Khối tài sản 30 tỷ USD đang 'ẩn náu' ở Thâm Quyến

25/10/2021 08:08

Thế hệ người dân bản địa từng quyết định ở lại Thâm Quyến thay vì rời bỏ quê hương đã giàu lên nhanh chóng sau khi thành phố này trở thành trung tâm sản xuất của thế giới.

Theo Bloomberg, nếu lên chuyến tàu cao tốc Vibrant Express, bạn sẽ chỉ mất 14 phút để di chuyển từ Hong Kong đến Thâm Quyến.

Trong những năm 1980, thành phố này là một quần thể làng xã nghèo khó. Tuy nhiên, nhờ chính sách “đặc khu kinh tế thân thiện với tư bản”, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thay thế ngôi làng khổng lồ bằng những tòa cao ốc, những cửa hàng bán đồ Gucci và Louis Vuitton.

Một số ngôi làng tại Thâm Quyến vẫn còn đó, nhưng trái với thế hệ trước, khoảng 300.000 người thừa kế tại đây đang sở hữu khối tài sản trị giá 30 tỷ USD. Họ đang cùng nhau sở hữu 1/5 thanh phố này, một trong khu vực bất động sản đắt giá nhất thế giới.

Tai san o Tham Quyen anh 1

300.000 người dân Thâm Quyến đang sở hữu khối tài sản trị giá 30 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg.

Đổi đời nhờ nắm bắt thời cơ

Nhiều thập kỷ qua, các trưởng lão thị tộc đã khôn khéo đa dạng hóa khối tài sản trong các công ty làng xã, giúp thế hệ thừa kế trở thành những công dân có đặc quyền nhất Trung Quốc.

Chính sách mở cửa thị trường của Thâm Quyến đã tạo nên làn sóng di dân đến Đồng bằng sông Châu Giang. Thâm Quyến dần trở thành nhà máy sản xuất của thế giới, nơi nhiều người từ khắp các tỉnh Trung Quốc tìm đến và hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang chú ý đến giới giàu có tại đây. Nhằm hướng đến “sự thịnh vượng chung”, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt chiến dịch siết chặt kiểm soát các công ty công nghệ khổng lồ có trụ sở ở Thâm Quyến.

Các nhà đầu từ toàn cầu bị sốc. Một số người thậm chí cho rằng Trung Quốc đã không còn là điểm đến hấp dẫn để đầu tư. Có thời điểm, hơn 1.500 tỷ USD vốn hóa bị xóa sổ khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trước tình hình trên, các thành viên trong hệ thống thị tộc bản địa bắt đầu tự hỏi liệu vận may của họ có sắp kết thúc?

Tai san o Tham Quyen anh 2

Góc nhìn sang tháp thương mại 62 tầng Hoàng Cương. Ảnh: Bloomberg.

Hiện, cư dân tại những ngôi làng như Hoàng Cương đang sở hữu cổ phần của hàng loạt bất động sản nổi tiếng trong khu vực như tháp thương mại 62 tầng Hoàng Cương hay khách sạn Phúc Điền Asta, tòa nhà văn phòng Wong On, một phần nhỏ trong ngân hàng địa phương cùng nhiều tài sản khác.

Trước những năm 1980, phần lớn người dân nơi đây kiếm sống bằng nghề đánh cá và trồng lúa. Một bộ phận khác xuống khu vực Vịnh Sâu để bơi sang Hong Kong khi vẫn là thuộc địa Anh. Tất cả người ở lại nay được coi như thế hệ dân làng “nguyên bản” thuộc dân tộc Tráng.

Sau khi thành lập khu kinh tế Thâm Quyến, chúng tôi rửa chân và đi khỏi cánh đồng lúa

Ông Zhuang Shunfu viết trong bức thư gửi ông Wen Jiabao năm 2010

Zhuang Shunfu - hay còn được gọi là Cowboy, trưởng làng, người đầu tiên giúp Hoàng Cương trở nên giàu có - là một huyền thoại địa phương. Trong cuốn tự truyện của mình, ông trùm bất động sản Trung Quốc Wang Shi miêu tả vào những năm 70, Cowboy thường bán hàng rong quanh Thâm Quyến bằng xe đạp.

Tuy nhiên, khi Thâm Quyến đón nhận chính sách cởi mở thị trường mới, Cowboy nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thành lập các đội xe tải khai thác cát từ sông Thâm Quyến để chế tạo bê tông. Ông cho xây dựng các liên doanh công nghiệp và đầu tư số tiền chính phủ trả cho dân làng đổi lấy đất ở các tòa chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm mua sắm.

