Làm báo thông minh thời AI

Việc tích hợp trợ lý ảo AI vào nền tảng web của báo điện tử sẽ giúp độc giả tương tác với nội dung mình muốn đọc hoặc cá nhân hóa nội dung muốn tiếp cận

Sáng sớm thức dậy, bạn đọc mở smartphone và ra lệnh bằng giọng nói: "Mở báo A". Trình duyệt web được mở ra và truy xuất tới báo A online. "Mở tin hot trong đêm qua" rồi "Đọc tin…", bạn đọc sẽ nghe một giọng nữ (hay nam tùy chọn) đọc nội dung các tin, bài thời sự. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào truyền thông báo chí đã và đang được nhiều tờ báo nghiên cứu đầu tư để nâng cao tiện ích cho bạn đọc.

Nhiều tính năng tiện ích làm báo và đọc báo

Việc tích hợp trợ lý ảo AI vào nền tảng web của báo điện tử sẽ giúp độc giả tương tác với nội dung mình muốn đọc hoặc cá nhân hóa nội dung muốn tiếp cận thay vì bị động như trước. Người đọc có thể dùng lời nói để ra lệnh cho trợ lý AI của báo thực hiện các yêu cầu như: mở trang, cuộn lên, cuộn xuống, đọc bài báo, tìm kiếm thông tin, mở nghe nhạc...

Việc khai thác thế mạnh của các người máy như chatbot càng giúp người đọc vừa đọc báo vừa trao đổi với người máy để rõ hơn vấn đề mà mình quan tâm, thậm chí "tám chuyện" qua lại với người máy… Khi cần bình luận (comment), thay vì phải gõ bàn phím truyền thống, người đọc chỉ cần đọc cho người máy ghi rồi chuyển thành văn bản, cho người đọc kiểm tra lại khi ra lệnh gửi đi để đưa lên bình luận của người đọc về tin, bài.

Làm báo thông minh thời AI - Ảnh 1.

Bạn đọc đọc báo điện tử trên nền công nghệ web 2.0 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Trâm Nguyễn, Giám đốc quốc gia phụ trách các thị trường Việt Nam - Campuchia - Lào tại Google châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ: "Ứng dụng cho báo chí trên Google Cloud AI hiện đã được Google triển khai tại một số nước. Theo đó, tờ báo có thể hợp tác với Google để xây dựng báo thông minh dựa trên lõi AI của Google, báo có thể tùy biến theo yêu cầu của mình, nhất là phần hiển thị với người đọc, cập nhật các công nghệ tính năng tiên tiến mỗi khi Google cập nhật ứng dụng AI của mình. AI với các thế hệ tiên tiến như máy học, học sâu… ngày càng thông minh, hiểu con người hơn và đang ngày càng được ứng dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi được ứng dụng vào công nghệ nội dung của truyền thông báo chí, AI sẽ hỗ trợ nhiều tính năng tiện ích làm báo và đọc báo.

Ở phía tòa soạn, AI sẽ nâng sức mạnh xử lý của điện toán giúp cho việc làm báo hiệu quả hơn. Với khả năng luôn tự cải thiện, AI sẽ trở thành một nguồn lực trợ giúp hiệu quả cho công việc tòa soạn như: tìm kiếm, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu; đồng thời hỗ trợ phóng viên, biên tập viên rút ngắn thời gian xử lý các thông tin sự vụ, thường lệ mỗi ngày (như cập nhật thông tin thời tiết, giá cả, kết quả một sự việc gì đó…) để họ tập trung vào công việc chuyên môn. Chẳng hạn, công việc đọc morasse, sửa lỗi chính tả... do AI thực hiện sẽ giúp nâng chất lượng nội dung cho báo in, báo điện tử.

