Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng thế nào tới các ngành

(ĐTCK) Các chính sách điều hành của bà Kamala Harris có xu hướng ôn hòa hơn, duy trì hợp tác quốc tế trong khi ông Donald Trump tập trung nhiều hơn vào bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ có tác động đáng kể đến các ngành sản xuất của Việt Nam. 

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng thế nào tới các ngành

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra và dự kiến kết thúc vào đầu tháng 11/2024. Ứng viên giành chiến thắng sẽ nắm quyền 4 năm tại Nhà Trắng kể từ sau lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 20/01/2025.

Kết quả bầu cử có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu. Tổng thống và đội ngũ của họ có thể đưa ra những chính sách mới liên quan đến thuế, chi tiêu công, quy định kinh doanh và thương mại,...

Những quyết định này có thể tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động, lạm phát, diễn biến thị trường tài chính thế giới và ảnh hưởng một phần tới chính sách điều hành tại nhiều quốc gia khác.

Hai ứng viên đang tranh giành quyết liệt vị trí Tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump đại diện cho Đảng Cộng hoà và Phó Tổng thống Kamala Harris đại diện Đảng Dân chủ.

Theo đánh giá của Agriseco Research, các chính sách điều hành của bà Kamala Harris có xu hướng ôn hòa hơn, duy trì hợp tác quốc tế và ưu tiên cho tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, ông Donald Trump tập trung nhiều hơn vào bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và khuyến khích vốn đầu tư vào sản xuất nội địa.

Theo trang New York Times, dự báo tỷ lệ ông Trump chiến thắng đang tăng từ 46% hồi đầu tháng lên 48% vào ngày 30/10 và tỷ lệ chiến thắng của bà Harris giảm từ 50% xuống 49%. Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của 2 ứng cử viên Tổng thống và đưa ra 2 kịch bản ứng với mỗi ứng cử viên.

Kịch bản bà Harris đắc cử, các chính sách ôn hòa sẽ không làm thay đổi nhiều về xu hướng kinh tế Việt Nam. Các nhóm ngành xuất khẩu vẫn sẽ hưởng lợi từ xu hướng ủng hộ thương mại đa phương của ứng viên Đảng Dân chủ.

Kịch bản ông Trump đắc cử, sẽ có nhiều sự thay đổi trong đó có tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút FDI về Mỹ và Tổng thống có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ của FED sẽ tác động tới các ngành nghề và lĩnh vực tương ứng của Việt Nam: Xuất nhập khẩu, FDI, tỷ giá,....

Về xuất khẩu, Việt Nam chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của Trump. Thứ nhất, chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10 - 20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ hai, khoảng trống do các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.

Về dòng vốn đầu tư, chính sách áp thuế nhắm đến hàng hóa Trung Quốc có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trên.

Đối với các vấn đề kinh tế khác, chính sách của ông Donald Trump được đánh giá sẽ làm Mỹ tăng lạm phát trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD và nhiều hạng mục kinh tế khác trong đó bao gồm lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thay đổi.

Thực tế trong tháng 10 khi tỷ lệ dự báo ông Trump đắc cử tăng, chỉ số DXY đại diện cho sức mạnh đồng USD đã tăng gần 3,3%; giá hợp đồng tương lai vàng tăng 5,5%, liên tục lập đỉnh mới; các dự báo về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 cũng được giãn ra. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn vừa qua và tương lai sắp tới.

Nhìn chung, trong trường hợp ông Trump đắc cử, một số ngành như khu công nghiệp, dệt may, gỗ sẽ có ảnh hưởng tích cực; nhóm thuỷ sản, chất dẻo, dầu khí có mức ảnh hưởng trung lập, trong khi nhóm thép và năng lượng tái tạo sẽ kém tích cực.

Nếu bà Harris nắm quyền Tổng thống, gỗ là ngành có tác động tích cực nhất nhờ lộ trình cắt giảm lãi suất không bị gián đoạn và các chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở tạo điều kiện tiêu thụ đồ gỗ; còn lại các ngành kể trên đều ở mức trung lập.

Như vậy, trong bất kỳ kịch bản nào, ngành gỗ vẫn được hưởng lợi nhờ chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản.

Đối với sức tác động của sự kiện này lên thị trường chứng khoán, Agriseco thống kê, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 6 lần bầu cử Mỹ. Trong nửa năm sau ngày bầu cử, VN-Index tăng điểm 5/6 đợt. Bình quân hiệu suất của VN-Index sau 6 tháng cho cả 6 kỳ bầu cử Tổng thống là tăng 28,62%. Nếu bỏ qua năm 2000 khi thị trường còn sơ khai, tỷ suất bình quân là tăng 11,92%. Tuy nhiên, nhóm phân tích lưu ý do số lượng cỡ mẫu nhỏ, kết quả này chỉ mang tính tham khảo.

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/ket-qua-bau-cu-tong-thong-my-co-anh-huong-the-nao-toi-cac-nganh-229913.html