Tranh chấp chung cư - chủ đầu tư đã 'nhờn thuốc'?

24/11/2020 11:04

16-11-Chung-cu-Vesta-7902-1605514985.jpg

Dân cư khu chung cư Vesta (Hà Đông) căng băng rôn phản đối chủ đầu tư Hải Phát (Ảnh: TL)

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, tình hình tranh chấp chung cư đã giảm... không còn các điểm nóng gây bức xúc. Điều này đã gây chú ý trong dư luận và trên thực tế nhiều giải pháp đã được bàn đến, nhưng tranh chấp chung cư vẫn chưa có hồi kết.

Tranh chấp vẫn diễn ra

Trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp chung cư. Thông thường cư dân căng băng rôn, khẩu hiệu trước trụ sở công ty hay ngay tại dự án để đòi quyền lợi. Đơn cử như mới đây, xung đột giữa chủ đầu tư Hải Phát và cư dân khu chung cư The Vesta (Hà Đông, Hà Nội). Hàng trăm cư dân tại chung cư này đã tập trung, căng băng rôn yêu cầu không phá khu vui chơi của trẻ em để làm bãi xe.

Theo cư dân chung cư The Vesta, khi mua nhà họ được giới thiệu dự án có các khu vui chơi trẻ em với không gian sống xanh mát và nhiều tiện ích đi kèm. Tuy nhiên, sau khi sinh sống ổn định được 2 năm thì các cư dân khá bất ngờ chủ đầu tư lại thông báo khu vui chơi trẻ em giữa khu V3-V6, V1-V4 thực chất được quy hoạch là đất xây dựng bãi đậu xe.

Hay như điểm nóng xung đột chung cư tại dự án Ecolife Capitol 58 Tố Hữu (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) do CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (công ty con của Tập đoàn Capital House) làm chủ đầu tư. Đầu tháng 11/2020, nhiều cư dân đã tập trung nhiều ngày tại khu vực lối ra vào tòa nhà để căng băng rôn, tố chủ đầu tư "bội tín".

Theo đại diện Ban quản trị dự án Ecolife Capitol phản ánh, chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm về quy chế quản lý nhà chung cư cao tầng của hơn 2.000 cư dân, như không bàn giao đầy đủ cho ban quản trị quyền quản lý các khu vực sử dụng cho mục đích chung như bốt gửi xe ra vào tòa nhà, lối đi chung, cảnh quan cây xanh tại tầng 1… đơn phương cắt tiện ích của cư dân so với quảng cáo; sử dụng sai mục đích tầng thương mại…

Tương tự, tại dự án New Horizon City 87 Lĩnh Nam (Mai Động, quận Hoàng Mai) do CTCP Kỹ thuật và Xây dựng Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư. Theo phản ánh của cư dân chung cư này, họ đã phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng mua căn hộ dưới 100m2, nhưng lại bị gây khó dễ khi gửi xe máy ở hầm xe. Thậm chí, có cư dân phải đưa xe vào thang máy để mang lên tận căn hộ của mình thời gian qua.

Khi cư dân lập ra được Ban quản trị hợp pháp, chủ đầu tư lại không thực hiện trách nhiệm bàn giao diện tích sử dụng chung và thậm chí chính quyền địa phương đã ký biên bản cuộc họp giữa 3 bên, nhưng đến thời điểm bàn giao, chủ đầu tư lại "lật kèo" dẫn tới tranh chấp không được giải quyết và càng thêm bức xúc.

Ngoài ra, tại chung cư New Horizon City đang tồn tại hàng loạt bất cập chưa được giải quyết như: chất lượng công trình không đảm bảo, đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu, không bàn giao sổ hồng…

Cần có "thuốc" đặc trị

Theo Bộ Xây dựng, tính tới hết năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 chung cư, trong đó hơn 90% được quản lý vận hành an toàn ổn định và gần 10% có tranh chấp. Các tranh chấp này gồm: chậm tổ chức hội nghị chung cư, chậm thành lập Ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư; xác định sở hữu chung, sở hữu riêng; thu chi tài chính của ban quản trị, giá dịch vụ; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; chất lượng công trình...

Tại phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trình bày về tranh chấp nhà chung cư và các giải pháp giải quyết triệt để vấn đề.

Trong đó, Bộ trưởng nhận định các địa phương cũng có nhiều cố gắng để tăng cường quản lý nhà chung cư. Trong đó, Hà Nội đã chuyển một số trường hợp vi phạm về quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư cho cơ quan điều tra để xem xét xử lý.

Riêng về tranh chấp liên quan quỹ bảo trì, Bộ Xây dựng đã tham mưu và Chính phủ đã ra Nghị định 139 và Nghị định 20, quy định mức xử lý hành chính đối với các vi phạm.

"Sau hàng loạt giải pháp như vậy với sự cố gắng của các địa phương, tình hình tranh chấp về nhà chung cư đã giảm hẳn. Vẫn còn nhưng không còn các điểm nóng gây bức xúc", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân của những tranh chấp này là quy định pháp lý về quản lý và sử dụng nhà chung cư chưa đầy đủ, rõ ràng, như về cách tính diện tích căn hộ, lô gia, hộp kỹ thuật...

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chưa quan tâm thích đáng tới nghĩa vụ sau bán hàng, không công khai đầy đủ thông tin theo quy định. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chưa tuân thủ đầy đủ quy định và thường có một số điều khoản chưa rõ ràng, thiên về bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư.

“Những vấn đề này gây bức xúc trong dư luận và truyền thông. Do đó, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức một phiên giải trình về lĩnh vực này và sau đó đã đưa ra một số giải pháp”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết. "Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29 về tăng cường quản lý nhà chung cư. Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 06, sửa đổi thông tư trước đó về quản lý nhà chung cư, đồng thời ban hành quy chuẩn về nhà chung cư và bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính với nhà chung cư".

Trước đó đã có nhiều cơ quan và chuyên gia đưa ra giải pháp xử lý tranh chấp chung cư. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là việc vi phạm quỹ bảo trì để bảo vệ lợi ích của cư dân.

Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất phạt đến 1 tỷ đồng chù đầu tư không trả sổ đỏ cho cư dân. Sở Xây dựng TP. HCM đề xuất nội dung chế tài đối với hành vi vi phạm liên quan đến phí bảo trì chung cư 2% có thể chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hành vi chiếm dụng tài sản của cư dân...

Mặc dù như vậy, tình trạng tranh chấp chung cư vẫn tiếp diễn, có lẽ nhiều chủ đầu tư đã “nhờn” khi thuốc không còn có hiệu nghiệm.

Phạm Minh

Bạn đang đọc bài viết "Tranh chấp chung cư - chủ đầu tư đã 'nhờn thuốc'?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.