Cảnh báo: hóa đơn tiền điện sẽ tăng đột biến vì nắng nóng

TTO - Miền Nam bước vào những đợt nắng nóng nên các số liệu thống kê từ ngành điện cho thấy nhu cầu tiêu thụ điện của người dân đã tăng cao. Ngành điện dự báo hóa đơn tiền điện các tháng mùa khô của người dân có thể tăng đột biến.

Cảnh báo: hóa đơn tiền điện sẽ tăng đột biến vì nắng nóng - Ảnh 1.

Hiện 80% khách hàng tại TP.HCM đã lắp đặt côngtơ đo xa, có thể theo dõi chỉ số điện hằng ngày qua app. Trong ảnh: nhân viên điện lực thay thế côngtơ đo xa - Ảnh: NGỌC HIỂN

Người dân cần theo dõi sản lượng, mức tiêu thụ của các thiết bị điện để hạn chế tối đa rơi vào các bậc thang giá cao theo mức tính tiền điện bằng phương thức lũy tiến với tiêu chí dùng càng nhiều, giá càng cao.

Sản lượng tiêu thụ điện tăng cao

Những ngày đầu tháng 3, chỉ số điện của gia đình ông Nguyễn Văn Phong (Q.7) có xu hướng tăng lên khi thời tiết ở TP.HCM bước vào những ngày oi bức đầu mùa khô.

Thông qua app (ứng dụng) theo dõi chỉ số điện từ côngtơ đo xa, ông Phong thấy rõ nhu cầu tiêu thụ điện đã nhích lên từng ngày. Trong đó, riêng hai ngày 6 và 7-3 rơi vào cuối tuần, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nhiều hơn nên chỉ số điện nhỉnh hơn các ngày còn lại, vượt mức 18kWh trong khi những ngày trong tuần chỉ chừng 14kWh.

Theo ông Phong, những ngày nghỉ do trời nóng, gia đình sử dụng điều hòa vào buổi trưa nhiều hơn thường lệ nên mức tiêu thụ điện cũng tăng theo. Đây cũng là xu hướng chung của người dân các tỉnh miền Nam khi các thống kê đều cho thấy sản lượng điện tiêu thụ tăng.

Cụ thể, Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP.HCM cho biết trong những ngày qua do nắng nóng nên sản lượng điện tiêu thụ của TP đã tăng lên rất cao. Ngày 4-3, nhiệt độ lúc cao điểm là 36oC, toàn TP đã tiêu thụ đến 78,38 triệu kWh điện. Trong khi đó, ngày 4-2, thời tiết lúc cao điểm là 34oC thì sản lượng điện tiêu thụ là 70,1 triệu kWh.

Tính riêng 6 ngày đầu của tháng 3, với nhiệt độ trung bình lúc cao điểm là 36oC, sản lượng điện tiêu thụ toàn TP đã đạt 458,98 triệu kWh, cao hơn 6 ngày đầu tháng 3-2020 gần 7 triệu kWh. Như vậy, các hộ gia đình đã sử dụng điện tăng từ 10-20% so với các ngày bình thường của tháng.

Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - cho biết trong mùa nắng nóng năm 2020 có những ngày tiêu thụ điện của toàn TP lên đến gần 90 triệu kWh/ngày. Nếu duy trì tốc độ sử dụng điện tăng như hiện nay, cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài thì hóa đơn tiền điện tháng 3 (phát hành vào đầu tháng 4) sẽ tăng cao tương ứng, có thể gây sốc cho khách hàng.

Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng cho biết công suất cao nhất của hệ thống điện trong ba ngày từ 3 đến 5-3 của khu vực 21 tỉnh thành phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau, không bao gồm TP.HCM) đã tăng hơn 11% so với công suất cao nhất những ngày đầu tháng 2, dù đây là thời điểm cận tết tiêu thụ điện cao.

Coi chừng các thiết bị làm mát ngốn điện

Trước việc sử dụng điện tăng cao có tính chu kỳ vào mùa khô, ông Kiên đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng là do khách hàng sử dụng nhiều thiết bị để làm mát. Trong đó, máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình.

"Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1oC thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng từ 2-3%, nhiệt độ tăng khoảng 5oC thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%.

Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng lên rất nhiều, kết hợp với giá điện tính theo bậc thang nên tiền điện càng tăng cao" - ông Kiên nói.

Tương tự, đại diện EVNSPC cũng cho rằng khoảng thời gian này nhiệt độ tăng nên người dân cũng tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát.

"Nắng nóng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao, chủ yếu do gia tăng sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát nên tiền điện phải trả cũng tăng" - đại diện EVNSPC nói.

Ông Kiên cho rằng để trực tiếp theo dõi và so sánh chỉ số điện tiêu thụ hằng tháng của các năm hoặc lượng điện tiêu thụ hằng ngày, khách hàng sử dụng điện tại TP.HCM có thể tải ứng dụng "EVNHCMC CSKH" để trực tiếp theo dõi, tra cứu thông tin.

"Cài app theo dõi sẽ giúp khách hàng biết rõ lượng điện tiêu thụ để có thể điều chỉnh hợp lý trong sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng sẽ cảnh báo nếu lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao" - ông Kiên chia sẻ.

Sử dụng thiết bị điện sao cho hiệu quả?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giảng viên Lê Công Thuận (khoa hệ thống điện Trường CĐ Điện lực TP.HCM) cho biết máy lạnh hoạt động trong điều kiện nhiệt độ môi trường tăng cao khi nhiệt độ hấp thụ từ mái nhà, mái tôn, tường bêtông tăng cao cũng sẽ làm các thiết bị hoạt động với công suất lớn, gây hao tổn điện năng nhiều hơn. Ngoài ra, nếu bộ lọc gió nghẹt bụi bẩn cũng sẽ giảm hiệu suất của máy.

Ông Thuận khuyến cáo người dân nên lựa chọn các máy điều hòa có công nghệ inverter để tiết kiệm điện, hạn chế đặt chế độ làm lạnh nhanh, vệ sinh máy lạnh và nên chuyển sang chế độ làm mát thay vì tắt máy lạnh nếu ra ngoài trong thời gian ngắn.

EVNHCMC cũng khuyến cáo nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5oC) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà; có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng.

Không lập hóa đơn nếu tiền điện tăng quá cao

Theo EVNSPC, khi nhân viên ghi điện phát hiện sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập sẽ không cho xác nhận kết quả tính để lập hóa đơn.

Chỉ khi nào lãnh đạo đơn vị tổ chức kiểm tra số liệu đã được ghi chính xác và ký xác nhận điện tử số liệu trên chức năng của chương trình quản lý khách hàng mới thiết lập hóa đơn, không để xảy ra số liệu hóa đơn không phù hợp với chỉ số tiêu thụ từ côngtơ.

Với khách hàng ghi thủ công, nhân viên đến địa điểm sử dụng điện của khách hàng và ghi nhận sản lượng, kiểm tra tại chỗ 100% các trường hợp có tăng giảm hơn 30% so với kỳ trước.

 

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/index.php/canh-bao-hoa-don-tien-dien-se-tang-dot-bien-vi-nang-nong-69474.html