“Sau khi thành lập khu kinh tế Thâm Quyến, chúng tôi rửa chân và đi khỏi cánh đồng lúa”, ông Cowboy viết trong bức thư gửi cựu Thủ tướng Trung Quốc Wen Jiabao vào năm 2010.

Sau quãng thời gian đi du học ở Canada và Anh, Zhuang Chuangyu - con trai Cowboy - đã quay về Trung Quốc tiếp quản Công ty Công nghiệp Hoàng Cương Thâm Quyến vào năm 2007.

Vấn đề tài chính của những ngôi làng này không phải lúc nào cũng minh bạch, dẫn đến tình trạng tham nhũng ở một số khu vực Thâm Quyến. Trong những năm gần đây, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thâm Quyến đã điều tra hoặc có động thái chống lại 40 lãnh đạo từ các công ty cổ phần do làng sở hữu.

Bất động sản giá không tưởng

Người Tráng có xu hướng tin tưởng vào công ty làng và giữ cho tài sản của gia tộc tăng trưởng. Vì liên quan đến doanh nghiệp của làng, tất cả người Tráng đều nhận được cổ tức hàng năm.

Theo dân làng, những năm gần đây, mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em nhận được khoảng 20.000 NDT (3.100 USD), tương đương khoảng 30% thu nhập trung bình hàng năm của toàn bộ hộ gia đình Trung Quốc.

Cổ tức chỉ là sự khởi đầu. Nhiều người Tráng chính gốc còn là địa chủ, sở hữu phần lớn bất động sản cho thuê ở tại Hoàng Cương và thu lời từ những người đổ xô đến Thâm Quyến.

Harry Zhuang, 25 tuổi, là một trong những người may mắn. Gia đình anh sở hữu tòa nhà 12 tầng lát gạch hồng ở Hoàng Cương. Với hàng chục căn hộ nhỏ và cửa hàng, tòa đóng vai trò như bến đỗ cho những người di cư. Những căn hộ này có giá khoảng 3.000 nhân dân tệ (463 USD)/tháng ở Thâm Quyến.

Mỗi tầng trong số 12 tầng của tòa nhà màu hồng đó được cắt thành nhiều đơn nguyên chặt chẽ. Ước tính, gia đình Harry Zhuang thu về hơn 312.000 USD/năm.

Tai san o Tham Quyen anh 3

Sự phát triển của Thâm Quyến khiến nhu cầu nhà ở tăng vọt. Ảnh: Bloomberg.

Thâm Quyến hiện là thành phố có chi phí bất hợp lý nhất Trung Quốc đại lục. Tiền thuê nhà ở đây chiếm 44% thu nhập của người lao động trung bình. Hai năm trước, gã khổng lồ công nghệ Huawei phải công bố kế hoạch xây dựng nhà ở cho 30.000 nhân viên tại Đông Quan, cách đó 40 phút đi tàu cao tốc, với giá thuê chỉ bằng 1/5.

Giá thuê nhà đắt đỏ càng khiến khoảng cách giữa người Thâm Quyến bản địa và cư dân mới đến tiếp tục tăng lên.

Thời gian sắp tới, Tập đoàn phát triển Excellence đang có kế hoạch mua đất ở Hoàng Cương cho một dự án đổi mới đô thị lớn. Trên giấy tờ, tòa nhà màu hồng của gia đình Harry Zhuang được định giá xấp xỉ 37,5 triệu USD.

Đối với một số người, dân làng Thâm Quyến là tượng trưng cho sự thành công của thành phố này. Ngày nay, Thâm Quyến đang sở hữu nền kinh tế lớn hơn tất cả các thành phố tại Na Uy.

Vào tháng 2, Thâm Quyến trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc tăng giá bán nhà, khiến giới đầu tư theo dõi thị trường bất động sản trên khắp thế giới tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc cảnh báo không có chuyện giá nhà tại quốc gia này không thể giảm.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management ở Thâm Quyến, cho rằng chính phủ Trung Quốc phải có biện pháp giúp giá nhà ở trở nên phải chăng hơn cho mọi người dân. Mặc dù vậy, việc cân bằng lợi ích giữa chủ nhà và người mua vẫn là bài toán nan giải.

Bạn đang đọc bài viết "Khối tài sản 30 tỷ USD đang 'ẩn náu' ở Thâm Quyến" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.