Mức thu nhập có tỷ lệ thuận với tần suất mua sắm trực tuyến lẫn kích thước giỏ hàng. Ảnh: Văn Nguyện. |
Theo báo cáo “Dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam giai đoạn 2025-2028” của công ty nghiên cứu YouNet ECI và YouNet Media, sự xuất hiện của TikTok Shop từ giữa năm 2023 cùng sự phát triển của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) đang làm thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm và mức chi cho TMĐT của người tiêu dùng.
Những yếu tố này có khả năng làm tăng dự báo tăng trưởng thị trường TMĐT Việt Nam lên mức tối đa 35% CAGR (tăng trưởng kép hàng năm) giai đoạn 2024-2028, tích cực hơn mọi dự báo trước đây.
Quy mô TMĐT Việt Nam có thể đạt gần 50 tỷ USD
Cụ thể, YouNet ECI và YouNet Media dự báo tổng giá trị giao dịch TMĐT tại Việt Nam có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD vào năm 2028 nếu thị trường nắm chắc những cơ hội tăng trưởng đang xuất hiện.
Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường tại YouNet ECI cho biết cơ sở cho dự báo tích cực này là 3 cơ hội tăng trưởng rõ rệt của ngành. Một là thu nhập của người dân Việt Nam gia tăng dẫn đến chi tiêu cho TMĐT tăng theo trong 5 năm tới. Hai là xu hướng mua sắm kết hợp giải trí kích thích tiêu dùng. Cuối cùng là sự chuyển dịch đáng kể của những ngành hàng giá trị cao từ kênh offline lên TMĐT.
Theo khảo sát, gần 63% người tiêu dùng số chốt đơn trên các sàn TMĐT ít nhất một lần mỗi tuần.
Giá trị giao dịch TMĐT Việt Nam có thể chạm mốc 50 tỷ USD vào năm 2028. Ảnh: YouNet. |
Khi phân tích nhóm người tiêu dùng này theo chiều thu nhập, nghiên cứu nhận thấy có tỷ lệ thuận rõ rệt giữa mức thu nhập với tần suất mua sắm trực tuyến và kích thước giỏ hàng của người tiêu dùng.
Đặc biệt, ở mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên, người tiêu dùng Việt Nam mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu.
Xét theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần có 53,4% thuộc gen Z và 46,6% là Millennials (thế hệ sinh năm 1981-1995). Thu nhập khác nhau dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa 2 thế hệ này về tần suất mua sắm, mức chi tiêu, danh mục sản phẩm yêu thích và cách ra quyết định khi mua sắm trực tuyến.
Phong cách mua sắm khác nhau của gen Z và Millennials
Gen Z, đại diện cho thời đại kỷ nguyên số, là nhóm dẫn đầu trong việc tạo ra và thích nghi với các xu hướng mới. Báo cáo cho thấy 51% gen Z bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trên mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới.
Các sản phẩm họ thường mua sắm trên TMĐT chủ yếu thuộc danh mục thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân, thể hiện sự quan tâm đến việc chăm sóc bản thân và tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với lối sống hiện đại.
Kết quả nghiên cứu cho biết giá trị giỏ hàng trung bình của nhóm khách hàng gen Z cho 3 ngành hàng này tới năm 2028 có thể tăng gấp 2,3 lần so với 2023, đạt 28,8 USD/giỏ hàng. Khi đó, tổng chi tiêu của gen Z trên TMĐT sẽ tăng từ 4 tỷ USD của năm 2023 lên 20,3 tỷ USD vào năm 2028.
Hiện nay, khoảng 55% gen Z thường xuyên tham khảo đánh giá từ các micro-influencers (người có 10.000-100.000 người theo dõi) có phong cách tương đồng với họ trước khi đưa ra quyết định mua hàng trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp.
Khoảng 51% gen Z bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trên mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới. Ảnh: YouNet. |
Để tiếp cận hiệu quả đối tượng gen Z, công ty nghiên cứu này khuyến nghị các doanh nghiệp hợp tác với influencers để tổ chức các buổi livestream tương tác trực tiếp, cung cấp ưu đãi độc quyền nhằm tạo trải nghiệm hấp dẫn. Việc hợp tác với micro-influencers có lối sống phù hợp cũng là một cách tiếp cận tiềm năng để thu hút và kết nối với khách hàng gen Z.
Đối với nhóm khách hàng Millennials, nhóm này có tần suất mua sắm trực tuyến nhiều hơn gen Z, khoảng 1-3 lần/tuần. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng cũng lên đến 125 USD. Ngoài các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thời trang và làm đẹp, Millennials còn chi nhiều cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.
Với nhu cầu khác biệt, Millennials cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về dịch vụ và độ tin cậy. Top 3 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua sắm của nhóm khách hàng là chính sách hoàn trả và bảo hành rõ ràng; phương thức thanh toán thuận tiện; và khả năng thỏa thuận thời gian giao hàng với người bán. Trong khi đó, giá cả và mã khuyến mãi chỉ đứng ở vị trí thứ 5 và 10.
Không giống gen Z, khách hàng Millennials thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua, kể cả trong các livestream với nhiều ưu đãi.
Do dó, trải nghiệm trước khi mua hàng suôn sẻ với chính sách hoàn trả rõ ràng, phương thức thanh toán tiện lợi và tùy chọn giao hàng linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng đúng mong đợi và thúc đẩy quyết định mua sắm của nhóm khách hàng Millennials.
Bên cạnh đó, khoảng 82% người tiêu dùng Millennials coi trọng lối sống cân bằng. Với nhóm này, đơn vị nghiên cứu khuyến nghị các thương hiệu thể thao và công nghệ giải trí cao cấp nên xây dựng các cộng đồng trực tuyến theo sở thích chung hoặc tăng tài trợ cho các cộng đồng, giải thi đấu.
Đồng thời, các giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu sống tiện nghi cho gia đình sẽ được nhóm Millennials đầu tư hơn trên kênh online, ví dụ như thiết bị gia dụng, đồ điện tử tiêu dùng.
Nếu đáp ứng được những nhu cầu đa dạng này của khách hàng Millennials, TMĐT Việt Nam có thể mở rộng tổng chi tiêu của nhóm khách hàng này từ mức 6,9 tỷ USD trong năm 2023 lên đến 29,7 tỷ USD vào năm 2028.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/nguoi-thu-nhap-tren-30-trieuthang-khong-can-khuyen-mai-de-chot-don-230335.html