Từ đối thủ thành đối tác?

Hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may không chỉ hướng tới thị trường 1 tỷ dân mà còn là giải pháp chia sẻ rủi ro để tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu từ các thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc... để đa dạng nguồn nguyên liệu, đặc biệt trước tác động của dịch COVID-19.

Mở rộng nguồn cung

Với năng lực xuất khẩu trên 40 tỷ USD/năm, ngành dệt may Việt Nam từ nhiều năm nay đã trở thành nhà cung cấp hàng dệt may lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau hai "đối thủ" Trung Quốc, Ấn Độ.

Tuy nhiên chỉ tính riêng vải, Việt Nam nhập khẩu khoảng 10,7 tỷ USD, trong đó từ Trung Quốc khoảng 60%, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước, Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 1%. Trong khi đó, Ấn Độ sở hữu nền công nghiệp dệt may lâu đời, với thế mạnh dựa trên hàng loạt các loại sợi tự nhiên như bông, đay, tơ tằm, len cho đến các loại sợi tổng hợp tổng hợp như polyester, nylon, có nền công nghệ phát triển.

Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường vải Trung Quốc khiến ngành dệt may Việt Nam gặp khó khăn suốt thời gian dài vì ảnh hưởng từ đại dịch gây nên tình trạng thiếu nguyên liệu.

Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam tìm thấy cơ hội gì từ việc hợp tác này? Bà Phạm Minh Hương, nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Trong 11 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ USD đối với bông và sợi polyeste, trong đó 62% đến từ Mỹ, 18% từ Brazil, 7% từ Ấn Độ; nhập khẩu 2 tỷ USD là sợi (yarn), trong đó 60% từ Trung Quốc, khoảng 5-6% từ Ấn Độ, còn lại là Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc và một số nước.

Chính vì vậy, ở góc độ tích cực, hợp tác với Ấn Độ sẽ mở ra cánh cửa vào thị trường hơn 1 tỷ dân và là sự bổ sung quý giá cho Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may và cũng tránh được sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Không chỉ mở rộng hợp tác với Ấn Độ, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đã kí kết thư trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc để triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Thỏa thuận này giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, xuất khẩu đi thị trường EU.

Bù đắp khoảng trống

Về phía Ấn Độ, chính phủ nước này đang áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy ngành dệt may, trong đó cho phép đầu tư 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này theo lộ trình tự động. Chính vì vậy, tháng 11/2020, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua đề án Khuyến khích Liên kết Sản xuất với đối với lĩnh vực dệt may. Tại Hội nghị giao thương trực tuyến với chủ đề "Khám phá cơ hội đầu tư và kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may" mới đây, Tổng Thư ký Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dệt may Ấn Độ (AEPC), cơ quan trực thuộc Bộ Dệt may Ấn Độ cho biết, doanh nghiệp Ấn Độ đang tính chuyện hợp tác đầu tư dệt may với các đối tác, trong đó có Việt Nam để thúc đẩy phát triển ngành dệt may trong nước.

Thuận lợi của ngành dệt may Việt Nam là nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ, mới kí kết nhiều hiệp định tự do quan trọng với thuế suất ưu đãi, có thể thu hút đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực, trong đó có dệt may, đồng thời giúp tăng cường xuất khẩu.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra một số thách thức đối với dệt may Việt Nam trong thời gian tới khi tác động của đại dịch đến chuỗi cung ứng và nhu cầu thế giới. Đặt biệt, vấn đề cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác và để tăng năng suất lao động trong lĩnh vực dệt may thì Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều lao động lành nghề, được đào tạo bài bản. Chính vì vậy, việc hợp tác với Ấn Độ cũng là cơ hội để các doanh nghiệp VIệt Nam có thể hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ trong đào tạo lực lượng lao động dệt may, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết kế...

Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Quan hệ lao động (ERC):

Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các doanh nghiệp đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% doanh nghiệp dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Có tới gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau COVID-19, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Số còn lại cân nhắc về việc thiếu nguyên phụ liệu khiến các nhãn hàng từ châu Âu và khối CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định EVFTA và CPTPP. Chúng ta sẽ vượt khó 2021, 2022, thậm chí 2023 đế cuối quý III/2023 nếu COVID-19 kiểm soát được thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, RCEP, CPTPP đang có kết cấu thị trường tương đối tốt.

Theo Phan Nam

Diền đàn doanh nghiệp

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/tu-doi-thu-thanh-doi-tac-57509.html