Chuyên gia nước ngoài lý giải điểm bất thường ở bão Noru

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru (bão số 4), tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Siêu bão Noru cách đất liền nước ta 270km 

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 1h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 13h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 4.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: Vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Sự kiện - Chuyên gia nước ngoài lý giải điểm bất thường ở bão Noru

Bão Noru mạnh nhất trong 20 năm qua, có thể tiếp tục tăng cấp. Ảnh: TTKTTVQG.

Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.

Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,2-1,7m (Quảng Bình: 1,2m; Quảng Trị: 1,3m; Huế: 1,5m; Đà Nẵng:1,7m; Quảng Nam: 1,5m; Quảng Ngãi: 1,0m); mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 1,5-2,5m (Quảng Bình: 1,6m; Quảng Trị: 2,0m; Huế: 1,8m; Đà Nẵng: 2,5m; Quảng Nam: 2,5m; Quảng Ngãi: 1,5m); nguy cơ cao ngập tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Cảnh báo mưa lớn: Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất, ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Chuyên gia ngước ngoài lý giải điểm bất thường ở bão Noru

Thông tin trên Zing, chuyên gia thời tiết Ana Clauren, Cục Quản lý Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA), cho biết trong khí tượng học, thời kỳ bão nhiệt đới mạnh lên nhanh chóng xảy ra khi sức gió duy trì tối đa của bão tăng hơn 65 km/h trong vòng 24 giờ, theo Inquirer.

Trong trường hợp của bão Noru, mức tăng của sức gió duy trì tối đa là 90 km/h trong 24 giờ.

“Việc bão nhiệt đới nhanh chóng mạnh lên hiếm khi xảy ra, nhưng đây không phải là lần đầu tiên điều đó xảy ra”, bà Claren nhận định.

“Nó thường xảy ra khi một cơn bão nhiệt đới sắp đổ bộ vào đất liền và điều kiện môi trường thuận lợi cho chúng hoạt động mạnh hơn nữa”, bà nói thêm.

Chiều 25/9, siêu bão Noru lần đầu tiên đổ bộ vào khu vực Burdeos (tỉnh Quezon), sau đó là Dingalan (tỉnh Aurora) của Philippines, gây thiệt hại lớn ở hai tỉnh này và các khu vực lân cận.

Trước đó, tháng 10/2020, siêu bão Rolly cũng đã mạnh lên nhanh chóng, bà Claren cho biết.

Bà Claren giải thích rằng có nhiều khả năng bão mạnh hơn khi nhiệt độ bề mặt biển cao. Theo bà, khi nhiệt độ bề mặt biển cao, bão càng nhận được nhiều năng lượng, và đó là lý do nó mạnh lên nhanh chóng.

Một lý do khác là gió đứt chiều dọc khi hoàn lưu của bão chỉ ở một khu vực, bà nói thêm.

Sự kiện - Chuyên gia nước ngoài lý giải điểm bất thường ở bão Noru (Hình 2).

Nhiều khu vực ở Philippines bị ngập lụt sau bão Noru. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, người phát ngôn của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Philippines (NDRRMC) Raffy Alejandro cho biết, bão Noru đã khiến 8 người thiệt mạng ở nước này.

Các nhà chức trách Philippines hôm 25/9 gấp rút phân phát viện trợ cho hàng nghìn người sơ tán sau khi bão Noru đổ bộ vào thủ đô và các tỉnh miền Bắc, khiến nhiều khu vực bị ngập lụt.

Trước tình dình diễn biến phức tạp của bão Noru, Tổng thống Ferdinand Marcos đã ra lệnh cung cấp vật tư bằng máy bay và cung cấp thiết bị dọn dẹp cho các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo Reuters.

Siêu bão Noru ghi nhận mức gió 170 km/h, gây ra lũ lụt, mất điện và khiến 6 người thiệt mạng. Hàng nghìn người ở Philippines sống trên đường bão qua đã phải đi sơ tán.

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/chuyen-gia-nuoc-ngoai-ly-giai-diem-bat-thuong-o-bao-noru-167448.html