Việt Nam bắt đầu ra nhập 'cuộc đua' mở rộng sân bay trên thế giới?

23/02/2021 10:05

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực trên thế giới, trong đó đặc biệt phải kể đến thị trường hàng không. Theo phân tích về tác động kinh tế đối với hàng không của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), khả năng cao hoạt động phục hồi kinh doanh của ngàn hàng không sẽ chậm hơn so với tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế. Mặc dù vậy, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phê duyệt mở rộng hoặc xây dựng các sân bay mới.

Tình trạng phê duyệt mở rộng hoặc xây các sân bay mới trên các nước

Tại Trung Quốc, Cục Hàng không Dân dụng (CAAC) đã có kế hoạch xây thêm 215 sân bay để đạt mục tiêu 450 sân bay vào năm 2035, biến ngành hàng không Trung Quốc thành một phần chiến lược của nền kinh tế nghìn tỷ USD. Theo tờ SCMP, ngành hàng không Trung Quốc đang trên đường vượt qua Mỹ để trở thành lớn nhất thế giới vào năm 2024.

Từ năm 2014 đến 2019, Trung Quốc đã chi 486 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng mặt đất, nâng cấp sân bay và hệ thống kiểm soát không lưu, giúp thúc đẩy tham vọng trở thành trung tâm hàng không quốc tế. CAAC đã chi ngân sách 85 tỷ nhân dân tệ (12,2 tỷ USD) cho đầu tư tài sản cố định hàng không trong năm 2019 và 100 tỷ nhân dân tệ (14,4 tỷ USD) trong 2020.

Tuy nhiên, thị trường hàng không Trung Quốc hiện có nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Theo số liệu từ CAAC, số lượng hành khách hàng năm ở Trung Quốc tăng 7,9% lên 660 triệu khách vào năm 2019, thấp hơn so với 10,9% vào năm 2018 và 13% vào năm 2017. Tổng khối lượng hàng hóa năm 2019 là 75,26 tỷ tấn, chỉ tăng 1,9% so với một năm trước đó, và thấp hơn mức tăng trưởng hàng năm là 4,6% trong năm 2018.

Mặc dù thị trường gặp khó khăn trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn phê duyệt mở rộng hoặc xây các sân bay mới. Trong 2 tháng đầu năm 2020, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) Trung Quốc đã phê duyệt 3 dự án sân bay mới, trong đó có đường băng thứ ba tại sân bay Thâm Quyến, trị giá tổng cộng 91 tỷ nhân dân tệ (13 tỷ USD).

Việt Nam bắt đầu ra nhập cuộc đua mở rộng sân bay trên thế giới? - Ảnh 1.

Pháp lên kế hoạch xây dựng nhà ga thứ 4 tại sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle

Tại Pháp, trước đó cũng có kế hoạch dành 7-9 tỷ euro (7,5-10,9 tỷ USD) để xây dựng nhà ga thứ 4 tại sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle vào năm 2037 nhằm nâng công suất sân bay lên 40 triệu hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, ngày 11/2 vừa qua, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Pháp Barbara Pompili thông báo, Chính phủ đã quyết định hủy bỏ kế hoạch này do những lo ngại về tác động đến môi trường.

Tại Thái Lan, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, Chính phủ nước này bắt đầu kế hoạch khôi phục kinh tế bằng việc bắt đầu xây dựng thành phố sân bay trị giá 290 tỷ baht (9,4 tỷ USD). Kế hoạch sây dựng thành phố sân bay bắt đầu bằng việc mở rộng sân bay quốc tế U-Tapao, tỉnh Rayong, nơi nhiều công ty ô tô và hóa dầu của Thái Lan đặt nhà máy.

'Làn sóng' đề xuất xây dựng sân bay mới bắt đầu?

Tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đang giao cho Cục Hàng không Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhiều địa phương đã có yêu cầu được bổ sung thêm cảng hàng không cho tỉnh nhà vào quy hoạch.

Cụ thể, một số địa phương như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Ninh Bình đã có công văn đề xuất xây dựng các sân bay mới. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã đề xuất chuyển nâng cấp cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Phù Cát, Tuy Hòa…

Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay đang hoạt động, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Khu vực miền Bắc có 7 sân bay: Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên, Đồng Hới. Khu vực miền Trung có 7 sân bay: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Chu Lai. Khu vực miền Nam có 8 sân bay: Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau.

Phần lớn sân bay nội địa hiện có khả năng phục vụ tàu bay thân hẹp A320/A321. Tuy nhiên, có 1 số sân bay chỉ tiếp nhận được tàu bay ATR 72, gồm Điện Biên, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau.

Theo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, tới năm 2020 có 23 sân bay, tới năm 2030 có 28 sân bay. Ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm các sân bay gồm: Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.

Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ xây dựng và đưa thêm 5 sân bay khác vào vận hành khai thác, bao gồm Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản, Quảng Trị và Long Thành. Trên thực tế, mật độ xây dựng sân bay của Việt Nam mới đạt 16.000 km2/cảng hàng không, ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. Một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia có mật độ cao hơn rất nhiều, khoảng từ 5.000 - 9.000 km2/cảng hàng không.

Tuy nhiên, việc xây dựng sân bay cần dựa trên nhu cầu thực sự, căn cứ trên vùng dân cư trong phạm vi mà sân bay phục vụ. Ngoài ra, cần tính toán về mặt khoảng cách địa lý giữa 2 sân bay lân cận. Điển hình như tại Ấn Độ, 2 sân bay lân cận không được gần nhau dưới 150 km.

Thời điểm hiện tại, khi nhiều địa phương cùng lúc đề xuất xây sân bay mới, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để không dẫn đến tình trạng dư thừa sân bay, lãng phí nguồn lực. Bởi thực tế, suất đầu tư xây dựng một sân bay là rất lớn, theo như kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực hay cả trên thế giới.

Hà Trần

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam bắt đầu ra nhập 'cuộc đua' mở rộng sân bay trên thế giới?" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.