Loạt ôtô hưởng lợi khi được giảm 50% phí trước bạ

Chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp nhiều dòng ôtô sản xuất trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ và gia tăng doanh số.

Bắt đầu từ ngày 1/12 tới đây, các dòng ôtô, sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) sẽ được áp dụng mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu hiện hành, tức giảm 3-6% giá niêm yết tùy theo dòng xe và địa phương đăng ký.

Điều này sẽ giúp các mẫu xe CKD tăng sức hút với khách hàng và thêm phần cạnh tranh với những dòng xe nhập khẩu (CBU) ở cùng tầm tiền. Loạt phân khúc dự kiến có sự áp đảo từ ôtô được lắp ráp trong nước có thể kể đến SUV đô thị, bán tải, SUV 7 chỗ và nhóm xe sang tầm 2-3 tỷ đồng.

Còn lại, nhóm ôtô cỡ nhỏ, sedan hạng B, MPV 7 chỗ hay SUV tầm 1 tỷ đồng khó có sự đột phá khi hầu hết dòng xe bán chạy có cùng xuất xứ.

Kia Seltos nới rộng khoảng cách với Toyota Corolla Cross

Trong tháng đầu tiên của quý IV, Toyota Corolla Cross vươn lên dẫn đầu nhóm SUV đô thị khi bán được hơn 2.400 xe, còn Kia Seltos với doanh số 1.812 chiếc đứng thứ 2. Dù vậy, mẫu xe Hàn Quốc vẫn đang là cái tên bán tốt nhất phân khúc với doanh số cộng dồn sau 10 tháng đạt 11.820 xe, tạm thời dẫn trước Corolla Cross (10.599 xe).

Với việc sắp có được ưu thế kép, vừa có giá bán cạnh tranh hơn (629-739 triệu đồng) vừa được hưởng ưu đãi trước bạ 31-44 triệu đồng, Seltos sẽ có thêm cơ sở để nới rộng khoảng cách với Corolla Cross. Mẫu SUV Nhật Bản được nhập khẩu từ Thái Lan và có mức giá thuộc diện cao nhất phân khúc (720-910 triệu đồng).

giam 50% phi truoc ba anh 1

Kia Seltos là dòng SUV 5 chỗ bán tốt nhất tại Việt Nam tính đến hết tháng 10. Ảnh: Kia.

Ngoài Seltos, một vài mẫu xe gầm cao hạng B cũng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi phí trước bạ có thể kể đến Ford EcoSport (603-686 triệu đồng), Hyundai Kona (636-750 triệu đồng) hay Peugeot 2008 (759-849 triệu đồng).

Trong khi đó, các mẫu SUV nhập khẩu có doanh số không quá cao của Mazda và Honda đã chủ động “đón đầu” việc các đối thủ CKD được ưu đãi bằng chương trình tặng 100% lệ phí trước bạ cho khách hàng trong tháng 11 này.

Đó là Mazda CX-3 (649-729 triệu đồng) và Mazda CX-30 (849-909 triệu đồng) với giảm dao động 63-90 triệu đồng, Honda HR-V (786-871 triệu đồng) được ưu đãi từ 80 triệu đồng.

Ford Ranger thêm lợi thế trước Toyota Hilux và Mitsubishi Triton

Khi chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp trong nước hồi giữa năm nay, Ford Ranger giữ nguyên mức giá cao nhất phân khúc bán tải, 616-925 triệu đồng. Tuy vậy, điều này không ảnh hưởng đến phong độ của Ranger và mẫu bán tải Mỹ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu phân khúc trong các tháng qua.

Và chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ trong 6 tháng tiếp theo có giúp Ranger tạo thêm lợi thế khi tất cả đối thủ đều là xe nhập khẩu. Danh sách gồm có Toyota Hilux (628-913 triệu đồng), Mitsubishi Triton (630-885 triệu đồng), Nissan Navara (748-945 triệu đồng), Mazda BT-50 (659-849 triệu đồng) và Isuzu D-max (630-850 triệu đồng).

giam 50% phi truoc ba anh 2

Ford Ranger gặp tình trạng khan hàng trong tháng 11 vì thiếu linh kiện sản xuất. Ảnh: Toàn Thiện.

