Khủng hoảng năng lượng hậu COVID: Bài 2 - Lan tỏa toàn cầu

26/10/2021 08:08

Thị trường năng lượng toàn cầu đang lâm vào tình trạng khó khăn khi một số tỉnh ở Trung Quốc phải hạn chế sử dụng điện, người dân Châu Âu phải trả giá cao ngất trời cho khí tự nhiên hóa lỏng, các nhà máy điện ở Ấn Độ sắp cạn kiệt than, và giá nhiên liệu ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục.

LTS: Khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và các nhà lãnh đạo toàn cầu chuẩn bị tụ họp cho một hội nghị mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng năng lượng bất ngờ ập đến trên toàn thế giới. Điều này đang đe dọa các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng, khuấy động căng thẳng địa chính trị và đặt ra câu hỏi về việc liệu thế giới đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng năng lượng xanh hay chưa?

Trung Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong thập kỷ.  Ảnh: Reuters.

Trung Quốc 'trả giá đắt'

Hơn một nửa số tỉnh ở Trung Quốc đã buộc phải cắt giảm điện trong nhiều tuần qua, làm gián đoạn cuộc sống thường ngày của hàng chục triệu người dân.

Thang máy bị tắt, giờ mở cửa của các cửa hàng rút ngắn và các nhà máy phải giảm ngày hoạt động cũng như mức tiêu thụ điện năng. Một số tỉnh đã trải qua tình trạng mất điện hoàn toàn. Trong khi đó, tháng 9/2021 lần đầu tiên chứng kiến ​​sản lượng công nghiệp giảm kể từ khi Trung Quốc bắt đầu phục hồi hậu COVID-19.

Đây là cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong thập kỷ hiện nay. Nguyên nhân trước mắt là do Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than, nguồn cung cấp 70% sản lượng điện của đất nước.

Giá điện trả cho các nhà máy phát điện do chính quyền trung ương quy định, trong khi giá than do thị trường quy định. Khi giá than tăng, trừ khi các cơ quan quản lý tăng giá điện, việc các nhà máy điện than tiếp tục cung cấp điện sẽ không có ý nghĩa kinh tế. Sau đó, các nhà máy có thể tránh thua lỗ bằng cách tuyên bố rằng họ bị trục trặc kỹ thuật hoặc do không mua được than mà họ cần để chạy, cả hai điều này đều xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay.

Nhưng lý do của cuộc khủng hoảng cũng có thể bắt nguồn từ một chuỗi các sai lầm về chính sách và các biện pháp can thiệp thị trường kể từ khi đại dịch bắt đầu. Cuộc khủng hoảng đã khiến sự phụ thuộc của Trung Quốc vào than giảm hẳn, trong bối cảnh thị phần năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân của nước này tiếp tục tăng.

Sự phục hồi của Trung Quốc sau cú sốc kinh tế ban đầu của đại dịch phụ thuộc quá nhiều vào xây dựng và công nghiệp nặng, khiến nhu cầu than tăng 11% trong nửa đầu năm 2021. Xu hướng ngắn hạn này trái ngược hẳn với lời kêu gọi của Bắc Kinh về 'phục hồi xanh' và các cam kết tăng cường các hoạt động nhằm giảm lượng khí thải.

Nhu cầu than tăng đồng nghĩa với việc thị trường luôn khan hàng. Nhưng chính phủ Trung Quốc luôn hướng đến chống lạm phát giá sản xuất và giá điện tăng cao không phù hợp với chương trình nghị sự.

Thay vào đó, khi giá nhiên liệu bắt đầu tăng do sự phục hồi toàn cầu và nhu cầu bùng nổ ở Trung Quốc, các nhà quản lý đã thực hiện các hành động dẫn đến lệnh cấm ngầm đối với việc tăng giá than và thậm chí họ đang xem xét mức trần giá chính thức. Điều này có nghĩa là các công ty khai thác than của Trung Quốc không thể tính phí cao như các công ty khác trên thị trường ở nước ngoài.

Việc không tăng giá điện và đẩy lùi giá than tăng đồng nghĩa với việc các nhà máy than cắt giảm lượng mua và giảm lượng dự trữ.

Hiện tại, các nhà máy điện đã cạn kiệt nguồn cung trong nhiều tháng. Dự trữ than được báo cáo tại các nhà máy điện lớn bắt đầu giảm xuống dưới mức trung bình lịch sử một năm trước và vào cuối tháng 8 đã giảm 37% so với cùng thời điểm năm ngoái, theo dữ liệu ngành từ Wind Financial Terminal.

