiếp diễn

22/02/2021 10:14

Thị trường có sự phân hoá trong phiên cuối tuần khi chỉ số VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,07%, ngược lại HNX-Index tăng 0,1% và Upcom-Index tăng 1,04%. Giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường đạt 15.988 tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện tại, YSVN cho rằng thị trường sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.200 điểm trong tuần tới.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 22/02/2021.

Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung và dài hạn

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán – Tân Sửu 2021, chỉ số Vnindex tăng +58,57 điểm – tương đương +5,25%, lên mức 1.173,50 điểm. Thị trường tăng điểm tại 2 trên 3 phiên giao dịch tuần này với 311 mã tăng và 57 mã giảm. VHM, GVR và VCB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của VnIndex trong tuần này, đóng góp lần lượt +5,63, +4,33 và +4,06 điểm. Trong khi đó, FLC, SHP và TLG là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số khi lấy đi -0,06, -0,04 và -0,03 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 14.420,54 tỷ VNĐ/phiên trên sàn HSX. Khối ngoại mua ròng +1.308,78 tỷ VNĐ trên sàn HSX.

Trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex đóng cửa tuần giao dịch này tại mức 231,18 điểm, tăng +6,28 điểm – tương đương +2,79%. Chỉ số tăng điểm tại cả 3 phiên giao dịch trong tuần này với 192 mã tăng và 69 mã giảm. THD, SHB và PVS là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của HnxIndex trong tuần qua, đóng góp +1,08, +0,92 và +0,90 điểm. Ở chiều ngược lại, DL1, NVB và SCI là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi -0,31, -0,07 và -0,07 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 1.824,53 tỷ VNĐ/phiên trên sàn HNX. Khối ngoại bán ròng - 43,44 tỷ VNĐ trên sàn HNX trong tuần này.

Tuần tới, Vn-Index dự báo có thể có diễn biến điều chỉnh tích lũy trong những phiên đầu tuần và tăng điểm trở lại về cuối tuần. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn trong những phiên kế tiếp. Đồng thời, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đối với diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 02.

- Chiến lược đầu tư:

+ Nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục lên mức 50-70% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung-dài hạn. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.

+ Vùng đỉnh cũ 1185-1200 điểm vẫn là vùng kháng cự đáng chú ý có thể tạo ra áp lực điều chỉnh mạnh cho thị trường. Do đó, việc xem xét thực hiện bán trading một phần các vị thế ngắn hạn trong danh mục khi chỉ số tiếp cận vùng đỉnh này.

nhan dinh chung khoan ngay 2222021 cac nhip rung lac con tiep dien
Hình minh họa

Thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc

(CTCK Yuanta Việt Nam - YSVN)

Các chỉ số có sự phân hoá phiên cuối tuần khi chỉ số VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,07%. Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng 0,1% dừng tại 231,18 điểm; chỉ số Upcom-Index tăng 1,04%. Giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường đạt 15.988 tỷ đồng.

VPB, VRE, REE, FPT, SBT, KDH ghi nhận áp lực chốt lời mạnh với mức giảm trên 1% ở các mã này. Bức tranh thị trường bớt tiêu cực khi nhóm Ngân hàng diễn biến tăng giá trong đó 3 đại diện ACB, MBB, BID có mức tăng khá tích cực. Nổi bật, ACB(+6,7%) đóng cửa tại 31.100 đồng/cp cũng là mức cao lịch sử mọi thời đại của cp.

Dòng tiền vẫn xoay vòng ở các cổ phiếu trong đó nhóm Mid-Cap và Small-Cap đi ngược thị trường. Một số đại diện có mức tăng đáng chú ý như BCG (+6,6%), VIX (+6,9%), PAN (+6,9%)…

Về diễn biến khối ngoại, nhóm này quay lại bán ròng nhẹ 25 tỷ đồng toàn thị trường. VNM (116 tỷ), CTG (97 tỷ), HSG (54 tỷ) là các mã bán ròng nhiều nhất. Ngược lại, VHM (89 tỷ) ghi nhận phiên thứ 3 mua ròng liên tiếp cùng với VCB (75 tỷ), FUEVFVND (64 tỷ).

Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.200 điểm trong tuần tới. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền vẫn còn phân hóa, nhưng mức độ phân hóa đã giảm dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục duy trì đà tăng cho thấy chiến lược chủ đạo ngắn hạn là gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.

Theo đồ thị tuần, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức TRUNG TÍNH. Đồng thời, trạng thái tích lũy đang có chiều hướng giảm dần cho thấy thị trường có dấu hiệu dần kết thúc giai đoạn tích lũy và đồ thị giá của các chỉ số chính có thể sẽ thử thách lại các ngưỡng kháng cự quan trọng trong tuần tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và quan sát tuần tới.

Xuất hiện sự phân hóa dòng tiền rõ nét

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Đón chào năm mới với những phiên tăng điểm đầy hưng phấn thì TTCK đã có phiên điều chỉnh đầu tiên. Mức độ điều chỉnh của thị trường không mạnh và xuất hiện sự phân hóa dòng tiền rõ nét. Các nhà đầu tư có thể chờ các cổ phiếu Bluechip hoàn thành nhịp điều chỉnh hoặc có thể tham gia vào nhóm cổ phiếu phân hóa tích cực trên thị trường trong hoàn cảnh này

Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp

(CTCK Asean - AseanSC)

Việc thị trường tỏ ra khó khăn trong việc thiết lập đà tăng có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy áp lực bán chốt lời, nhất là tại các cổ phiếu đã tăng mạnh. Dự báo trong phiên tới, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm để kiểm định hỗ trợ tại vùng 1.160 – 1.170 điểm, bao gồm đường trung bình động ngắn hạn 5 ngày (MA5) tại 1.160 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 30% tiền mặt/ 70% cổ phiếu.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Bạn đang đọc bài viết "Nhận định chứng khoán ngày 22/2/2021: Các nhịp rung lắc còn tiếp diễn" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.