Nhìn vào những đốm sáng

23/03/2023 13:03

(ĐTCK) Những ngày cuối tuần qua, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 25 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hầu hết các định chế kinh tế - tài chính, các tổ chức đầu tư nước ngoài lớn nhất đã và đang tham gia đầu tư, đồng hành cùng nền kinh tế Việt Nam.

Những kiến nghị, đề xuất, thậm chí sự “bức bối”… của các nhà đầu tư nước ngoài tại VBF 2023 trải dài trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực và đa dạng vấn đề, nhưng hầu hết đều đánh giá cao cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và thể hiện rõ tinh thần “chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích” như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại VBF 2022 tổ chức cùng thời điểm này năm ngoái.

Quay trở lại TTCK - nơi dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp đang thể hiện nhiều điểm sáng, có thể thấy thị trường đang chịu tác động bởi nhiều sự kiện quan trọng ở cả trong và ngoài nước. Trong đó, các yếu tố bên ngoài có tác động lớn như định hướng cứng rắn của Fed tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ; biến cố tại các ngân hàng Silicon Valley Bank, Credit Sussie…

Bên cạnh đó, tuần này, Fed sẽ có quyết định về chính sách lãi suất trong cuộc họp FOMC vào ngày 22/3. Sau sự kiện này, nhà đầu tư trên toàn cầu sẽ hiểu rõ hơn liệu tổ chức này tiếp tục tăng lãi suất trong bao lâu, liệu khi nào chu kỳ tăng lãi suất sẽ đảo chiều. Thị trường thường phản ứng rất nhạy với các thông tin trên.

Trong nước, thị trường tài chính cũng liên tục đón nhận các sự kiện quan trọng như Nghị định 08, Nghị quyết 33, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành…

Với TTCK, dòng tiền luôn là yếu tố mang tính quyết định và chính vì vậy, bất cứ thông tin nào về chính sách tiền tệ, về hoạt động của các định chế tài chính lớn đều đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, cùng với sự kiện SVB phá sản, Credit Sussie gặp nạn… tác động từ bên ngoài, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất nhận được nhiều quan tâm.

Nhìn nhận động thái này, có thể thấy trong 3 loại lãi suất quan trọng, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên, chỉ có lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm được giảm. Lãi suất tái cấp vốn là dành cho việc tài trợ các khoản cho vay của NHTM bị "kẹt"; lãi suất chiết khấu dành cho giấy tờ có giá (ví dụ trái phiếu chính phủ, tín phiếu).

Việc giảm lãi suất chiết khấu và cho vay qua đêm có nghĩa là ngân hàng trung ương muốn tập trung vào việc đảm bảo thanh khoản hệ thống. Còn việc tháo gỡ các khoản cho vay bị "kẹt" tại thị trường bất động sản, trái phiếu… có lẽ vẫn phải chờ thêm.

Khi tiền nội khó khăn, tiền ngoại được “nhìn ngắm” kỹ. Bởi vậy, tuần qua những thông tin như VPB chốt thương vụ bán vốn cho Sumitomor (Nhật Bản), Fubon Đài Loan huy động được thêm vốn, VNM ETF công bố danh mục mới… được nhiều nhà đầu tư săm soi. Khi thanh khoản thị trường thấp, những cổ phiếu nào có yếu tố tác động từ vốn ngoại có thể nổi sóng.

Tuy nhiên, liệu trong bối cảnh chung có nhiều thách thức như hiện nay, đó chỉ là những con sóng lăn tăn hay sẽ giúp thay đổi trạng thái ở các mã chứng khoán trên? Nhìn rộng hơn, dòng tiền ngoại vào TTCK, vào nền kinh tế có bền như đánh giá rất cao triển vọng của thị trường, của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn của lãnh đạo các quỹ đầu tư, các định chế kinh tế - tài chính tại VBF 2023?

Đây là nội dung được phân tích trong mục Tiêu điểm của Đầu tư Chứng khoán tuần này, nhằm mang đến những thông tin và kiến giải về một vấn đề đang được nhà đầu tư quan tâm.

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn vào những đốm sáng" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.