Thời tàn của Intel: Bị loạt đối thủ TSMC, Nvidia, AMD vượt mặt, sắp sa thải 15.000 nhân viên để tiết kiệm 10 tỷ USD, CEO chỉ đành than ‘quá đau lòng’

02/08/2024 14:35

Giá cổ phiếu Intel đã giảm hơn 17% sau thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh.

Intel, nhà sản xuất chip tại Thung lũng Silicon, vừa tuyên bố sẽ cắt giảm hơn 15.000 việc làm như một phần của kế hoạch phục hồi sau loạt lần vấp ngã. Con số tương đương 15% lực lượng lao động của tập đoàn này.

Ngoài việc cắt giảm nhân sự, Intel cũng công bố các động thái tái cấu trúc và siết chặt chi tiêu vốn, dự kiến giúp tiết kiệm 10 tỷ USD vào năm 2025. Để hạn chế tác động lên lượng tiền mặt đang có, Intel cũng sẽ tạm dừng trả cổ tức hàng quý trong quý IV tới.

“Đây là tin đau lòng đối với tôi”, Patrick Gelsinger, Giám đốc điều hành của Intel, cho biết trong một lá thư gửi cho nhân viên. “Tôi biết bản thân bạn sẽ còn thấy đau lòng hơn khi đọc những dòng này. Đây là một ngày vô cùng khó khăn đối với Intel khi chúng ta đang phải thực hiện một số thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử”.

Trong phiên giao dịch, giá cổ phiếu Intel đã giảm hơn 17%.

Intel, biểu tượng một thời sản xuất chip vi xử lý đóng vai trò như bộ não điện tử trong hầu hết các máy tính, đã phải vật lộn với đà suy thoái trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ông Gelsinger đã nỗ lực tiếp thêm năng lượng cho công ty sau khi được bổ nhiệm vào đầu năm 2021, thậm chí trở thành nhà vận động hành lang hàng đầu khuyến khích nước Mỹ sản xuất nhiều hơn các thành phần cơ bản.

Không giống như hầu hết các công ty cùng ngành, Intel sản xuất chip cũng như thiết kế chip. Những công ty khác chủ yếu dựa vào các dịch vụ sản xuất bên ngoài được gọi là xưởng đúc, trong đó hầu hết chuyển sang Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan.

Trước khi ông Gelsinger trở thành giám đốc điều hành, Intel đã mất vị thế dẫn đầu vào tay TSMC. Vị CEO này đã bắt tay thực hiện một nỗ lực tốn kém để cung cấp 5 thế hệ công nghệ mới trong suốt 4 năm. Đúng là chúng mang lại kết quả, song đi kèm với đó là chi phí rất lớn.

Ông Gelsinger cũng đưa ra kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy, đồng thời biến Intel thành một xưởng đúc lớn sản xuất chip. Chiến lược giúp tập đoàn trở thành bên được hưởng lợi lớn nhất theo Đạo luật CHIPS khi tạm thời giành được các khoản tài trợ liên bang trị giá 8,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề về sản xuất, Intel gặp khó khăn với sản phẩm. Nhu cầu về máy tính cá nhân sử dụng chip của Intel đã giảm mạnh vào năm ngoái. Khách hàng cũng đang chuyển sang Nvidia để mua chip A.I.

Mới đây, Intel cho biết doanh thu mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu đã giảm 3% trong quý II. Ngược lại, một đối thủ là AMD báo cáo mức tăng 115%.

Thời tàn của Intel: Bị loạt đối thủ TSMC, Nvidia, AMD vượt mặt, sắp sa thải 15.000 nhân viên để tiết kiệm 10 tỷ USD, CEO chỉ đành than ‘quá đau lòng’- Ảnh 1.

Trong bức thư gửi nhân viên, ông Gelsinger cho biết doanh thu không tăng như mong đợi và công ty vẫn chưa được hưởng lợi hoàn toàn từ cơn sốt AI. Intel công bố doanh thu năm 2020 cao hơn khoảng 24 tỷ USD so với năm 2023, song lực lượng lao động lại quá lớn.

“Có rất nhiều lý do cho điều này, nhưng đây không phải là con đường bền vững để tiến lên phía trước”, ông viết.

Ngoài chi phí, CEO Gelsinger cho biết Intel vẫn còn quá quan liêu và kém hiệu quả, bất chấp những nỗ lực trong quá khứ nhằm tinh giản hoạt động. Là một phần của quá trình tái cấu trúc, ông cho biết công ty sẽ cắt giảm số lượng sản phẩm bán ra, dừng các công việc không cần thiết và giảm chi tiêu vốn hơn 24%.

Lần tái cấu trúc lớn gần đây nhất của Intel được công bố vào năm 2016, khi công ty cắt giảm tới 12.000 việc làm, tương đương 11% lực lượng lao động.

“Việc cắt giảm đã thách thức tôi đến tận cùng, và đây là điều khó khăn nhất mà tôi từng làm trong sự nghiệp của mình”, ông Gelsinger viết trong thư và cam kết rằng Intel sẽ ưu tiên văn hóa trung thực, minh bạch và tôn trọng.

Những năm 1980-1990, Intel được coi là “thế lực mới” ở thung lũng Silicon nhờ sản xuất CPU – thành phần cốt lõi trong cuộc cách mạng máy tính cá nhân. Dưới thời CEO cũ là Andy Grove, những con chip này được dùng để vận hành hệ điều hành Window cũng như rất nhiều các thiết bị xuất hiện nhan nhản khác trên khắp các văn phòng toàn cầu.

Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ, Intel đang lần lượt bị các đối thủ vượt mặt. Phía tập đoàn cũng liên tục trì hoãn việc tung ra các sản phẩm mới và khiến khách hàng bối rối.

Tháng 4/2023, Intel ghi nhận quý thua lỗ tồi tệ nhất trong lịch sử. Trung tâm nghiên cứu trị giá 200 triệu USD ở Haifa, Isreal – dự án lớn đầu tiên mà Gelsinger thông báo sau khi nhậm chức CEO – bị hủy bỏ. Một dự án 700 triệu USD khác ở Oregon cũng có số phận tương tự trong khi Intel cắt giảm cổ tức và sa thải nhân viên với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thể tiết kiệm 10 tỷ USD/năm.

“Chúng tôi cũng đang giảm chi phí cốt lõi trong năm 2022 và sẽ xem xét thực hiện các kế hoạch bổ sung trong nửa cuối năm”, CEO Pat Gelsinger cho biết vào thời điểm đó.

Hiện tại, thay vì chip Intel, máy tính hiện nay được lắp đặt bộ xử lý của nhà Qualcomm, Nvidia, AMD hoặc một số các công ty ít tên tuổi hơn như Santa Clara, Amlogic. Nguyên nhân được cho là do Intel đã chậm chân trong quá trình thâm nhập lĩnh vực kinh doanh bộ xử lý di động vào năm 2011.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận vai trò của Intel trong ngành công nghiệp chip nhớ trị giá hàng tỷ USD. Đây vẫn là một trong những tập đoàn tiên tiến lớn nhất thế giới, nổi tiếng với những con chip được gọi là bộ vi xử lý có thể thực hiện hầu hết các chức năng tính toán cơ bản của một chiếc máy tính hiện đại.

Tham khảo: The New York Times, WSJ

Bạn đang đọc bài viết "Thời tàn của Intel: Bị loạt đối thủ TSMC, Nvidia, AMD vượt mặt, sắp sa thải 15.000 nhân viên để tiết kiệm 10 tỷ USD, CEO chỉ đành than ‘quá đau lòng’" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.