JICA Việt Nam: "Cần thêm đồng thuận" trong giải ngân vốn ODA

21/10/2021 21:30

Trong buổi Họp báo giữa năm tài khóa 2021 ngày 21/10, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về hoạt động của JICA.

Tại buổi họp báo, ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về hoạt động của JICA Việt Nam cũng như chính sách hợp tác của Chính phủ Nhật Bản với Việt Nam. 

Về việc chính sách hỗ trợ của Nhật Bản đối với Việt Nam về y tế, đầu tư công hay phát triển nhân lực liệu có thay đổi hay không sau khi Thủ tướng Kishida Fumio cùng nội các mới nhậm chức, ông Shimizu cho rằng chưa thể xác định khả năng có thay đổi đột biến nào xảy ra. Tuy nhiên, đối với 3 lĩnh vực mang tính phổ quát nêu trên, ông Shimizu cho rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện tại đối với Việt Nam. 

Về cảnh báo già hóa dân số được JICA góp phần công bố trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Shimizu Akira nói rằng Việt Nam sẽ phải sớm triển khai một mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tận dụng được sức mạnh từ cộng đồng - một thế mạnh của Việt Nam.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, vai trò của cộng đồng là rất quan trọng nhằm phát huy tiềm năng của người cao tuổi trong xã hội và không bỏ lại họ phía sau. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cần phải cân nhắc yếu tố gia đình trong chính sách của mình, khi mà gia đình - vốn là cơ sở quan trọng chăm sóc người cao tuổi - đang đi vào xu hướng hạt nhân hóa mạnh hơn. 

Kinh tế vĩ mô - JICA Việt Nam: 'Cần thêm đồng thuận' trong giải ngân vốn ODA

Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam trong phiên trả lời phỏng vấn sau Họp báo. Ảnh: JICA Việt Nam

Về thực trạng giải ngân vốn ODA chậm gần đây, có thể thấy rằng các quy định và thủ tục của Chính phủ Việt Nam trong các dự án của JICA khá phức tạp và thiếu nhất quán, gây chậm trễ trong giải ngân. Thêm vào đó, ngay cả kinh phí dự phòng cũng khó được sử dụng ngay trong trường hợp cần thiết vì cần lãnh đạo cấp cao phê duyệt. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thức được các khó khăn này và đang rất nỗ lực điều chỉnh các quy định có liên quan nhằm cải thiện tình hình. Ông Shimizu cho rằng cũng cần thêm đồng thuận ở cấp thực thi các quy định này.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, JICA Việt Nam đã họp với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và nhóm 6 ngân hàng để đưa ra những vấn đề liên quan đến giải ngân vốn ODA và đề xuất một số giải pháp. Thông qua cuộc trao đổi này cùng hợp tác với các bộ ngành, JICA Việt Nam hy vọng vấn đề dần dần sẽ được giải quyết.

Về vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phục hồi sản xuất, ông Shimizu Akira cho rằng cần mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn trong trung và dài hạn từ các ngân hàng tư nhân cho các doanh nghiệp này. Ở thời điểm hiện tại, JICA thông qua các dự án vay ODA đã có thể cung cấp tín dụng qua hơn 10.000 doanh nghiệp. JICA và VP Bank cũng đã ký thỏa thuận cấp khoản vay trị giá 75 triệu USD nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nhân nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo tại Việt Nam. 

Cuối cùng, về tình trạng thiếu hụt lao động do tác động của đại dịch Covid-19, JICA cho biết đã khởi động một dự án điều tra nhu cầu thị trường lao động và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2022. Trên cơ sở kết quả điều tra, JICA sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể. Bên cạnh đó, JICA cũng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để đào tạo về thương mại điện tử cho khoảng 600 phụ nữ. 

Bạn đang đọc bài viết "JICA Việt Nam: "Cần thêm đồng thuận" trong giải ngân vốn ODA" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.