Kinh tế Trung Quốc trả giá vì siết tín dụng bất động sản

30/06/2022 16:51

Sau một năm siết tín dụng, Trung Quốc muốn vực dậy thị trường nhà đất khi tình hình kinh tế xấu đi. Tuy nhiên, đà phục hồi đang gặp nhiều lực cản.

Siet tin dung bat dong san anh 1

Gần 90% tiền tiết kiệm của anh Clawde Yin, một cư dân Thượng Hải, nằm trong bất động sản, phần còn lại là cổ phiếu. Nhưng hiện tại, anh nhận thấy cả 2 lựa chọn đều dễ tổn thương trước những thay đổi chính sách của Chính phủ Trung Quốc.

"Không còn lựa chọn đầu tư nào. Tôi chẳng thể làm gì ngoài chờ đợi và quan sát", anh Yin chia sẻ.

Theo Bloomberg, suốt nhiều thập kỷ qua, với các hộ gia đình Trung Quốc, cách làm giàu và đảm bảo tài chính chắc chắn nhất là bỏ phần lớn tiền vào bất động sản. Giờ đây, ngay cả những người dư dả cũng chỉ dám giữ tiền mặt.

Họ không dám đổ tiền vào thị trường bất động sản, vốn đã bị tàn phá bởi dịch Covid-19, cũng như chính sách siết chặt của Chính phủ.

Khoảng 2 năm qua, Trung Quốc tìm cách siết tín dụng nhằm hạ nhiệt và giảm đòn bẩy trong thị trường bất động sản đã tăng trưởng quá nóng. Nhưng khi nền kinh tế thứ 2 thế giới chao đảo vì làn sóng Covid-19, Bắc Kinh muốn vực dậy thị trường nhà ở, vốn đóng góp lớn vào GDP của đất nước.

Siet tin dung bat dong san anh 2

Bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Vỡ nợ hàng loạt

Tuy nhiên, Bloomberg đưa tin trong tháng 5, giá nhà tại Trung Quốc đã chứng kiến tháng giảm thứ 9 liên tiếp. Điều đó cho thấy nhu cầu vẫn yếu bất chấp sự hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh.

Cụ thể, theo số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 16/6, giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 0,17% so với tháng 4. Mức giảm là 0,3% trong tháng 4.

Các số liệu cho thấy lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn suy yếu trong bối cảnh triển vọng kinh tế xấu đi. Cùng với đó là cuộc khủng hoảng việc làm ngày càng nghiêm trọng.

Bất động sản từng chiếm tới 60% tài sản của người dân Trung Quốc. Giá nhà đã tăng liên tục kể từ đầu những năm 2000, thúc đẩy đầu cơ.

Bắc Kinh đã bắt đầu để mắt tới ngành công nghiệp này vào năm 2016. Khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: "Nhà để ở, không phải đầu cơ". Nhưng phải đến năm 2020, "cơn bão" quy định mới càn quét lĩnh vực này.

Những quy định mới giáng đòn vào ngành công nghiệp địa ốc, đẩy China Evergrande - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - và hàng loạt công ty bất động sản khác vào cảnh vỡ nợ.

Tốc độ tăng, giảm giá nhà mới tại Trung Quốc trong một năm qua (so với tháng liền trước)
Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc trên 70 thành phố
NhãnTháng 5/2021Tháng 6/2021Tháng 7/2021Tháng 8/2021Tháng 9/2021Tháng 10/2021Tháng 11/2021Tháng 12/2021Tháng 1/2022Tháng 2/2022Tháng 3/2022Tháng 4/2022Tháng 5/2022

%0.50.40.30.2-0.1-0.3-0.3-0.3-0.04-0.1-0.1-0.3-0.2

Kể từ đầu năm ngoái, theo Bloomberg, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ ít nhất 18 tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD và 2,5 tỷ USD trái phiếu bằng đồng NDT.

Tài sản của các tỷ phú bất động sản cũng bốc hơi. Ông Vương Kiện Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt - chứng kiến tài sản giảm 61% giá trị so với cuối năm 2019. Tài sản của tỷ phú Sun Hongbin, nhà sáng lập Sunac China Holdings Ltd., bay hơi 90%.

Còn ông Hứa Gia Ấn - tỷ phú sáng lập China Evergrande - mất gần 24 tỷ USD. Năm ngoái, Bắc Kinh đã thúc giục ông Hứa bỏ tiền túi để giải quyết cuộc khủng hoảng tiền mặt của China Evergrande.

