2 lần đặt cược đúng giúp vươn tới con số 3 nghìn tỷ USD: Câu chuyện ít biết về những ‘canh bạc thất bại’ của CEO Satya Nadella giúp tăng gấp 10 lần giá trị cho Microsoft

Ít ai biết rằng từ năm 2017, CEO Satya Nadella đã tuyên bố tập trung đầu tư cho AI, máy tính lượng tử và vũ trụ ảo. Thế nhưng trong khi 2 mảng còn lại thất bại với hàng tỷ USD đầu tư thì sự thành công của AI đã đem về hàng nghìn tỷ USD lợi ích cho Microsoft.

Nhờ sự thành công của ChatGPT mà Microsoft đã đạt tổng mức vốn hóa trên 3 nghìn tỷ USD, đồng thời kích động một cuộc chạy đua trong mảng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI).

Tuy nhiên ít ai biết được rằng để đi đến thành công như vậy là nhờ những lần đặt cược đúng của CEO Satya Nadella. Vị thuyền trưởng nhà Microsoft này luôn biết cách "đánh hơi" được những cơ hội trong ngành công nghệ khi rải hàng tỷ USD cho hàng loạt dự án.

Dù rất nhiều trong số đó thất bại nhưng chỉ với 2 lần thành công, CEO Satya Nadella đã giúp tổng giá trị Microsoft tăng gấp 10 lần kể từ khi lên nắm quyền.

Dọn rác cho người tiền nhiệm

Khi CEO Nadella lên nắm quyền tại Microsoft vào năm 2014, tập đoàn này đang gặp khó khăn. Dưới thời của người tiền nhiệm Steve Ballmer, công ty đã bỏ lỡ cuộc cách mạng smartphone và để Apple vượt mặt, tụt hậu trong mảng máy tính bảng và thậm chí còn đánh mất thị phần trong lĩnh vực kinh doanh hệ điều hành PC mang tính biểu tượng của hãng.

2 lần đặt cược đúng giúp vươn tới con số 3 nghìn tỷ USD: Câu chuyện ít biết về những ‘canh bạc thất bại’ của CEO Satya Nadella giúp tăng gấp 10 lần giá trị cho Microsoft- Ảnh 1.

Sự chậm đổi mới, sống dựa vào thành công từ thời nhà sáng lập Bill Gates đã khiến các lãnh đạo Microsoft thời đó coi thường Apple khi ra mắt iPhone năm 2007, coi đó là thứ điện thoại bỏ đi với mức giá quá cao.

Hậu quả là cổ phiếu Microsoft đã giảm hơn 40% trong nhiệm kỳ của Ballmer.

Vậy là khi lên nắm quyền, CEO Nadella phải "dọn rác" cho người tiền nhiệm với mớ hỗn độn để lại. May mắn thay, sự nhạy bén của vị giám đốc này đã giúp Microsoft bắt kịp 2 cuộc cách mạng công nghệ, một là kỷ nguyên điện toán đám mây và giờ đây là AI.

Những lần đặt cược mạo hiểm nhưng hiệu quả của Nadella đã giúp Microsoft ở vị thế được cho là mạnh mẽ nhất kể từ khi thống trị mảng PC thập niên 1990 đến nay.

Tuy nhiên theo tờ Fortune, rủi ro với Microsoft vẫn còn rất lớn khi hãng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ nhằm giữ được vị thế dẫn đầu mảng AI. Tiềm lực của Google, Apple và Facebook đều rất mạnh và chỉ một bước đi sai lầm cũng có thể khiến Microsoft rơi vào thế khó.

Đó là chưa kể đến việc sự quan liêu của một tập đoàn lớn, tương tự như những gì diễn ra dưới thời người tiền nhiệm Ballmer khi bộ máy cồng kềnh cản trở sự đổi mới, sáng tạo và năng động cần có trong kỷ nguyên công nghệ AI bùng nổ.

Bởi vậy cách tiếp cận vấn đề cũng như phong cách lãnh đạo của Nadella rất khác so với người tiền nhiệm. Cho dù đang dẫn đầu về AI nhưng CEO của Microsoft vẫn rất cẩn trọng, lắng nghe từng thay đổi nhỏ nhất của thị trường.

2 lần đặt cược đúng giúp vươn tới con số 3 nghìn tỷ USD: Câu chuyện ít biết về những ‘canh bạc thất bại’ của CEO Satya Nadella giúp tăng gấp 10 lần giá trị cho Microsoft- Ảnh 2.

Lợi tức nắm giữ cổ phiếu Microsoft so với chỉ số bình quân Nasdaq

Ví dụ điển hình là Microsoft vẫn đang đầu tư hàng tỷ USD cho các công nghệ, dự án có thể thay thế các mô hình của OpenAI, hoặc thậm chí thay thế hoàn toàn cuộc cách mạng AI.

Trong lĩnh vực khác, sự cảnh giác cao độ như vậy có vẻ là quá mức cần thiết, thậm chí là hoang tưởng. Thế nhưng CEO Nadella cũng như nhiều người trong ngành đều biết việc chậm chân trong mảng công nghệ có thể khiến bạn đi sau, như những gì đang diễn ra với Google trên thị trường AI.

Làm tốt việc của mình

Tờ Fortune nhận định Microsoft đang đi đúng hướng khi tập trung vào mảng điện toán đám mây rồi chuyển đổi sang cuộc cách mạng AI, tạo nên sự đảm bảo cho thành công tương lai.

