Chi phí vận chuyển bào mòn kỷ lục doanh thu của Sao Ta

Dù ghi nhận đỉnh doanh thu vào quý III/2024 nhưng Sao Ta vẫn chỉ báo lãi tăng nhẹ 6% lên gần 95 tỷ đồng do sức ép chi phí.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Theo đó, doanh thu thuần của công ty trong quý đạt 2.845 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý ghi nhận mức doanh thu kỷ lục của Thực phẩm Sao Ta. 

Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của công ty tăng 66%, lên 307 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sao Ta được biết đến là doanh nghiệp chú trọng chính sách "thắt lưng buộc bụng", nên dù trong hoàn cảnh toàn ngành thủy sản khó khăn, công ty vẫn có lãi tăng trưởng nhờ tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, quý III/2024 năm nay lại ngược lại.

Tôm nguyên liệu có khả năng thiếu cục bộ trong các tháng cuối năm

Cụ thể, các khoản chi phí đều phát sinh so với cùng kỳ. Đáng nói là chi phí bán hàng của công ty tăng tới 2,7 lần, chạm mức 168 tỷ đồng. 

Nguyên nhân chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, công ty cũng trích lập thêm khoản chi phí thuế chống trợ cấp trị giá 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Chính vì gánh nặng trên mà dù doanh thu kỷ lục, Sao Ta vẫn chỉ báo lãi tăng nhẹ 6%, lên 94,8 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 5.548 tỷ đồng, tăng 44%. Sau thuế, công ty báo lãi 235 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần là 5.187 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 320 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp thủy sản chuyên mảng tôm đã vượt mục tiêu doanh thu và hoàn thành 72% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Về tình hình tài chính của công ty, tính đến hết tháng 9/2024, tổng tài sản của Sao Ta đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu kỳ.

Trong đó, công ty ghi nhận 154 tỷ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, tăng 58%. Đây là các khoản tiền gửi của công ty tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng và hưởng lãi suất dao động từ 3% đến 4,7%.

Ngoài ra, công ty còn ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng từ 247 tỷ đồng đầu năm lên 1.025 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 4,1 lần.

Chi phí vận chuyển bào mòn kỷ lục doanh thu của Sao Ta- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu FMC.

Bên cạnh đó, công ty không còn ghi nhận khoản phải thu cho vay ngắn hạn, trong khi đầu năm ghi nhận 217 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho tại ngày 30/9/2024 của công ty đạt 774 tỷ đồng, giảm 22% so với số đầu kỳ.

Tại phần nguồn vốn, nợ phải trả của Sao Ta tính đến cuối tháng 9/2024 ở mức 1.428 tỷ đồng, tăng 27%. Chủ yếu là do khoản vay ngắn hạn của công ty tăng 29%, lên 1.069 tỷ đồng, bao gồm 4 khoản vay tại các ngân hàng trong nước.

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/chi-phi-van-chuyen-bao-mon-ky-luc-doanh-thu-cua-sao-ta-229124.html