Bên cạnh đó, tồn trữ than ở mức thấp và lệnh cấm không chính thức của Trung Quốc đối với than non của Australia có nghĩa là các kho dự trữ than không thể nhanh chóng được bổ sung. Thay vào đó, các công ty điện đã chuyển sang thị dùng khí tự nhiên hóa lỏng, đẩy giá khí tăng vọt theo giá than.

Tại Quảng Đông, tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc, chính quyền đã cấm sử dụng thang máy trong các tòa nhà văn phòng từ tầng ba trở xuống, khuyến khích người dân sử dụng ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt và yêu cầu điều chỉnh điều hòa ở nhiệt độ cao hơn. Bắc Kinh và Thượng Hải đã hủy bỏ các buổi trình diễn ánh sáng hàng năm trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng kéo trong tuần đầu tiên của tháng Mười.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng ngày càng trầm trọng hơn do thời tiết tiếp tục khắc nghiệt. Ở tỉnh Sơn Tây nằm ở phía bắc Trung Quốc, 27 mỏ than đã phải đóng cửa vào tuần trước do lũ lụt. Ở tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, thủy điện đã gặp khó khăn do tình trạng hạn hán trong nhiều năm - nhiều như ở California.

Cơ quan kế hoạch kinh tế chính của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã cảnh báo rằng việc hạn chế sử dụng điện sẽ còn kéo dài trong năm tới.

Thêm một 'ông lớn' khốn khổ vì than

02Indiacoal1-videoSixteenByNineJumbo1600

Ấn Độ cũng đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.  Ảnh: Internet.

Trung Quốc không phải là 'ông lớn' châu Á duy nhất đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng khi Ấn Độ cũng đang đứng trên bờ vực của một kết quả tương tự.

Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than của Ấn Độ có lượng than tồn kho ở mức cực kỳ thấp vào thời điểm nền kinh tế đang phục hồi và thúc đẩy nhu cầu điện. Hiện than đá chiếm khoảng 70% sản lượng điện của Ấn Độ.

Theo Kunal Kundu, nhà kinh tế Ấn Độ tại Societe Generale, một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn có thể sẽ tác động ngay đến sự phục hồi kinh tế non trẻ của Ấn Độ vốn đang được dẫn dắt bởi hoạt động công nghiệp thay vì dịch vụ.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy tính đến ngày 6/10, 80% trong số 135 nhà máy chạy bằng than của Ấn Độ chỉ còn ít hơn 8 ngày nguồn cung cấp - hơn một nửa trong số đó có kho dự trữ trị giá từ hai ngày trở xuống.

Theo Hetal Gandhi, giám đốc nghiên cứu của công ty xếp hạng CRISIL, một công ty con của S&P Global, để so sánh, trong bốn năm qua, lượng than tồn kho trung bình mà các nhà máy điện có là khoảng 18 ngày để cung cấp.

Các nhà bình luận nói rằng sự kết hợp của các yếu tố nguồn cung và lượng than nhập khẩu giảm đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ấn Độ đã chứng kiến nhu cầu điện tăng đột biến trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Nó diễn ra khi nền kinh tế lấy lại động lực sau làn sóng thứ hai của COVID-19.

Theo Gandhi, sự phục hồi kinh tế nhanh hơn những gì nhiều người dự đoán. Các công ty nhiệt điện có lượng than tồn kho ít và không lường trước được sự gia tăng đột biến của nhu cầu điện trong năm nay. Các nguồn sản xuất điện khác - như thủy điện, khí đốt và hạt nhân - cũng suy giảm.

Gandhi cho biết gió mùa phân bố không đều là một trong những yếu tố. Lượng mưa ít hơn ở một số khu vực đã ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất thủy điện hoặc năng lượng nước.

Một số yếu tố khác bao gồm giá khí đốt tăng mạnh cũng như các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động bảo trì. Tất cả những điều đó đã dẫn đến sự gia tăng sản lượng nhiệt điện than.

Ấn Độ là nhà nhập khẩu than lớn thứ ba thế giới mặc dù có trữ lượng than lớn. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa giá than quốc tế và giá than trong nước ngày càng tăng đã khiến nhập khẩu giảm mạnh trong những tháng gần đây.

