Nguồn cung dồi dào, BĐS công nghiệp 'sống khỏe' giữa đại dịch

05/09/2021 05:56

BĐS công nghiệp là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường, bất chấp sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hàng chục dự án khu công nghiệp trên cả nước đã được phê duyệt từ đầu năm hứa hẹn sẽ cung cấp hàng nghìn ha mới cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.

Nguồn cung dồi dào, BĐS công nghiệp 'sống khỏe' giữa đại dịch

BĐS công nghiệp là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường, bất chấp sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hàng chục dự án khu công nghiệp trên cả nước đã được phê duyệt từ đầu năm hứa hẹn sẽ cung cấp hàng nghìn ha mới cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.

Giá thuê và tỉ lệ lấp đầy ổn định trong nửa đầu năm 2021

Số liệu từ đầu năm 2021 cho biết, Việt Nam có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang xây dựng. Tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt bình quân trên 70%.

Giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước  khoảng 60 - 80 nghìn đồng/m2 và giá mua đất khu công nghiệp đã có hạ tầng giao động từ 3 - 5 triệu đồng/m2.

Nguồn cung dồi dào, BĐS công nghiệp 'sống khỏe' giữa đại dịch - Ảnh 1 Bất động sản công nghiệp ổn định về giá thuê và tỉ lệ lấp đầy trong những tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Xây dựng, trong quý 2/2021, hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp vẫn duy trì được ổn định về cả giá thuê và tỉ lệ lấp đầy.

Cụ thể, tỉ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt khoảng 80%. Nếu tính thêm các tỉnh lân cận (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang) thì tỉ lệ lấp đầy của các dự án khu công nghiệp đạt 69%.

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2020 thị trường bất động sản công nghiệp mạnh lên và sôi động ở nhiều tỉnh, thành phố. Một số tỉnh có thị trường bất động sản công nghiệp rất sôi động có thể kể đến như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang...

Bước sang năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng nhờ vào các chỉ số tăng trưởng kinh tế lạc quan, thị trường bất động sản công nghiệp và nhà xưởng tại Việt Nam trong quý 2 vẫn giữ vững tiềm năng to lớn cùng với nhiều lợi thế độc đáo vốn có của đất nước, giúp thu hút các nhà sản xuất và chuỗi cung ứng logistics.

BĐS công nghiệp xuất hiện nhiều nguồn cung mới

Bất chấp sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, các khu công nghiệp mới đã mọc lên và các dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu hoạt động.

Cụ thể, năm 2021 chứng kiến ​​các thương vụ M&A mới và nguồn cung đất công nghiệp được cải thiện. Các dự án sản xuất lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 đến từ các doanh nghiệp Hồng Kông và Singapore nhắm đến Quảng Ninh và Bắc Giang.

Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt KCN mới trên khắp cả nước. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc, tiêu biểu là Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Làn sóng hình thành và phát triển của các KCN phía Bắc cho thấy Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hạ tầng để đón làn sóng FDI từ các doanh nghiệp ngoại.

Báo cáo quý 2/2021 của Công ty JLL Việt Nam cho thấy, thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Bắc ghi nhận thêm nguồn cung mới từ KCN Yên Mỹ tại Hưng Yên, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc lên 9.700ha. 

Bên cạnh đó, thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng đón chào thêm nguồn cung mới, tập trung chủ yếu ở Hải Dương, nâng tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tại miền Bắc lên 1,9 triệu m2 sàn.

Nguồn cung dồi dào, BĐS công nghiệp 'sống khỏe' giữa đại dịch - Ảnh 2 BĐS công nghiệp có thêm nhiều nguồn cung mới. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, thị trường ghi nhận một số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong quý 2, điển hình là việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại KCN Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.

Các chuyên gia của JLL dự báo, giá BĐS KCN, đặc biệt là khu vực Đông Bắc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng được dự báo sẽ sôi động, với nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.

Tại khu vực phía Nam, với những tầm nhìn tươi sáng về nền sản xuất của đất nước trong tương lai, chính quyền các tỉnh đã không ngừng liên tục cải thiện và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng, điển hình các dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tất cả các dự án này đều nằm ở các thị trường công nghiệp chủ lực xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, giá thuê đất công nghiệp tại miền Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Đối với nhà xưởng xây sẵn, khoảng 940.000 m2 mới sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thị trường hồi phục trở lại.

Hàng chục dự án KCN tại 13 tỉnh thành phố đã được phê duyệt trong quý 1/2021, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha mới cho các nhà đầu tư trong vài năm tới, theo Savills.

Bắc Ninh có số lượng dự án lớn nhất với 5 khu công nghiệp (KCN) sắp khai trương. Chẳng hạn, KCN Quế Võ III có diện tích 208,54 ha, KCN Gia Bình II có diện tích 250 ha. Quảng Trị cũng kỳ vọng vào các dự án mới như KCN Triệu Phú với tổng diện tích gần 529 ha. Ngoài ra, KCN Quảng Trị có diện tích 481,2 ha, tổng vốn đầu tư 90,17 triệu USD.

Vĩnh Phúc cũng kỳ vọng một số KCN mới với tổng nguồn cung 500 ha như Sông Lô, Tam Đường 1, Thái Hòa-Liên Sơn-Liên Hòa. Ngoài ra, các dự án mới dự kiến ​​sẽ ở Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Nam Định và Nghệ An.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết "Nguồn cung dồi dào, BĐS công nghiệp 'sống khỏe' giữa đại dịch" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.