Sai lầm khi học 'kinh nghiệm cuộc sống' trên TikTok

15/08/2022 13:23

Học cách lấy vôi trộn với bột giặt để tẩy nốt ruồi trên TikTok, Vũ Oanh (Bình Dương) bị nhiễm trùng nhẹ.

"Khi tìm kiếm cách trị nốt ruồi, tôi thấy có video chia sẻ kinh nghiệm dân gian rằng có thể trộn vôi với bột giặt thành dung dịch sệt, sau đó làm nốt ruồi bị thương và bôi lên, nốt ruồi sẽ biến mất", Oanh, 22 tuổi, kể lại.

Ảnh: Rappler

Ảnh: Rappler

Vài tiếng sau khi làm theo, phần nốt ruồi bắt đầu sưng tấy lên và mưng mủ. Phải gần một tuần sau, vết thương mới lành, nhung phần nốt ruồi không biến mất mà lan rộng và lồi lên.

Thực tế, các bác sĩ cho rằng không có cách nào có thể tự tẩy nốt ruồi tại nhà an toàn. "Việc này phải được thực hiện bởi bác sĩ da liễu hoặc người có trình độ chuyên môn, đã được được đào tạo và biết những gì họ đang làm", bác sĩ Ross Perry, Giám đốc y tế của Cosmedics Skin Clinics, nói với BBC.

Nguyễn Hồng (Lâm Đồng), cũng cho biết đã học theo một phương pháp giảm cân trên TikTok bằng cách hạn chế uống nước. Trong video, "chuyên gia mạng" nói có thể giảm được 0,5-0,8 kg mỗi ngày nếu nhịn uống nước từ 24 đến 72 tiếng. Tuy vậy, khoảng hơn nửa ngày nhịn uống nước, Hồng cảm thấy cơ thể rất mệt, huyết áp hạ. Cô sau đó tức tốc bổ sung nước và "cạch" phương pháp giảm cân này.

Thời gian qua, nhiều video TikTok lan truyền nội dung là "kinh nghiệm cuộc sống" nhưng thực tế không được kiểm chứng, hoặc nội dung sai sự thật. Chẳng hạn, đầu năm nay, các mẹo công nghệ về sạc nhanh và tăng bộ nhớ đã bị xem là sai lầm.

Không chỉ tại Việt Nam, việc tìm kiếm và áp dụng mẹo vặt từ TikTok vào cuộc sống cũng phổ biến ở nước ngoài. Gabby Brauner, 27 tuổi tại Arizona, cho biết đã lên mạng video ngắn để tìm cách bảo quản sáu quả bơ vì sợ chúng chín cùng lúc. Cô sau đó tìm được một clip hướng dẫn ngâm bơ trong nước lạnh và để ở ngăn mát tủ lạnh, nhưng vài ngày sau, những quả bơ đã hỏng.

Phát ngôn viên của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết cách làm trên là ý tưởng tồi. Bên cạnh việc khiến bơ nhanh hỏng hơn, việc ngâm bơ trong nước có thể hình thành các vi khuẩn và mầm bệnh trên bề mặt quả, chẳng hạn salmonella và listeria gây hại cho đường tiêu hóa.

Theo khảo sát của Google hồi đầu năm, hàng triệu người đã chuyển từ Google sang TikTok để tìm kiếm thông tin, trong đó cao nhất là nhóm từ 18 đến 24 tuổi, chiếm tỷ lệ 40%. Trong khi đó, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ sử dụng TikTok để tìm thông tin năm 2021 đã tăng lên 29%, cao hơn mức 22% năm 2020.

Thông tin không kiểm chứng

Tương tự các mạng xã hội lớn khác, TikTok tồn tại nhiều tin giả và các nội dung chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, theo WSJ, mức độ sai lệch của nó được đánh giá cao hơn hẳn so với những nền tảng khác do các nội dung hầu hết là video.

Xuất phát điểm của TikTok là ứng dụng video giải trí. Thuật toán của nền tảng dựa trên những gì người dùng tìm kiếm, hay nói cách khác là dựa vào sự quan tâm của mỗi người để hiển thị kết quả mà không cần biết chúng đúng hay sai.

"Khi nhập một cụm từ hoặc đặt câu hỏi quan trọng trên TikTok, phần lớn kết quả bạn nhận được không phải từ các tổ chức, cơ quan hoặc chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng", Kaylee Fagan, nhà nghiên cứu thói quen công nghệ của Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard, nhận xét.

Fagan ví dụ, nếu nhập "lũ quét" vào trường tìm kiếm của TikTok, video xuất hiện chủ yếu là các nội dung người dùng quay được, video bị chỉnh sửa hoặc clip cắt từ các kênh tin tức. Trong khi đó, Google sẽ dẫn thông tin từ các nguồn chính thống như weather.gov.

TikTok không cho phép người sáng tạo gắn liên kết đến các website trong phụ đề video. Người dùng chỉ có thể tính toán được độ tin cậy từ nội dung bên trong cũng như ngày giờ đăng tải. Dù vậy, chúng có thể là thông tin cũ hoặc đã được chỉnh sửa để phục vụ mục đích của người đăng video.

"Trên TikTok, đôi khi bạn phải sẵn sàng chấp nhận thông tin sai. Người sáng tạo nội dung không chịu trách nhiệm về điều đó", Abbie Richards, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về thông tin sai lệch độc lập trên TikTok, nhận xét.

Theo đại diện TikTok, khi phát hiện các video sai sự thật, người dùng có thể nhấn giữ video và chọn mục báo cáo sai phạm và đội ngũ kiểm duyệt sau đó sẽ xem xét. Nếu xác định video có hại, họ sẽ xóa khỏi nền tảng.

Scott Talan, giáo sư truyền thông tại Đại học American, cho rằng người dùng nên cân nhắc việc tìm kiếm và làm theo những gì đang diễn ra trên TikTok, nhất là các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe và tài chính cá nhân. "Nếu ai đó nói rằng họ dùng TikTok để tìm hiểu thông tin, tôi hơi lo ngại về những gì họ nhận được", Talan nói.

Bảo Lâm tổng hợp

Nhân viên TikTok ám ảnh khi duyệt nội dung Nỗi ám ảnh mang tên Apple và TikTok TikTok được ví như 'cocaine kỹ thuật số' TikTok - nơi ẩn chứa những trào lưu độc hại Tràn lan video 'ngắn và nhảm'

Bạn đang đọc bài viết "Sai lầm khi học 'kinh nghiệm cuộc sống' trên TikTok" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.