Cần nguồn vốn không nhỏ

Với báo điện tử truyền thống, dù với công nghệ web 2.0 có thể tương tác giữa bạn đọc và tòa soạn, người đọc chỉ đọc báo online qua các thiết bị có nối mạng. Ở một cấp độ cao hơn, khi thiết bị có tích hợp một ứng dụng trợ lý ảo nào đó (như Google Assistant, Apple Siri, Microsoft Cortana, Amazon Alexa...), người đọc có thể ra lệnh cho trợ lý ảo tìm kiếm các tin, bài mình muốn xem. Ngày càng có nhiều báo điện tử tích hợp sẵn chức năng đọc nội dung cho người đọc nghe. Một khi có AI tham gia, báo điện tử sẽ trở thành báo thông minh với người máy trí tuệ cao.

Nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới trong những năm qua đã bắt đầu ứng dụng AI trong hoạt động của mình, trước hết là trong công việc tòa soạn. Tác giả Thùy Dương (TTXVN) trong bài viết "Trí tuệ nhân tạo thay đổi báo chí thế giới như thế nào?" thông tin Tạp chí Forbes đã triển khai hệ thống quản lý nội dung tích hợp AI có tên Bertie - chuyên gợi ý nội dung và tiêu đề cho các bài báo. Tờ báo The Washington Post (Mỹ) áp dụng hệ thống Heliograf có thể sản xuất toàn bộ bài báo từ dữ liệu có sẵn. Hãng thời sự kinh tế Bloomberg sử dụng Cyborg để sản xuất nội dung và quản lý. Báo The Guardian (Anh), các hãng tin AP, Reuters… đang sử dụng hoặc thử nghiệm AI. Hãng tin The Canadian Press đã phát triển một hệ thống để tăng tốc độ dịch dựa trên AI. Theo cuốn sách "Những sáng tạo trong báo chí toàn cầu 2018-2019" của TTXVN, trong khi nhiều tờ báo trên thế giới phải loại bỏ các bình luận vì khâu duyệt quá khó khăn, 2 tờ báo lớn The Washington Post và The New York Times đã giải quyết được khó khăn này bằng cách ứng dụng AI. Tờ The Washington Post phát triển một "ModBot" dùng AI để phân loại và hạn chế số lượng 1 triệu bình luận trong một tháng. The New York Times cũng sử dụng ứng dụng Perspective dựa trên AI để phân biệt các bình luận độc hại với bình luận lành mạnh. Ứng dụng này cho phép các biên tập viên nâng tỉ lệ số tin, bài được phép bình luận từ 10% lên 25%. Hiệu quả tốt tới mức trong tương lai, 80% lượng tin, bài của báo sẽ cho phép người đọc bình luận.

Tổ chức tư vấn chiến lược về truyền thông Polis thuộc Khoa Truyền thông và Báo chí của Trường Kinh tế London nói rằng AI sẽ không lấy mất công việc của nhà báo, các tòa soạn cần sớm áp dụng AI để theo kịp xu thế làm báo hiện đại. Tất nhiên, ngoài vấn đề kỹ thuật, việc ứng dụng AI vào một tờ báo cần nguồn vốn không nhỏ. Chẳng hạn cơ sở hạ tầng phải được nâng cấp để có sức mạnh điện toán cho AI hoạt động, cũng như tăng băng thông mạng vì sẽ sử dụng dữ liệu với khối lượng lớn hơn rất nhiều. 

Xã hội hóa ứng dụng AI

Giải pháp tối ưu là xã hội hóa việc ứng dụng AI vào các tờ báo với sự hợp tác của các doanh nghiệp số, cũng như có sự hợp tác, chia sẻ nội dung giữa các tờ báo với nhau. Các chuyên gia đề xuất là tờ báo nên dựa vào một lõi AI, một nền tảng AI chuyên ngành truyền thông nào đó để chỉ cần phát triển phần tương tác với người đọc. Sau khi xây dựng được một dự án chuyển đổi báo thông minh theo phương thức mô-đun linh hoạt, tờ báo có thể tiến hành dần từng bước, từng tính năng, dịch vụ mà không cần phải chờ đợi hoàn chỉnh cả một khối.

Link nội dung: https://chuyendongthitruong.vn/lam-bao-thong-minh-thoi-ai-58602.html