Nhớ về bố là những ký ức cười trong nước mắticon

09/12/2021 10:00

Trước ngày mất mấy hôm ông thèm ăn hết món này món nọ nhưng đến khi mua về thì ông cũng chỉ biết vừa nhìn vừa khóc, cả đàn con cũng khóc theo...

Trước ngày mất mấy hôm ông thèm ăn hết món này món nọ nhưng đến khi mua về thì ông cũng chỉ biết vừa nhìn vừa khóc, cả đàn con cũng khóc theo...

 

Mấy tháng nay, tôi chẳng đọc được cuốn sách nào vì công việc bận quá. Vài hôm nay mới có thời gian đọc cuốn "Cha và con" của Cormac McCarthy. Từ cuộc lữ hành của hai bố con không tên trong tác phẩm, từ hình tượng người cha mất đi và sự vươn lên của người con, tôi lại bồi hồi nhớ về bố tôi.

Thực ra ký ức về cha tôi đến hôm nay cũng đã phai đi phần nào. Phần vì ông đã trở thành người thiên cổ nhiều năm, cũng phần vì tôi ít có cơ hội được gần gũi trò chuyện với ông trong những năm tháng tuổi thơ.

Bố tôi cũng là một người cha bình thường như bao ông bố khác trên đời này. Ngày ông còn, tôi luôn "sợ" ông một phép. Tôi chưa bao giờ bị một trận đòn roi nào từ bố nhưng những lời dân dã ông dạy anh em tôi lúc chúng tôi nghịch phá, những lần mắc lỗi, hay giữa bữa cơm... còn giá trị hơn nhiều đòn roi kia.

Nhớ về bố là những ký ức cười trong nước mắt
Ảnh minh hoạ 

Ký ức về bố tôi là những câu nói ông dạy mà đến hôm nay tôi vẫn thấy nguyên giá trị với tôi. Ví như "là một thằng con trai, cởi trần mặc quần đùi vẫn lấy được vợ". Ý là đàn ông mình phải luôn tự tin, phải bản lĩnh dù mình có đang nghèo nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng không được hèn mà phải luôn có bản lĩnh, niềm tin thì việc gì cũng làm được, kể cả việc khó như việc... lấy vợ.

Bố tôi là một người đàn ông yêu thương vợ con, luôn sống trung thực, ngay thẳng. Tôi nhớ lần bị anh hàng xóm rủ đi ăn trộm mít nhà bà Thi gần đó. Hôm đấy bọn tôi hái sạch mít nhà bà đấy rồi mang về giấu vào bếp lá thông nhà tôi. Quả có thể giấu nhưng mùi thì không thể nhốt lại được. Bố tôi đi đâu về ngửi thấy và tra hỏi, thế là ông mắng một trận mắng té tát làm mấy anh em lại phải trèo tường rào đầy mảnh sành xếp ngay ngắn mấy quả mít vào gốc cây cho bà Thi.

Ông cũng là người bao dung. Có lần tôi nghịch "khôn" đến mức lấy cả cái xẻng xới vườn phi lên chọc tổ ong giữa nhà, tổ ong thì vẫn còn nguyên mà chiếc bàn kính thì...tan tành, tôi nấp ngoài ruộng khoai suốt mấy tiếng đồng hồ từ trưa đến đêm vì sợ bị ăn đòn. Ai ngờ chính bố tôi là người đi tìm gọi tôi về ăn cơm tối hôm đó.

Bố tôi còn là một người quảng giao. Trước đây, ông có nghề buôn đồ gỗ (sập gụ, tủ chè, đồng hồ côn...) nên bạn bè có ở khắp nơi. Nhưng sau đợt mẹ tôi ốm nặng thì bố tôi cũng bỏ nghề buôn và quay lại với nghề biển, làm muối, làm nông. Bố tôi cũng hay uống rượu và nhiều bạn nhậu như đa số người đàn ông khác ở nông thôn. Mẹ tôi đã phải bỏ nghề nấu rượu nhiều lần vì mỗi lần cất được chục lít thì bố tôi dẫn bạn về uống hết gần nửa, số còn lại đủ để bán lấy tiền về mua gạo để nấu tiếp.

