Lăng kính chứng khoán 16/8: Tạm thời chưa quá tiêu cực

16/08/2024 08:10

Thị trường chứng khoán vẫn giữ được hỗ trợ 1.220 điểm nên tạm thời tình hình chưa quá tiêu cực và cần sự xác nhận của dòng tiền để cân bằng trở lại.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán Vietcombank (VCBS): VN-Index tiếp tục ghi nhận phiên rung lắc giảm điểm với áp lực điều chỉnh bao phủ diện rộng. Ở khung đồ thị ngày, động lực của thị trường chung đang chững lại.

Tuy nhiên thị trường vẫn giữ được hỗ trợ 1.220 điểm nên tạm thời tình hình chưa quá tiêu cực và cần sự xác nhận của dòng tiền để cân bằng trở lại.

Nếu lực cầu không có dấu hiệu cải thiện và nhà đầu tư duy trì tâm lý thận trọng thì VN-Index khó tránh khỏi diễn biến rung lắc trong các phiên tiếp theo và ngưỡng hỗ trợ gần nhất là mốc 1.210 điểm.

Lăng kính chứng khoán 16/8: Tạm thời chưa quá tiêu cực- Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 15/8 (Nguồn: FireAnt)

Chứng khoán Tiên phong (TPS): Tuần giao dịch hiện tại đang sụt giảm thanh khoản so với tuần trước đó khá nhiều – hiện đã trải qua 4/5 phiên giao dịch nhưng mức thanh khoản chỉ gần bằng một nửa so với tuần giao dịch trước đó.

Điều này thể hiện tâm lý lưỡng lự, nghi ngờ của nhà đầu tư trên thị trường. VN-Index đang cần một cây nên dẫn dắt với thanh khoản lớn. TPS khuyến nghị giải ngân ở vùng 1.220 điểm và có thể giải ngân mạnh nếu thanh khoản tăng cao.

Chứng khoán Beta: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn khi nằm dưới các đường trung bình quan trọng nhưng trên MA10.

Trong bối cảnh thị trường đang gặp phải áp lực bán gia tăng, lực cầu yếu và thanh khoản suy giảm, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc đưa ra quyết định giao dịch. Hiện tại, dòng tiền chưa có sự đồng thuận rõ ràng, điều này có thể dẫn đến sự biến động khó lường của thị trường.

Khuyến nghị đầu tư

- VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam): trung lập, giá mục tiêu 1 năm 22.800 đồng/cổ phiếu, tăng 11% so với hiện tại.

Do thanh khoản trên thị trường bất động sản vẫn còn thấp, đặc biệt là ở khu vực miền Nam cùng với áp lực cạnh tranh gay gắt, chúng tôi cho rằng, VIB đang gặp phải một số thách thức trong việc xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng.

NIM dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực do lãi suất cho vay giảm trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng dần. Chi phí tín dụng tiếp tục duy trì ở mức cao để đối phó với chất lượng tài sản giảm. Do đó, ROE dự kiến sẽ dao động ở mức 18 - 19% trong các năm tới, giảm so với mức đỉnh 30% trong năm 2022.

Trong năm 2024, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế 9.400 tỷ đồng (giảm 11,8% so với cùng kỳ), vì NIM giảm 100 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống mức 3,97%. SSI ước tính VIB sẽ xử lý 2.900 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2024 (giảm 20% so với cuối năm 2023, nhưng gấp 4 lần năm 2022). Vì thế, tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống mức 3,3% tại cuối năm 2024.

Chi phí tín dụng ước tính là 1,6% trong năm 2024 (so với 1,95% vào năm 2023), tương đương với 4.400 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ). Thu nhập từ nợ xấu đã xóa kỳ vọng sẽ phục hồi 31,3% so với cùng kỳ lên 1.000 tỷ đồng trong năm nay do VIB ưu tiên thu hồi nợ (đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024).

- CTG (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam): Chờ bán.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vừa tổ chức, ban lãnh đạo CTG đã chia sẻ một số định hướng cho 6 tháng cuối năm 2024: dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14-15%, NIM ổn định quanh 3%, tỉ lệ nợ xấu dưới 1,8% và tỉ lệ bao phủ sẽ tăng trở lại.

Ngân hàng cũng kỳ vọng chi phí dự phòng sẽ giảm đáng kể và thu nhập từ thu hồi nợ xấu sẽ đạt được khoảng 7.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 50% so với năm ngoái).

TCBS đánh giá đây là những thông tin khá tích cực giúp ngân hàng có thể tăng trưởng được lợi nhuận mạnh mẽ hơn trong các tháng còn lại của năm. Quan điểm của TCBS là nắm giữ vị thế hiện có và chờ cơ hội chốt lời.

Bạn đang đọc bài viết "Lăng kính chứng khoán 16/8: Tạm thời chưa quá tiêu cực" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.