Căn hộ triệu USD trở thành 'nỗi đau' của doanh nghiệp

Hai nhà phát triển địa ốc Trung Quốc đã chi tới hơn 881 triệu USD để mua đất xây dựng dự án. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng, họ chỉ bán được vỏn vẹn 3 căn hộ.

Dự án Corniche được xây dựng tại Hong Kong và định vị ở phân khúc cao cấp. Ảnh: Bloomberg.

Dự án Corniche (Hong Kong) từng được cho là “gà đẻ trứng vàng” cho hai nhà phát triển bất động sản Logan Group và KWG Group với doanh thu dự kiến lên tới 3,8 tỷ USD, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, dự án lại trở thành minh chứng cho sự tuột dốc của hai doanh nghiệp này. Theo Centaline Property Agency, Corniche có tổng cộng 295 căn hộ mở bán. Tuy nhiên, chỉ có 3 căn được giao dịch thành công, tính đến ngày 22/5.

Điều đáng nói là Logan và KWG trước đó đã chi số tiền cao kỷ lục, lên tới 881 triệu USD, để mua khu đất phát triển dự án. Khi đó, họ lên kế hoạch xây dựng những căn hộ cao cấp có diện tích khoảng 124-894 m2 để phục vụ riêng cho giới siêu giàu xứ Trung.

Tuy nhiên, tình hình trở nên xấu đi khi giới chức Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc cho vay quá mức, cùng với đó là lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Các yếu tố trên đã khiến thị trường bất động sản rơi vào thế “đóng băng” và nhiều doanh nghiệp địa ốc chịu cảnh vỡ nợ.

Tại Hong Kong, thị trường bất động sản cũng trầm lắng không kém do các vấn đề bất ổn chính trị, những cuộc biểu tình và lệnh hạn chế đi lại.

Giữa thời điểm đầy biến cố đó, các sản phẩm tại Corniche trở nên quá đắt đỏ. Kể từ khi bắt đầu mở bán vào tháng 1, giá của 3 căn hộ đã được bán dao động từ 20,9 triệu USD đến 23,6 triệu USD. Mức giá này cao hơn gần 79% so với các căn hộ hạng sang tại Hong Kong.

Không chỉ vậy, cả hai doanh nghiệp trên cũng đang chìm trong nợ nần. Hiện các khoản vay quốc tế của Logan lên tới hơn 6 tỷ USD. Trong khi đó, KWG cũng đang phải gánh nợ từ lô trái phiếu nước ngoài trị giá 4 tỷ USD. Trong trường hợp xấu nhất, Corniche có thể sẽ trở thành tài sản được các chủ nợ nhắm đến.

Nhiều ngân hàng lớn đang là chủ nợ của họ, bao gồm HSBC, Standard Chartered và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc. Những đơn vị này đã cung cấp khoản vay lên tới 1,3 tỷ USD để phục vụ cho việc xây dựng dự án.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/can-ho-trieu-usd-tro-thanh-noi-dau-cua-doanh-nghiep-189522.html