Vì sao cổ phiếu của Thế Giới Di Động được săn đón trở lại?

Nhà đầu tư nước ngoài đang ra sức gom cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động suốt 5 tháng qua, từ đó lấp gần kín room ngoại với tỷ lệ lên đến 48,92%.

Cổ phiếu MWG của CTCP Thế Giới Di Động đang trở thành biểu tượng cho hiệu ứng hồi sinh trên sàn HoSE. Kể từ thời điểm tạo đáy dài hạn quanh vùng 35.000 đồng/đơn vị vào đầu tháng 11 năm ngoái, mã chứng khoán đại diện cho ông lớn ngành bán lẻ đã tăng khoảng 75% và vượt qua mốc 61.000 đồng tính đến nay.

Trong tháng 4, giai đoạn VN-Index chứng kiến nhịp điều chỉnh hơn 100 điểm và gần như đánh mất mọi thành quả đạt được từ đầu năm, cổ phiếu MWG khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ khi đi ngược thị trường, tăng 6,8%. Sau gần 7 tháng leo dốc bền bỉ, vốn hóa của Thế Giới Di Động đã tăng hơn 34.000 tỷ đồng lên sát 89.000 tỷ đồng.

Được săn lùng trở lại

Đà tăng của cổ phiếu MWG có sự hỗ trợ không nhỏ của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong vài tháng trở lại đây, mã chứng khoán này liên tục dẫn đầu danh mục mua vào của khối ngoại.

Theo dữ liệu từ FiinTrade, tính từ đầu năm, khối ngoại đã gom ròng hơn 3.400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu MWG, cao hơn bất cứ cổ phiếu nào nếu xét về quy mô. Trong danh mục tích lũy của khối ngoại, cổ phiếu MWG cũng là một trong những mã đem lại hiệu suất đầu tư tối ưu nhất với tỷ lệ tăng trưởng trên 39%.

Điển hình hồi đầu tháng 5, 7 quỹ thành viên thuộc Dragon Capital đã hoàn tất mua vào tổng cộng gần 8 triệu cổ phiếu MWG. Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital tăng sở hữu tại MWG lên mức 7,46% vốn, tương ứng lượng cổ phiếu nắm giữ hơn 109 triệu đơn vị.

Tạm tính theo thị giá đóng cửa trong ngày diễn ra giao dịch, nhóm này dự kiến đã chi ra khoảng 446 tỷ đồng để gom lượng cổ phiếu trên. Nếu vẫn nắm giữ đến phiên 20/5, nhóm quỹ Dragon Capital có thể lãi khoảng 8,4%, tương đương hơn 37 tỷ đồng.

co phieu mwg,  khoi ngoai gom mwg anh 1

Cổ phiếu MWG được khối ngoại gom hơn 3.400 tỷ đồng kể từ đầu năm. Ảnh: TradingView.

Theo thống kê Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 20/5, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại Thế Giới Di Động đã chiếm tới 48,92%. Điều này đồng nghĩa room ngoại gần như được lấp đầy và chỉ còn hơn 1,1 triệu cổ phiếu có thể mua thêm.

Diễn biến này phần nào phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài trước tương lai của MWG bất chấp việc mã chứng khoán bị loại khỏi danh mục VNDiamond kỳ quý II/2024 do không thỏa mãn yêu cầu về hệ số P/E.

So với cuối năm ngoái, tình thế của MWG đã xoay chuyển hoàn toàn. Trong nhiều năm, MWG luôn nằm trong danh mục cổ phiếu được các nhà đầu tư ngoại ưu ái, room ngoại cũng thường xuyên ở trạng thái kín chỗ. Để "săn" được cổ phiếu MWG, một số quỹ thậm chí từng chấp nhận trả mức giá chênh lệch (premium) lên đến 45% so với thị giá.

Tuy nhiên, việc hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động lao dốc khiến các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi khẩu vị và tạo ra làn sóng thoái vốn lớn chưa từng thấy.

Riêng trong năm ngoái, dòng tiền ngoại đã rút ròng gần 3.300 tỷ đồng khỏi nhà bán lẻ này. Room ngoại của doanh nghiệp cũng vì thế mà hở ra gần 5% xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.