Khi cung giảm, nhu cầu lại tăng. Nhập khẩu than của các nhà máy điện đã giảm 45% trong tháng 7 và tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi các lĩnh vực phi năng lượng của Ấn Độ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào than trong nước. Các ngành công nghiệp phi năng lượng như nhôm, thép, xi măng và giấy thường đốt một lượng lớn than để sản xuất.

Sự suy giảm sản lượng điện của các nhà máy điện ven biển, vốn phụ thuộc vào than nhập khẩu, cũng tạo thêm áp lực cho các nhà máy điện sử dụng than trong nước để tăng sản lượng.

Than nội địa của Ấn Độ cũng có giá trị nhiệt thấp hơn - có nghĩa là cần nhiều than hơn để thay thế than nhập khẩu.

Giá than ở Ấn Độ chủ yếu do tập đoàn than Ấn Độ thuộc sở hữu nhà nước quyết định. Vì vậy, khi giá quốc tế tăng, giá trong nước sẽ không tăng đáng kể vì nó sẽ ảnh hưởng đến giá điện và lạm phát - các công ty không thể chuyển chi phí cao hơn cho hầu hết người tiêu dùng.

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu

2231d93e-a0ab-4925-bcde-3bdd5dcb6bc9

Giá điện tại châu Âu đang ở mức cao kỷ lục.  Ảnh: CNN.

Tại Anh và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), giá điện tăng vọt đã làm gia tăng nỗi lo về một mùa đông khó khăn phía trước, khi nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình ngày một tăng.

Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố có thể khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn.

Theo Bloomberg, giá khí đốt châu Âu đã tăng mạnh khi nhu cầu tăng trên toàn cầu. Cụ thể, trong năm qua, giá đã tăng gần 500% và đang giao dịch với mức giá gần mốc kỷ lục.

Giá điện ở Pháp đã tăng 149% trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến ngày 15/9. Tại Đức, giá cả tăng vọt 119%. Và ở Anh, chi phí này đã tăng tới 298%.

Nguyên nhân chính của sự tăng giá mạnh này là do nguồn cung suy giảm, nhu cầu phục vụ cho phục hồi nền kinh tế tăng cao hay việc tích trữ chuẩn bị cho mùa đông đang đến. Nhiều quốc gia hiện đang phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hơn bao giờ hết để có nguồn nhiên liệu sưởi ấm.

Thời gian qua, châu Âu cũng bắt tay vào việc đẩy mạnh sản xuất nhằm phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Tuy nhiên, đà hồi phục chủ yếu dựa vào hàng hóa được sản xuất trong các ngành thâm dụng năng lượng, chứ không phải ngành dịch vụ, khiến nhu cầu năng lượng tăng mạnh. Châu Âu đã trải qua tháng Tư và tháng Năm với thời tiết lạnh giá đột biến khiến nhu cầu tăng và trữ lượng khí đốt tự nhiên giảm bất thường so với mọi năm.

Trong khi đó, nguồn cung của các loại năng lượng khác lại không ở mức giống các năm trước. Thời tiết mùa hè khá êm đềm khiến các trang trại gió ở biển Bắc hoạt động ở công suất thấp. Đồng thời, các quốc gia châu Âu cũng loại bỏ than đá khỏi mạng lưới điện để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Còn Đức đang loại bỏ dần điện hạt nhân vào năm 2022.

Nhưng vấn đề chưa dừng lại ở đó. Châu Âu đã bị Trung Quốc "vượt mặt" trong việc thu mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để tập trung phát triển nền kinh tế xanh hơn. Thế nhưng, bản thân quốc gia châu Á này vẫn chưa thể đổ đầy các kho dự trữ dù đã tăng gần gấp đôi sản lượng nhập khẩu so với năm ngoái.

Stefan Bouzarovski tại Đại học ManchesteBouzarovski nhận định, có tới 80 triệu hộ gia đình trên khắp châu Âu đang phải vật lộn để giữ ấm cho ngôi nhà của họ. Nguy cơ rơi vào tình trạng "nghèo đói năng lượng" tại châu Âu cao gấp đôi nguy cơ nghèo đói nói chung.

Theo ông Bouzarovski, khoảng 20-30% dân số châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói nói chung, trong khi có tới 60% dân số đang phải chịu cảnh "nghèo đói về năng lượng". Bulgaria có tỷ lệ người nghèo về năng lượng cao nhất châu Âu, với 31% dân số. Tiếp theo là Lithuania với 28%. Và con số này tại Cyprus là 21% và Bồ Đào Nha là 19%.