CNBC đưa tin theo các nhà phân tích Kenneth Ho và Chakki Ting của Goldman Sachs, kể từ đầu năm đến nay, 22 công ty phát hành trái phiếu lãi suất cao của Trung Quốc - tất cả đều liên quan đến lĩnh vực địa ốc - đã vỡ nợ hoặc không thể trả đúng hạn những trái phiếu bằng đồng USD.

Tâm lý lo ngại của người mua nhà sẽ là rào cản lớn, nhất là khi làn sóng Covid-19 mới tạo ra nhiều mối đe dọa

Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence

Theo công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's, thước đo mức độ rủi ro đối với nợ ở châu Á đã vượt ngưỡng cao nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Nguyên nhân chính là sự tụt hạng của các công ty bất động sản Trung Quốc.

Trong 9 tháng qua, Moody's đã có 91 lần hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc. Cơ quan này cho biết đó là tốc độ hạ bậc chưa từng có.

Báo cáo nhấn mạnh rằng một số trái phiếu của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc đã bị hạ bậc hơn một lần. Những cái tên thuộc hạng B3 hoặc thấp hơn bao gồm China Evergrande, Greenland, Agile Group, Sunac, Logan, Kaisa và R&F.

Trong hệ thống của Moody's, B3 là mức thấp nhất trong danh mục tài sản "đầu cơ và có rủi ro tín dụng cao".

"Việc hạ bậc cho thấy ở thời điểm hiện tại, các tập đoàn địa ốc Trung Quốc đang hoạt động trong môi trường khó khăn với điều kiện tài chính bị thắt chặt", bà Kelly Chen - Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao tại Moody's Investors Service - nhận định.

"Chúng tôi nhận thấy doanh số bán nhà (theo hợp đồng) vẫn còn yếu, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa mang lại sự phục hồi đáng kể", bà bình luận.

Nhiều lực cản

Năm nay, giới chức Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản đang đè nặng lên nền kinh tế thứ 2 thế giới. Những biện pháp hỗ trợ được đưa ra bao gồm kêu gọi các nhà băng cho vay nhiều hơn, giảm lãi suất vay thế chấp và nới lỏng một số quy định về việc sở hữu nhà đất.

Nhưng theo ông Hans Fan, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu Trung Quốc và Hong Kong tại CLSA, các ngân hàng thương mại vẫn thận trọng với ngành công nghiệp bất động sản, nhất là với những tập đoàn tư nhân.

Thêm vào đó, việc Bắc Kinh siết tín dụng, dẫn tới cuộc khủng hoảng thanh khoản của các tập đoàn địa ốc, đã làm xói mòn niềm tin của người mua nhà. Năm ngoái, khách mua nhà của China Evergrande đã tập trung trước trụ sở của tập đoàn để đòi lại khoản tiền trả trước.

"Chưa biết liệu các biện pháp nới lỏng kiểm soát có phát huy tác dụng hay không. Đến nay, doanh số của phần lớn tập đoàn địa ốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn", các nhà nghiên cứu của China Real Estate Information Corp. - đứng đầu là ông Yang Kewei - nhận xét.

Siet tin dung bat dong san anh 3

Triển vọng kinh tế và việc làm xấu đi trong bối cảnh đại dịch cũng là lực cản đối với đà phục hồi của thị trường nhà ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Còn theo các nhà kinh tế tại Nomura Holdings, tình trạng bất ổn, triển vọng kinh tế xấu đi, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tăng trưởng thu nhập sụt giảm đã tạo sức ép lên thị trường nhà ở.

“Tâm lý lo ngại của người mua nhà sẽ là rào cản lớn, nhất là khi làn sóng Covid-19 mới tạo ra nhiều mối đe dọa”, các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence nhận định.

Khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống dịch để đối phó với làn sóng Covid-19 mới, các đại lý và khách hàng bị hạn chế di chuyển và không thể tới xem nhà trực tiếp. Điều này càng tác động nghiêm trọng tới doanh số bán hàng.

Theo tính toán của Goldman Sachs, khối lượng giao dịch mua bán bất động sản hàng ngày trên 30 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế Trung Quốc trả giá vì siết tín dụng bất động sản" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.