Cần kỷ luật lãnh đạo địa phương ban hành vượt khung quy định của Trung ương

Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, cần có hình thức kỷ luật lãnh đạo địa phương nào làm trái quy định, hoặc ban hành các quy định vượt khung Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sáng nay (18/10), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới", với sự tham dự của các vị khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia để phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nội dung cụ thể liên quan đến Nghị quyết này.

Cần kỷ luật lãnh đạo địa phương ban hành vượt khung quy định của Trung ương - 1

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Nhật Bắc).

Xét nghiệm thần tốc, đi trước khả năng lây lan của dịch

Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19, trong đó đợt dịch lần thứ 4 là nặng nề nhất. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, nên đến nay, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch.

Qua đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 ban hành các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch, xác định các địa bàn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để có biện pháp cụ thể, khoanh vùng hẹp nhất có thể.

"Chúng ta xét nghiệm thần tốc, tiến độ xét nghiệm đi trước khả năng lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, xác định biện pháp, giải pháp phòng chống dịch phù hợp với từng thời điểm, từng diễn biến dịch bệnh", ông Tuyên cho biết.

Đồng thời, theo ông Tuyên, Việt Nam đã làm tốt ngoại giao vaccine, huy động được nguồn vaccine trong bối cảnh cả thế giới khan hiếm. Đến nay, Việt Nam đã đạt được diện bao phủ vaccine nhất định trong cộng đồng, tạo tiền đề cho việc khôi phục lại phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội của người dân;...

Về tình hình sản xuất vaccine trong nước, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, vaccine do Việt Nam sản xuất đang triển khai thí điểm giai đoạn 3 và các loại vaccine khác cũng đang thử nghiệm. 

"Chúng ta đã có hệ thống kết nối được trên 1.000 điểm cầu để tiến hành hội chẩn, thảo luận; gần đây nhất, tất cả điểm cầu xã phường, thị trấn đã kết nối được với điểm cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia để thuận tiện trong công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch. Đặc biệt, chúng ta đã ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong truy vết, khai báo y tế, thông qua hợp nhất các ứng dụng phòng, chống Covid-19 thành PC-Covid, tạo thuận lợi cho người dân truy cập và trong công tác phòng, chống dịch", ông Tuyên cho biết.

Cần kỷ luật lãnh đạo địa phương ban hành vượt khung quy định của Trung ương - 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. (Ảnh: Nhật Bắc).

Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn bộc lộ nhiều hạn chế

Bên cạnh kết quả đã đạt được, ông Tuyên cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong phòng, chống dịch, đó là: Trong đợt dịch lần thứ 4, với biến chủng Delta tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, lúc đầu công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, còn bị động. Công tác chỉ đạo một số biện pháp cụ thể còn nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình dịch bệnh. Các quy định chưa bao quát hết được các tình huống để ứng phó với dịch bệnh, vì đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện.

"Tôi nhận thấy khâu tổ chức vẫn yếu. Việc tổ chức thực hiện ở từng khu vực, từng vùng, từng địa bàn, nhưng chưa tính đến hết nhu cầu của người dân và khả năng đáp ứng tại chỗ nên một số nơi thực hiện còn lúng túng, chưa đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên", ông Tuyên đánh giá.

Bên cạnh đó, ông Tuyên còn cho rằng, hệ thống y tế còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là y tế cơ sở y, y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu phòng dịch diễn biến nhanh với chủng Delta. Người dân rất khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế khi dịch bùng phát rộng dẫn đến tình trạng quá tải, tăng nguy cơ tử vong. Hầu hết trang thiết bị y tế, sinh phẩm, thuốc men, vaccine chúng ta đều phải nhập khẩu, chưa sản xuất được nên bước đầu còn bị động, chưa đảm bảo phương châm 4 tại chỗ ở các địa phương.

Công tác truyền thông có lúc có nơi chưa được chuẩn bị kỹ, kịp thời, nên còn lúng túng nhất trong thời gian đầu. Ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn đầu chưa được tích hợp thành một nền tảng thống nhất.