Nếu AI tăng năng suất toàn nền kinh tế, điều mà hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng có khả năng xảy ra, thì tăng trưởng GDP toàn cầu cũng sẽ tăng tốc và tác động ngược lại những tập đoàn công nghệ đang dẫn đầu mảng này như Microsoft.

Hiện ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức 3%, Microsoft vẫn có tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số, qua đó cho thấy tương lai sáng sủa của đế chế này dưới thời CEO Nadella.

Điều này giải thích tại sao các nhà đầu tư lại đổ tiền mua vào cổ phiếu này vì chúng như một ván cược không thể thua. Giá cổ phiếu Microsoft đã tăng 11 lần dưới thời Nadella.

2 lần đặt cược đúng giúp vươn tới con số 3 nghìn tỷ USD: Câu chuyện ít biết về những ‘canh bạc thất bại’ của CEO Satya Nadella giúp tăng gấp 10 lần giá trị cho Microsoft- Ảnh 3.

"Triển vọng tăng trưởng của Microsoft là khá rõ ràng. Chỉ cần làm tốt công việc của chúng ta", CEO Nadella cho hay.

Tất nhiên việc "chỉ làm tốt công việc của mình" không hề đơn giản như vậy.

Dù có nguồn lực tài chính lớn thì Microsoft cũng đã từng bỏ lỡ smartphone và rơi vào khoảng thời gian khó khăn suốt gần 10 năm.

Thậm chí vào năm 2017, CEO Satya Nadella đã tuyên bố tập trung đầu tư cho AI, máy tính lượng tử và vũ trụ ảo, tuy nhiên chỉ có duy nhất AI là thành công với ChatGPT.

Trên thực tế, CEO Nadella đã đổ hàng tỷ USD vào kính thực tế ảo HoloLens để rồi phải sa thải hàng loạt các nhóm nghiên cứu của mảng này vào đầu năm 2023.

Công ty cũng đã đầu tư 1 tỷ USD cho dự án phát triển máy tính lượng tử nhưng cho đến nay vẫn chưa tạo ra được sản phẩm khả thi cho thương mại. Hiện Microsoft đã quay trở lại hợp tác với Quantinuum trong mảng dịch vụ lượng tử thay vì tự phát triển như trước.

Trả lời Fortune, chính CEO Nadella cũng thừa nhận nỗi sợ bỏ lỡ những cuộc cách mạng công nghệ như người tiền nhiệm từng làm đã khiến ông mất ngủ hàng đêm.

"Bạn chẳng có quyền tồn tại nếu không liên quan đến những xu thế mới", vị CEO của Microsoft thừa nhận.

Đây được cho là nguyên nhân chính khi Microsoft chi 26 tỷ USD mua lại LinkedIn vào năm 2016. Hai năm sau, hãng mua lại GitHub với giá 7,5 tỷ USD.

Mới đây nhất, tập đoàn này chi 75 tỷ USD mua lại gã khổng lồ Activision Blizzard trong mảng trò chơi điện tử.

2 lần đặt cược đúng giúp vươn tới con số 3 nghìn tỷ USD: Câu chuyện ít biết về những ‘canh bạc thất bại’ của CEO Satya Nadella giúp tăng gấp 10 lần giá trị cho Microsoft- Ảnh 4.

Canh bạc AI

Năm 2019, kỹ sư kỳ cựu Kevin Scott của LinkedIn lo ngại rằng Microsoft không đủ tiến bộ trong lĩnh vực AI và đề nghị thay đổi. Việc tập đoàn này chi hàng trăm triệu USD suốt 10 năm mà không tạo được đột phá như các phòng thí nghiệm DeepMind và Google Brain của Alphabet (Google) tạo ra khiến CEO Nadella cũng đồng tình với quan điểm này.

Bởi vậy Nadella đã bật đèn xanh cho Scott tìm kiếm các startup mà Microsoft có thể đầu tư hợp tác trong cuộc đua AI.

Vậy là sao khi OpenAI được chọn, Microsoft đã đổ 13 tỷ USD vào startup này, thực hiện một sự hợp tác thành công rực rỡ. Mảng điện toán đám mây của hãng nhờ tích hợp AI mà thu hút thêm người dùng, trong khi OpenAI tận dụng được tài nguyên, nguồn vốn từ chính Microsoft.

Quý I/2024, khoảng 31% tăng trưởng doanh thu của Azure, mảng điện toán đám mây của Microsoft, là nhờ AI.

Tuy nhiên sự phụ thuộc của Microsoft vào OpenAI cũng khiến nhiều người lo lắng khi startup này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về cơ cấu quản trị cũng như tầm nhìn của các nhà khởi nghiệp.

Bởi vậy CEO Nadella không hề "để hết trứng vào một rỏ". Vị giám đốc nhà Microsoft này còn đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án khác nhau, ví dụ như đổ 1,5 tỷ USD cho G42, một dự án phát triển mô hình ngôn ngữ lớn LLM.

Theo Fortune, thái độ bất chấp mọi giá, đặt cược vào nhiều dự án rủi ro để bắt kịp xu thế mới này khiến Microsoft trở thành một đối thủ đáng gờm. Đây có lẽ là lý do khiến Google hay Facebook phải "ngậm đắng nuốt cay" khi là bên có những đột phá trước về AI nhưng lại thành kẻ đi sau trên thị trường.

*Nguồn: Fortune

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/2-lan-dat-cuoc-dung-giup-vuon-toi-con-so-3-nghin-ty-usd-cau-chuyen-it-biet-ve-nhung-canh-bac-that-bai-cua-ceo-satya-nadella-giup-tang-gap-10-lan-gia-tri-cho-microsoft-212283.html