Từng nhiều lần khẳng định nhu cầu đầu tư dài hạn và không có tư duy lướt sóng, song Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore), cũng có động thái bán hàng chục triệu cổ phiếu MWG với mục đích tái cơ cấu đầu tư.

Hay với nhóm quỹ Dragon Capital, trước khi thực hiện giao dịch kể trên, cũng đã bán ra hơn 4,1 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu của nhóm xuống còn 101 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng 6,9% vốn điều lệ.

Bay cao nhờ nhẹ gánh

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh khởi sắc của Thế Giới Di Động với các đợt tái cấu trúc thời gian gần đây là lý do thúc đẩy sự phục hồi của MWG lẫn tâm lý tích cực của nhà đầu tư nước ngoài.

Năm ngoái, ông lớn ngành bán lẻ rơi vào thế khó khi doanh thu hợp nhất chỉ đạt 118.000 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2022 và mới hoàn thành 88% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế cũng bốc hơi 96% và thu hẹp xuống còn 170 tỷ đồng, mức thấp nhất kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

Trước nhu cầu yếu và tâm lý tiêu dùng tiết kiệm, nguồn thu từ 2 trụ cột là Thegioididong.com (bao gồm cả Topzone) và Điện Máy Xanh đều đi sụt giảm, buộc hệ thống phải đóng cửa tổng cộng 206 cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng nói lời tạm biệt với 10.000 nhân viên.

"Năm 2023 vừa qua, thị trường đã thay đổi nhanh chóng và Thế Giới Di Động nhận ra sự thay đổi rất chậm chạp. Hết quý I/2023, doanh nghiệp mới nhận ra sức mua trên thị trường sụt giảm mạnh và không quay trở lại", ông Tài thừa nhận với nhà đầu tư hồi đầu năm.

TÌNH HÌNH KINH DOANH CỦA THẾ GIỚI DI ĐỘNG ĐANG CÓ TÍN HIỆU CẢI THIỆN
KQKD các quý gần đây của TGDĐ. Nguồn: BCTC DN.
NhãnQuý I/2022IIIIIIVQuý I/2023IIIIIIVQuý I/2024
Doanh thu thuần tỷ đồng 364673433832012305882710629465302883142131486
Lợi nhuận sau thuế
1445113190761921173990903

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo công ty lại tỏ ra lạc quan khi trình kế hoạch doanh thu thuần 125.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và gấp hơn 14 lần thực hiện năm 2023. Theo lý giải, động lực chính cho kế hoạch chủ yếu đến từ xu hướng hồi phục của thị trường tiêu dùng và hoạt động tái cấu trúc.

Quý I vừa rồi, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động cải thiện rõ rệt với 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 25% kế hoạch cả năm. Doanh nghiệp đồng thời báo lãi ròng 902 tỷ đồng, cao gấp 43 lần cùng kỳ và cũng là mức cao nhất trong vòng 6 quý qua.

Trong 2-3 năm tới, chúng tôi không có kế hoạch mở thêm cửa hàng, thậm chí cửa hàng kém hiệu quả thì có thể bỏ bớt, đó là động lực tăng lợi nhuận vài năm tới.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thegioididong.com

Mới đây, Thế Giới Di Động cũng hoàn tất giao dịch bán 5% vốn tại CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh cho CDH Investments, một nhà đầu tư tổ chức đến từ Trung Quốc.

Thông qua báo cáo tài chính quý I, thương vụ này được xác định có giá trị 1.773 tỷ đồng. Như vậy, định giá của công ty vận hành chuỗi Bách Hóa Xanh theo giá chào bán cho đối tác ước tính khoảng 35.500 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ USD.

Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, tức sau 8 năm thành lập, chuỗi siêu thị này mới đạt mục tiêu hòa vốn. Năm ngoái, Bách Hóa Xanh lỗ năm thứ 8 liên tiếp với giá trị 1.211 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế từ khi thành lập lên gần 8.606 tỷ đồng.

Năm nay, Bách Hóa Xanh dự kiến đóng góp khoảng 30% doanh thu cho MWG, tăng trưởng doanh thu 2 chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu có lợi nhuận. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng dự kiến đạt khoảng 2 tỷ đồng.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/vi-sao-co-phieu-cua-the-gioi-di-dong-duoc-san-don-tro-lai-211915.html