Từ những hạn chế, tồn tại nói trên, để làm tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, ông Tuyên đã chỉ ra hàng loạt các bài học kinh nghiệm quý báu đúc rút từ thực tiễn chống dịch thời gian qua cần áp dụng, trong đó ông nhấn mạnh: Trong chống dịch cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và phải huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động tất cả các nguồn lực ở trong nước cũng như nước ngoài, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp để tham gia phòng, chống dịch.

Ngoài ra, theo ông Tuyên, huy động tổng lực ngành y tế và điều trị từ sớm từ xa để giảm nguy cơ tử vong. Hình thành được trạm y tế lưu động để cung cấp dịch vụ y tế cho người dân ngay từ cơ sở, đặc biệt là các địa bàn thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, để đảm bảo cho người dân tiếp cận được dịch vụ y tế ban đầu, không chỉ y tế cho phòng chống dịch mà cả chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân;...

Chúng ta đã chịu một "cú sốc" lớn nhưng không rơi vào hỗn loạn

Cần kỷ luật lãnh đạo địa phương ban hành vượt khung quy định của Trung ương - 3

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Nhật Bắc).

Tại cuộc tọa đàm, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện UBTVQH, Đại biểu Quốc hội khóa XIV - đánh giá, nếu không có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, không có sự tuân thủ một cách nghiêm túc và đặc biệt là sự hợp tác, đồng thuận của người dân trong thời gian vừa qua thì có lẽ công cuộc phòng chống dịch bệnh và duy trì sinh hoạt xã hội và sản xuất của chúng ta chắc chắn sẽ không đạt được kết quả như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, quá trình chống dịch quá lâu dẫn đến một số người dân, nhất là đối tượng nông thôn về đô thị kiếm công ăn việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta có rất nhiều vấn đề chưa dự báo hết tình hình, thậm chí còn lúng túng, trong đó có việc tập hợp và phân bổ các nguồn lực, kể cả nguồn lực phục vụ cho phòng, chống dịch cũng như nguồn lực phục vụ cho đời sống của người dân. Trung ương đã có chỉ đạo nhưng các địa phương cũng không dự liệu được hết, dẫn đến lúng túng.

Ông Nhưỡng nói thêm, hệ thống y tế chưa dự phòng, dự liệu đến trường hợp dịch càn quét quá nặng nề như giai đoạn này, chúng ta đã bị động. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng có cách làm sáng tạo, Trung ương cũng quyết liệt cho nên chúng ta đã có các Chỉ thị 15, 16 và 19. Chúng ta cũng có 2 Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết 105 và Nghị quyết 116. Hai Nghị quyết vô cùng quý giá và chúng ta cũng thực hiện nhiều biện pháp khác như nghiên cứu sản xuất vaccine, ngoại giao vaccine… Trong nỗ lực chung, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề cập đến vấn đề vaccine và công nghệ sản xuất vaccine trong cuộc gặp với các phái đoàn để chúng ta có vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể.

"Chúng ta đã chịu đựng một cú sốc lớn nhưng đã không chấp nhận đóng băng toàn bộ hoạt động xã hội, vì nếu chúng ta để mạch máu giao thông đứt gãy tức là cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và sẽ chết, chúng ta rất may không rơi vào tình trạng đó, không rơi vào tình trạng hỗn loạn, đây là vấn đề rất tốt đối với khía cạnh quản lý xã hội", ông Nhưỡng nói.

Đề cập đến vấn đề ngăn chặn các địa phương cát cứ, mỗi nơi thực hiện một kiểu, cần phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, ông Nhưỡng đề nghị: Trường hợp các bộ ngành địa phương làm trái quy định, hoặc ban hành các quy định vượt khung Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, cần phải xem xét kỷ luật như đình chỉ, cách chức lãnh đạo không tuân thủ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới không nghe. 

Nguyễn Dương

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/can-ky-luat-lanh-dao-dia-phuong-ban-hanh-vuot-khung-quy-dinh-cua-trung-uong-120472.html