TPBank được chấp thuận tăng vốn lên hơn 22.000 tỷ đồng

26/05/2023 20:30

Sau khi TPBank hoàn thành phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của nhà băng này dự kiến tăng từ hơn 15.000 tỷ đồng lên hơn 22.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank; HoSE: TPB) vừa có thông báo đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận cho nhà băng tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.199 tỷ đồng.

Hình thức sẽ là phát hành cổ phiếu phổ thông để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của TPBank thông qua trước đó.

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 26/4, nhà băng này đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng thông qua chia cổ tức tỷ lệ 39,19% bằng cổ phiếu.

TPBank sẽ phát hành gần 619,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông; thời gian phát hành dự kiến trong năm nay. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận để lại chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 là hơn 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 2.561 tỷ đồng và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 4, TPBank cũng đã chi gần 4.000 tỷ để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông theo tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Năm 2023, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 11% so với mức thực hiện năm 2022.

TPBank anh 1

Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng. Ảnh: Nam Khánh.

Cũng liên quan tới hoạt động tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, trong báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước đó, NHNN cho biết đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với Agribank.

Ngày 25/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.

Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo Vietcombank, VietinBank và BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.

Riêng với Vietcombank, NHNN đã trình Thủ tướng phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt.

Đối với Agribank, NHNN đã trình Thủ tướng và dự thảo Tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng này.

Theo số liệu của NHNN cho biết đến cuối tháng 1 năm nay, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) có vốn điều lệ đạt 180.400 tỷ đồng.

Ngoài 4 ngân hàng quốc doanh, ở khối ngân hàng TMCP, việc tăng vốn điều lệ diễn ra sôi động.

NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Như vậy, tổng cộng 25 ngân hàng đủ điều kiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới, với tổng vốn điều lệ tăng từ hơn 590.000 tỷ đồng lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Bạn đang đọc bài viết "TPBank được chấp thuận tăng vốn lên hơn 22.000 tỷ đồng" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.