Vì sao cổ phần Nhà nước "ế ẩm"?

Việc thoái vốn nhà nước đang được các đơn vị sở hữu đẩy mạnh trong thời gian này khi năm 2020 dần trôi qua và danh sách doanh nghiệp cần thoái vốn đã được phê duyệt còn dài.

Kẻ khóc, người cười

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, trong nhiều tháng vừa qua Tổng công ty quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã liên tiếp đưa cổ phần của nhiều doanh nghiệp ra đấu giá nhưng cũng không ít rơi vào cảnh “mang đến lại mang về”.

Có thể kể đến như phiên đấu giá lô cổ phần gần hơn 2 triệu đơn vị (tương đương 73,03% vốn điều lệ) của SCIC tại CTCP Địa ốc Vĩnh Long dự kiến sẽ diễn ra ngày 9/9 đã không thể tổ chức. Đây đã là lần thứ 6 lô cổ phiếu này được SCIC “mang đến lại mang về” trong 5 năm qua.

dau-gia-co-phan-6495-1606294735.jpg

Nhiều đợt đấu giá cổ phần Nhà nước đã được công bố từ đầu năm tới nay nhưng cũng không ít phiên bất thành.

Trong tháng 8/2020, SCIC công bố chào bán đấu giá cả lô 17,8 triệu cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ) tại CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang với mức giá khởi điểm 18.900 đồng/cp, tương đương tổng giá trị 337,4 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 8/2020, SCIC đã thất bại trong đợt chào bán toàn bộ 46 triệu cổ phiếu FPT với giá trị tổi thiểu là 2.273 tỷ đồng. Mặc dù mức giá mà SCIC đưa ra khá sát so với thị giá cổ phiếu FPT nhưng cũng không có nhà đầu tư nào đăng ký mua lô cổ phần nói trên.

Đáng chú ý, cả 3 doanh nghiệp này đều hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh nhưng việc thoái vốn lại không hề dễ dàng.

Không chỉ SCIC gặp khó khăn trong việc thoái vốn, Tập đoàn điện lực (EVN) cũng ngậm ngùi mang về hơn 13 triệu cổ phần của Thiết bị điện Đông Anh hồi tháng 9 vừa qua do không có người đăng ký mua.

Cùng thời điểm, cùng lý do, HNX cũng thông báo hủy hàng loạt cuộc đấu giá cổ phần, trong đó có đấu giá CTCP Đại lý hàng hải - Vinacomin do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam sở hữu, CTCP Vật liệu xây dựng và chất đốt Đồng Nai thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)...

Trong khi khá nhiều cổ phần Nhà nước rơi vào tình trạng “ế ẩm” thì Tập đoàn Viettel lại hân hoan vui mừng khi thông tin thoái vốn tại nhóm công ty con gồm Viettel Post (mã: VTP), Thiết kế Viettel (mã: VTK), Công trình Viettel (mã: CTR) thu hút được sự chú ý của giới đầu tư.

Ngày 11/11 vừa qua, Viettel đã bán đấu giá thành công toàn bộ gần 5 triệu cổ phiếu VTP, tương ứng 6% vốn của Viettel Post, với giá bình quân 105.907 đồng/cp. Với màn khởi đầu thuận lợi này, hai phiên đấu giá còn lại dự kiến khó có thể thất bại.

Lý do nào đằng sau câu chuyện trên?

Trong báo cáo chiến lược cuối năm của nhiều công ty chứng khoán trước đó đã đồng quan điểm về việc việc công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong năm nay sẽ tiếp tục “ì ạch” dù hạn chót cận kề.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc nhiều đợt thoái vốn bất thành như các quy định liên quan đến việc không được phép bán dưới giá vốn khiến mức giá khởi điểm đưa ra cao, vướng mắc trong xác định giá trị của khoản vốn mà nhà nước muốn thoái do bất cập về cơ chế...nhưng nguyên nhân thường được đưa ra nhất vẫn là tình hình cung - cầu thị trường không thuận lợi.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay chứng kiến xu thế bán ròng kéo dài từ các nhà đầu tư nước ngoài nhưng thay vào đó là lượng tiền khá lớn từ các nhà đầu tư trong nước ồ ạt đổ vào thúc đẩy các chỉ số không ngừng thăng hoa, thanh khoản trung bình đạt 6.000-7.000 tỷ đồng mỗi phiên, thậm chí có phiên ghi nhận hơn 9.000 tỷ đồng được giao dịch.

Nếu bỏ qua 3 tháng đầu năm thì đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam gần như đã có một năm 2020 thành công khi chỉ số Vn-Index đã dễ dàng chinh phục ngưỡng 1.000 điểm; HNX ghi nhận mức tăng trưởng hơn 50%, UPCoM-Index thậm chí còn “vượt mặt” Vn-Index về tỷ lệ tăng trưởng trong gần 11 tháng qua.

Do vậy, việc cho rằng thị trường không thuận lợi hay nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động kinh doanh của người dân khiến nhiều thương vụ thoái vốn “ế ẩm” là hơi khiên cưỡng.

Nhìn lại các đợt thoái vốn của SCIC có thể thấy, điểm chung của những thương vụ này là đấu giá trọn lô (mua toàn bộ lượng cổ phần đấu giá) khiến phiên đấu giá trở nên “kén” nhà đầu tư hơn bởi số tiền phải bỏ ra có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà không phải ai cũng đủ năng lực tài chính để sở hữu.

Đồng thời, SCIC đặt nhiều kỳ vọng trong các đợt thoái vốn nên thường đưa ra mức giá khởi điểm thường cao hơn so với giá cổ phiếu trên thị trường. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với EVN và các doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, yếu tố làm nên thành công của Viettel bên cạnh tiềm năng của mỗi doanh nghiệp là việc Tập đoàn này đã lựa chọn đúng “điểm rơi” thị trường đang thiếu vắng những thương vụ thoái vốn lớn để đưa cổ phần ra chào bán.

Nhìn chung, sự thuận lợi của thị trường cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của việc đấu giá cổ phần Nhà nước nhưng mỗi đơn vị cũng cần chuẩn bị cho mình một chiến lược tốt để “thuận cả đôi đường”.

Minh Khuê

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/index.php/vi-sao-co-phan-nha-nuoc-e-am-52519.html