Không có giải pháp dễ dàng

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nhu cầu năng lượng tăng cao khi sự phục hồi kinh tế từ đại dịch đang diễn ra kết hợp một hệ thống dễ bị gián đoạn bởi các sự kiện thời tiết hoặc sự cố máy móc.

Một mùa đông dài và lạnh bất thường vào đầu năm nay đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên ở châu Âu. Nhu cầu năng lượng tăng cao đã cản trở quá trình tái sản xuất, thường xảy ra vào mùa xuân và mùa hè.

"Sự thèm muốn" ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng có nghĩa là thị trường LNG không thể lấp đầy khoảng trống. Xuất khẩu khí đốt của Nga sụt giảm và thời tiết bất thường đã làm trầm trọng thêm vấn đề.

Các nhà phân tích năng lượng tại ngân hàng Société Générale nói với các khách hàng trong tuần này: "Việc giá điện tại châu Âu tăng vọt như hiện nay thực sự bất ngờ. Chưa bao giờ giá điện lại tăng nhanh như vậy".

Nhu cầu than tăng cũng khiến nhiều công ty châu Âu phải trả thêm cho các khoản tín dụng carbon để họ có thể đốt nhiên liệu hóa thạch.

Tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên cũng đã tăng 47% kể từ đầu tháng 8. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng đang hỗ trợ giá dầu, vốn đã đạt mức cao nhất trong bảy năm tại Mỹ trong tuần này.

Ngân hàng Bank of America gần đây đã dự đoán rằng một mùa đông lạnh giá có thể đẩy giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn toàn cầu, vượt 100 USD/thùng. Giá dầu đã không cao như vậy kể từ năm 2014.

Về mặt lý thuyết, Nga có thể hỗ trợ phần nào cuộc khủng hoảng lần này. Société Générale lưu ý rằng việc các nhà chức trách Đức phê duyệt nhanh hơn đối với đường ống Nord Stream 2 (vốn nhạy cảm về mặt chính trị), dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga đến châu Âu, sẽ giảm bớt căng thẳng đáng kể.

Thời tiết khắc nghiệt trong những tháng tới sẽ tạo ra căng thẳng lớn - đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng, như Ý và Vương quốc Anh. Anh đang ở trong tình thế đặc biệt khó khăn vì nước này thiếu khả năng lưu trữ và đang phải đối phó với sự cố do đứt đường dây điện với Pháp.

Henning Gloystein, giám đốc nhóm năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết: "Vương quốc Anh có nguy cơ cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Âu về tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông. Nếu điều này xảy ra, chính phủ có thể sẽ yêu cầu các nhà máy giảm sản lượng và tiêu thụ khí đốt để đảm bảo nguồn cung cấp cho các hộ gia đình".

Sự gia tăng lớn về chi phí năng lượng, không có dấu hiệu giảm bớt, đang làm dấy lên lo ngại lạm phát, vốn đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc cẩn thận các bước tiếp theo của họ.

Giá năng lượng ở các nước phát triển đã tăng 18% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố. Và đó là trước khi tình hình xấu đi đáng kể trong những tuần gần đây.

Chi phí năng lượng cao hơn có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho quần áo hoặc các hoạt động như ăn uống ở ngoài, ảnh hưởng đến sự phục hồi trở lại của đại dịch. Nếu các doanh nghiệp được yêu cầu cắt giảm hoạt động để đảm bảo nguồn điện, điều đó cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.

Ông Gloystein nói: "Có những lo ngại rằng giá khí đốt tăng sẽ khiến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của châu Âu gặp rủi ro".

Theo ông Gloystein, người tiêu dùng cũng lo lắng rằng biến động giá có thể gây ra sự hoài nghi của công chúng về việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, nếu người tiêu dùng yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào dầu và khí đốt để hạn chế những biến động trong tương lai.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Rõ ràng là với năng lượng trong dài hạn, điều quan trọng là phải đầu tư vào năng lượng tái tạo. Điều đó mang lại cho chúng tôi giá cả ổn định và độc lập hơn, vì 90% khí đốt đang được nhập khẩu vào Liên minh châu Âu".

(Còn nữa)

Đón đọc: Khủng hoảng năng lượng hậu COVID: Bài 3 - Viễn cảnh đầy thách thức

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng năng lượng hậu COVID: Bài 2 - Lan tỏa toàn cầu" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.