Kỉ niệm với bố là những lần đi bán bò ở xã khác, huyện khác năm tôi lớp 5, lớp 6. Bố cứ tín nhiệm tôi biết cách lùa đàn bò đi xa. Tôi ngồi ở phía trước xe với cái roi sẵn sàng đét đít chú nào mỗi khi chúng đi không cùng hướng với đàn, còn ông ngồi cầm lái phía sau. Kỉ niệm với bố còn là lần duy nhất tôi được bố cho đi thăm Bùi Chu, hành hương quê nội cách nhà 50km trên chiếc xe Cup cũ kĩ vừa chạy vừa nghỉ để đắp khăn làm mát cho động cơ.

Kỉ niệm với bố còn là những lần mấy bố con thức từ 4,5h sáng trong cái rét cắt da cắt thịt mùa đông để tưới nước cho rau, bón phân, làm cỏ vườn màu. Kỉ niệm với bố còn là những lần bố đèo tôi đi thi học sinh giỏi ở điểm thi cách nhà mấy chục cây số. Hai bố con lần thì dắt díu nhau trên xe đạp khung ngang, lần thì trên chiếc Simson đang đi thì chết máy giữa đường.

Đôi khi nhớ về bố tôi là những ký ức cười trong nước mắt. Có đợt mẹ tôi nằm viện, bố ở nhà huy động các con cắt hết dây khoai lang ngoài vườn về.

Mấy bố con cặm cụi băm rau cho lợn ăn từ sáng đến đêm mới hết vài sào khoai chỉ bởi vì sợ mẹ sẽ còn nằm viện lâu, không ai nấu cám cho lợn ăn nên nấu một thể cho đỡ mất công...

Nhớ về bố tôi là nhớ về mấy món tủ của ông làm mỗi khi mẹ tôi nằm viện, chị tôi đi học xa: mắm bắc trứng, mắm bắc tóp mỡ, xương băm nhuyễn bắc mắm, rau luộc chấm mắm, cá sống ăn với dưa ghém... Đến hôm nay thỉnh thoảng thôi vẫn thèm được ăn những món đó mỗi khi ngửi thấy mùi mắm tôm.

 

Ký ức về bố còn là sự tuyệt vọng khi biết tin ông bị K thực quản giai đoạn cuối, hơn ba tháng chúng tôi được phụng dưỡng ông trên giường bệnh những ngày cuối đời, là những cơn đau dữ dội tới mức tiêm 3 mũi morphine vẫn còn đau, là những lần ông ăn gì cũng bị nghẹn, chút hồ cháo cũng nghẹn, uống nước cũng nghẹn...

Trước ngày mất mấy hôm ông thèm ăn hết món này món nọ nhưng đến khi mua về thì ông cũng chỉ biết vừa nhìn vừa khóc, cả đàn con cũng khóc theo...

Ông trút hơi thở cuối cùng vào buổi tối mùa xuân tháng 2 âm lịch trong một ngày biển lặng, mưa lất phất rơi. Giây phút ông trở về với Chúa cũng là thời điểm tôi mất luôn một phần tuổi niên thiếu.

Đến hôm nay cảm giác như có dòng điện chạy dọc sống lưng lúc quỳ bên ông trong thời khắc lâm chung thỉnh thoảng vẫn còn hiện về với tôi trong những giấc mơ.

Đôi khi tôi thấy hối tiếc vì mình ít có thời gian bên bố, ít nói chuyện với bố. Nhưng tôi cũng không quá buồn đâu vì người đàn ông ít nói nhưng làm nhiều, hành động nhiều mới đúng là bố tôi.

Cũng có đôi lúc, tôi lại thấy việc ông đi xa lúc tôi còn đang trong độ tuổi chông chênh không phải là điều gì quá bất hạnh mà có thể điều đó lại là một động lực để tôi phải tự cố gắng vươn lên, quyết tâm hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn...

Phải chăng trải qua những thử thách và nỗi đau tuổi niên thiếu mới làm nên một con người nhiều nghị lực và luôn hướng thiện như tôi của ngày hôm nay.

Con xin kính cẩn nghiêng mình, thắp nén hương lòng tưởng nhớ bố!

Phạm Văn Trọng

Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

Bố tôi hóm hỉnh, chưa bao giờ đánh mắng conBố tôi hóm hỉnh, chưa bao giờ đánh mắng con

Bố tôi không bao giờ đánh mắng các con. Mặc dù thời chúng tôi còn nhỏ, bố rất hay uống rượu say, có thể gọi là nát rượu.

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ về bố là những ký ức cười trong nước mắticon" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.