Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa bền vững

Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhận định, động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước hơn là nhu cầu phát triển của các Ngân hàng thương mại.

Dư nợ tín dụng xanh cải thiện qua các năm

Sáng 31/10, tại Hội thảo "Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá", PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng thông tin, doanh số tín dụng xanh toàn cầu đã tăng 12 lần trong 5 năm, từ 55,9 tỷ USD vào năm 2018 lên mức 661 tỷ USD vào năm 2023.

Tại Việt Nam, khung pháp lý về thể chế liên quan đến hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh ngày càng được hoàn thiện như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030…

Ngành ngân hàng tiếp tục quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn điều chỉnh hoạt động tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững tại các TCTD và trung gian tài chính Việt Nam.

Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa bền vững- Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu tại hội thảo.

Nhìn chung, sự phát triển của tín dụng xanh đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu vốn xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua các năm, với dự án đa dạng các ngành nghề. Các sản phẩm tín dụng xanh ngày càng phong phú, đa dạng theo các chương trình khác nhau của Chính phủ.

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng đều đặn qua các năm, tăng từ gần 60.000 tỷ đồng vào năm 2018 lên hơn 340.000 tỷ đồng vào năm 2023, với mức tăng trung bình 48,91%/năm.

"Mặc dù tăng nhanh trong những năm qua, nhưng quy mô tín dụng xanh vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống, Tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh tăng từ mức 3,33% vào năm 2018 lên mức 4,5% vào cuối năm 2023, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng dư nợ", bà Hoàng Anh nhận định.

Ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu khi cho vay các dự án xanh

Nói về những hạn chế còn tồn tại với tín dụng xanh, bà Hoàng Anh cho biết, nguồn vốn xanh huy động từ thị trường cho nền kinh tế phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng xanh, đặt ra yêu cầu nguồn vốn tương đối lớn cho ngành ngân hàng.

Chương trình tín dụng xanh gặp thách thức bởi thiếu vốn xanh huy động do thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa được bền vững. Động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước hơn là nhu cầu phát triển của các Ngân hàng thương mại.

Các tài liệu như Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành vẫn chỉ mang tính tham khảo, khuyến khích chứ chưa mang tính bắt buộc.

Bà Hoàng Anh chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp, thiếu đồng bộ về tiêu chí "xanh".

Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa bền vững- Ảnh 2.

Các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp, thiếu đồng bộ về tiêu chí "xanh".

Đồng thời, nhân lực cho tín dụng xanh còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức trong thực hiện quản lý rủi ro về môi trường – xã hội. Các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là những ngành nghề rất mới ở Việt Nam nên có thể xảy ra rủi ro thị trường cao.

Đồng quan điểm với bà Hoàng Anh, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, dư nợ tín dụng xanh đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các ngân hàng đối với lĩnh vực này. Các lĩnh vực tập trung Lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Tuy nhiên, chi phí thực hiện tài chính xanh trên thực tế thường cao hơn khá nhiều so với thông thường trong khi chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia vào hoạt động tín dụng xanh và tài chính xanh

Đồng thời, ngân hàng thương mại phải đối mặt với rủi ro gia tăng nợ xấu khi cho vay các dự án xanh là khá lớn khi các dự án xanh đòi hỏi chi phí lớn trong khi chuyển đổi xanh cần thời gian hoàn vốn dài, không chắc về khả năng tạo ra dòng tiền nếu dự án không hiệu quả, gây ảnh hưởng, tạo áp lực đến hoạt động ngân hàng thương mại.

[E] Phó Chủ tịch VNBA: Tín dụng xanh phải là tín dụng ưu đãiKhông thể "vỗ tay bằng một bàn tay" nếu muốn phát triển tín dụng xanh[E] Phát triển bền vững thông qua tín dụng xanh là “cơ hội lớn”

Đưa ra khuyến nghị để khắc phục các tồn tại trên, bà Bình nhận định, cơ quan quản lý cần sớm ban hành danh mục dự án xanh. Cần bổ sung tín dụng xanh là lĩnh vực được hưởng lãi suất ngắn hạn tối đa.

Ngoài ra, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực của các bên liên quan về tín dụng xanh, trái phiếu xanh bằng cách tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin thông qua các chiến dịch truyền thông về tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Quan trọng nhất là cần hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn. Nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh thống nhất.

Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng Hoàng Anh bổ sung thêm, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.

Đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam, xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ.

Trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh, không phụ thuộc vào phương thức hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, gia hạn vay...)

Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khác: phát triển trái phiếu xanh; giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức; thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài FDI; thúc đẩy việc sử dụng báo cáo bền vững.

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/tang-truong-tin-dung-xanh-tai-viet-nam-van-chua-ben-vung-229613.html