Những thương hiệu nào vẫn 'ăn nên làm ra' trong đại dịch?

15/10/2021 22:00

Tốp 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) năm 2021 vừa được công bố cho thấy các ngành tài chính, bất động sản - xây dựng và ngành thực phẩm đồ uống tiếp tục hoạt động hiệu quả, bất chấp dịch COVID-19.

n3-16342792404551259312539

Ngành hàng tiêu dùng nhanh như thực phẩm, đồ uống vẫn duy trì được tăng trưởng - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Ngày 15/10, Vietnam Report công bố tốp 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) năm 2021. 

Trong bối cảnh đại dịch diễn ra suốt hơn một năm qua, việc tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, duy trì được tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, đã được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ. 

Những thương hiệu lớn như Samsung Việt Nam, Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các ngân hàng như Techcombank, Vietcombank, VietinBank, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Vingroup, Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn Hòa Phát... tiếp tục duy trì được bảng xếp hạng dù chịu không ít tác động của dịch COVID-19. 

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận (CAGR) trung bình của tất cả các doanh nghiệp trong PROFIT500 là 10,12%, trong đó có những ngành nhỉnh hơn mức này. 

Đáng chú ý, trong tốp 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, các ngân hàng chiếm áp đảo về số lượng với 6 đơn vị, các doanh nghiệp còn lại trong bảng xếp hạng thuộc lĩnh vực xây dựng, sữa, tập đoàn đa ngành và bán lẻ. 

Trong suốt 5 năm qua, kể từ khi bắt đầu tìm kiếm và tôn vinh các doanh nghiệp hiệu quả, các chuyên gia đã ghi nhận ngành bất động sản - xây dựng, ngành tài chính và ngành thực phẩm - đồ uống luôn giữ vững vị trí tốp 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất trong bảng xếp hạng. 

Đây cũng được xem là những ngành có tiềm năng tăng trưởng và góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 đã gây ra không ít khó khăn đến tình hình sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước cũng như cản trở hoạt động xuất nhập khẩu tới các quốc gia khác.

GDP của Việt Nam trong quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. 

Theo World Bank, ước tính tăng trưởng năm nay của Việt Nam đạt 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% hồi tháng 9/2021. 

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng 4 vấn đề quan trọng cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên giải quyết để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; giản lược tối đa thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ; hỗ trợ cắt giảm và gia hạn nộp thuế; và cuối cùng là tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên không gian số.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là đại dịch COVID-19. Do vậy, nhanh chóng kiểm soát dịch chính là yếu tố quyết định cho sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam.

(Theo Tuổi trẻ)

Bạn đang đọc bài viết "Những thương hiệu nào vẫn 'ăn nên làm ra' trong đại dịch?" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.