Nguy cơ thiếu hụt lao động khi khôi phục sản xuất

28/09/2021 05:01

Hiện công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam đã có những tín hiệu tích cực, đây cũng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn khi có thể khôi phục sản xuất trở lại. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động.

Trước tác động nặng nề của đợt dịch COVID-19 thứ 4, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,… khi hàng ngàn người lao động bị thất nghiệp đã bỏ về quê do những doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) buộc phải ngưng hoạt động để thực hiện chỉ thị giãn cách.

Điều đáng nói, hiện công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam đã có những tín hiệu tích cực, đây cũng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn khi có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó, nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động là một trong những vấn đề đáng quan tâm.

Nỗi lo thiếu hụt lao động

Chia sẻ với

Hàng loạt doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động khi được phép hoạt động trở lại. Ảnh: Bộ Công thương

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - Vita Jean (TP. Thủ Đức, TP.HCM) lại tỏ ra lo ngại, khi trước đó đã có một làn sóng “di dân” rất lớn từ TP.HCM về các địa phương để tránh dịch, trong đó, bao gồm cả các công nhân của các nhà máy phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm ngưng sản xuất để chống dịch từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát.

Tuy nhiên, đến nay chưa có số liệu thống kê nào về số lượng lao động đã rời thành phố và cũng chưa có một đơn vị nào đề cập đến kế hoạch đưa lao động từ các tỉnh về lại thành phố để phục hồi hoạt động sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.

“Doanh nghiệp rất muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh khi được nới lỏng giãn cách nhằm tận dụng cơ hội thị trường những tháng cuối năm, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại thành phố để làm việc chưa thì doanh nghiệp không biết”,  Chủ tịch HĐQT Công ty Vita Jean bày tỏ lo ngại.

Tại khu vực Đồng Nai, theo phản ảnh của doanh nghiệp tại các KCN ở các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP. Biên Hòa, rất nhiều lao động đang chờ việc sống ở “vùng đỏ”, cam, vàng. Nếu các “vùng xanh” không được mở rộng nhanh để thu hẹp vùng vàng, cam, đỏ, các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thiếu lao động cho phục hồi sản xuất.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) cho biết, Fujitsu thực hiện phương án ‘3 tại chỗ’ nhưng chỉ được khoảng 260 lao động có thể hoạt động, còn lại khoảng 1.240 lao động đang phải nghỉ việc, trong khi công ty có rất nhiều đơn hàng, muốn khôi phục toàn bộ các dây chuyền sản xuất nhưng đang lo ngại khi đứng trước nguy cơ thiếu lao động.

“Hiện có lao động sống trong “vùng đỏ”, cam, vàng, có lao động ở “vùng xanh” nhưng muốn đến nhà máy phải qua “vùng đỏ”, đặc biệt, một bộ phận lao động đã về quê trong thời gian nghỉ việc, do đó công ty đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ giải quyết nhanh mới phục hồi sản xuất được”, ông Vinh nói.

Tương tự, Bà Nguyễn Ngọc An Hảo, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH Vacpro Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) cũng cho hay, công ty có 800 lao động, nhưng chỉ tổ chức được 50% lao động lưu trú tại nhà máy để sản xuất các đơn hàng cấp bách.

“Khi tỉnh Đồng Nai mở cửa trở lại, công ty muốn khôi phục sản xuất như bình thường và đưa tất cả lao động trở lại nhà máy nhưng 90% lao động đang nghỉ việc ở các ‘vùng đỏ’. Tuy nhiên, công ty đang lo lắng sẽ thiếu hụt công nhân, không khôi phục được sản xuất sẽ mất nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài”, đại diện Vacpro Việt Nam chia sẻ.

Giải quyết bài toán thiếu hụt lao động?

Đợt giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua để phòng, chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Theo báo cáo của Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) từ đầu năm 2021 đến nay, có gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động của cả nước đã bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập.

Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8/2021, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc.

Có thể thấy, dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã buộc người lao động phải tìm công việc khác để làm, hoặc rời các KCN về quê, khiến doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Đáng chú ý, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) dự kiến, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%, nên nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều KCN, KCX. Do đó, để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, ổn định thị trường lao động, Cục đã xây dựng 2 nhóm giải pháp trọng yếu.

Thứ nhất là nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch, cần đẩy nhanh tốc độ đàm phán, nhập và tổ chức tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các KCN, KCX, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.

Cục Việc làm cũng cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí… hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng…

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch, cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cục Việc làm cũng đề nghị các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam chủ động phối hợp với các tỉnh cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc, thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê, dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh này kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thứ hai là các giải pháp để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, cần có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, các đơn vị cần tổ chức nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất; nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung-cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.

Trong khi đó, một số tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,… cũng đã xây dựng cho mình các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người lao động trên địa bàn.

Đơn cử như tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, việc phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các huyện, thành phố còn gặp khó khăn do tỷ lệ người lao động được tiêm vaccine còn thấp, dẫn đến thiếu hụt người vận hành các dây chuyền sản xuất.

Do đó, bà Nguyễn Thị Hoàng đề nghị cho phép công nhân từ vùng xanh, vùng vàng tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày được đến nhà máy để làm việc, vì đa số các doanh nghiệp đã ngưng sản xuất hơn 2 tháng nay, cần khởi động lại để giải quyết các đơn hàng, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hay tại TP.HCM, ngày 24/9, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã trình UBND thành phố dự thảo phương án tổ chức phối hợp vận chuyển người lao động các tỉnh, thành phố về thành phố làm việc trong thời gian khôi phục hoạt động kinh tế trong tình hình mới, theo ba phương thức vận chuyển bằng đường bộ,... được chia thành 2 giai đoạn thực hiện.

Trong đó, giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến ngày 31/10) sẽ triển khai vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/11 trở đi) thực hiện triển khai cả 3 phương thức vận chuyển,...

Dưới góc độ của mình, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, việc đưa ra giải pháp toàn diện để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động là rất khó khi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, về phía doanh nghiệp, nên xem xét có đủ năng lực tài chính để tiếp tục giữ công nhân và đối tác. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, nhà nước, có các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động để họ yên tâm quay lại làm việc và bổ sung nguồn lao động mới.

"Chẳng hạn, nhà nước cần có chính sách cho những công nhân trở lại các tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong thời gian sau tiêm vaccine, họ sẽ được bố trí chỗ ở miễn phí 14 ngày, sau đó xét nghiệm an toàn mới vào công ty làm việc", TS. Lê Bá Chí Nhân nói.

Còn phía doanh nghiệp, vị chuyên gia này cho rằng, để thu hút người lao động cách tốt nhất là đãi ngộ bằng lương và phụ cấp, trong đó cần nói rõ khoản nào là phụ cấp, khoản nào là lương. Cùng với đó, cần nói từ đầu các ưu đãi trong giai đoạn dịch COVID-19, hậu đại dịch có giảm hay không thì mới tạo được niềm tin để người lao động trở lại làm việc.

Bạn đang đọc bài viết "Nguy cơ thiếu hụt lao động khi khôi phục sản xuất" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.