Trong tháng 11 này, Ford Ranger có phần chững lại khi người dùng muốn chờ đợi sang tháng cuối năm để được hưởng ưu đãi phí trước bạ, kết hợp cùng với việc thiếu linh kiện sản xuất khiến mẫu pickup này rơi vào tình trạng khan hàng ở một vài tỉnh thành.

Thế hệ mới của Ford Ranger vừa ra mắt toàn cầu nhưng nhiều khả năng phải đến cuối năm sau xe mới được đưa về Việt Nam. Trong thời gian đó, khách hàng trong nước có lẽ vẫn sẽ chọn Ranger với mức giảm 18-33 triệu đồng phí đăng ký. Còn các hãng xe Nhật Bản sẽ phải khuyến mại để cạnh tranh được với Ranger trong thời gian tới.

Tính đến hết tháng 10, Ford Ranger tích lũy được doanh số 12.359 xe, bỏ xa Toyota Hilux (3.406 xe), Mitsubishi Triton (2.297 xe), Mazda BT-50 (1.033 xe) và Isuzu D-max (129 xe). Riêng Nissan Navara không được công bố kết quả bán hàng.

Toyota Fortuner tăng sức ép lên Ford Everest

Sau vài tháng gặp khó khăn, Toyota Fortuner đang dần hồi phục ở giai đoạn cuối năm và trở lại dẫn đầu nhóm SUV 7 chỗ tầm 1-1,4 tỷ đồng. Trong tháng 10, Fortuner có doanh số 577 xe, tốt hơn Ford Everest (469 xe) và Mitsubishi Pajero Sport (113 xe).

Còn xét đến kết quả dài hạn, mẫu xe của Toyota cũng đang dẫn đầu với lượng xe tiêu thụ tổng cộng gần 4.170 chiếc, còn con số tương ứng của Everest và Pajero Sport lần lượt là 4.020 xe và 1.335 xe.

giam 50% phi truoc ba anh 3

Các model Toyota Fortuner máy dầu được giảm trước bạ khi là xe CKD. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Với việc cả 2 model của Ford và Mitsubishi đều được nhập khẩu, Toyota có thể "an tâm" vào khả năng cạnh tranh khi 5/7 phiên bản Fortuner là xe CKD và sẽ được nhận mức giảm lệ phí trước bạ 50-85 triệu đồng từ đầu tháng 12 đến hết tháng 5/2022.

Hiện tại, mức giá của Toyota Fortuner máy dầu 2.4 và 2.8 lắp ráp trong nước dao động từ 995 triệu đến 1,426 tỷ đồng. Trong khi đó, Ford Everest có giá 1,112-1,406 tỷ đồng và 2 phiên bản Mitsubishi Pajero Sport có giá 1,11-1,345 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Toyota nếu muốn cải thiện mạnh mẽ tình hình của Fortuner thì sẽ cần thêm nhiều chính sách kích cầu khi mà các dòng xe gầm cao Hàn Quốc như Hyundai Santa Fe (1,03-1,34 tỷ đồng) và Kia Sorento (1,079-1,349 tỷ đồng) cũng nằm trong diện ưu đãi phí trước bạ.

Mercedes-Benz chiếm ưu thế trong nhóm xe sang

Ngoại trừ S-Class thế hệ mới đã chuyển sang phân phối theo diện nhập khẩu, các dòng xe chủ lực của Mercedes-Benz Việt Nam hiện vẫn được lắp ráp trong nước và giúp thương hiệu ngôi sao 3 cánh nắm giữ lợi thế lớn trước các hãng xe sang khác, vốn chỉ có sản phẩm CBU.

Hai dòng sedan C-Class (1,5-1,97 tỷ đồng) cùng E-Class (2,05-2,95 tỷ đồng) vừa có bán cạnh tranh hơn đối thủ, vừa được giảm lệ phí đăng ký 75-177 triệu đồng. Điều này sẽ khiến các dòng xe của BMW, Audi Jaguar, Lexus hay Volvo sắp tới gặp nhiều bất lợi.

Trong khi đó, Mercedes GLC-Class (1,8-2,5 tỷ đồng) khi nhận được mức ưu đãi trước bạ 90-150 triệu đồng sẽ có thêm cơ hội để củng cố vị trí dòng SUV 5 chỗ hạng sang phổ biến nhất tại Việt Nam, xếp trên các mẫu xe cùng hạng như BMW X3, Audi Q5 hay Volvo XC60.

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/loat-oto-huong-loi-khi-duoc-giam-50-phi-truoc-ba-126175.html