TP.HCM chưa có chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

12/10/2021 13:30

Đó là ý kiến của Sở Công thương TP.HCM chiều 11/10 tại họp báo định kỳ đánh giá tình hình dịch trên địa bàn sau 10 ngày áp dụng Chỉ thị 18 (từ 1 - 10/10), do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức.

anh-bai-phu-4419

 

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, thông tin sau 10 ngày nới lỏng giãn cách, công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả, tình hình an ninh trật tự (ANTT) được đảm bảo. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại. Công tác an sinh được triển khai đến đông đảo người dân. Đến nay đã có 24 quận, huyện, TP.Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch Covid-19 theo Quy định 3979 của Bộ Y tế.

Bên cạnh những mặt đạt được, theo ông Hải, vẫn còn hạn chế. Cụ thể, một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm như vi phạm 5K, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang. Tình hình đi lại của người dân từ TP đến các tỉnh còn khó khăn. Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng.

Về chủ trương mở dịch vụ ăn uống tại chỗ trong thời gian tới, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP, cho rằng dịch vụ ăn uống tại chỗ là tụ tập đông người nên đến nay TP chưa có chủ trương mở lại và xét thấy là chưa nên mở.

Về tiến độ chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho hay đến nay số lượng chi trả đợt 3 đến tay hơn 3,7 triệu người dân. Với tiến độ này, đến ngày 15.10, các đơn vị sẽ hoàn thành chi trả theo chỉ đạo của TP.

Nhiều người dân ở một số quận, huyện, TP.Thủ Đức phản ánh chính quyền kêu gọi người thật sự khó khăn mới nên đăng ký nhận hỗ trợ. Ông Lâm nói, theo Công văn 3181, có 3 nguyên tắc để xem xét chi trả hỗ trợ cho người thực sự khó khăn do dịch Covid-19, do mất việc làm, giảm thu nhập. Những người khó khăn sẽ được công khai ở tổ khu phố, dân phố phê duyệt.

Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết về cơ chế thanh toán, điều trị Covid-19 của bệnh viện (BV) tư nhân đó là ngân sách nhà nước chi trả chi phí điều trị như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. BV không được thu thêm tiền của người bệnh.

Ngoài ra, cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc Covid-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị.

Theo bà Mai, đến nay có 3 BV dã chiến số 13, số 14 và số 16 sẽ giữ lại để sẵn sàng các tình huống. Đồng thời, TP tiếp nhận các trung tâm hồi sức Covid-19 sau khi lực lượng chi viện rút. Sở Y tế đã phân công các BV có thể tiếp nhận, đảm đương như BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân dân 115…

(Theo Thanh niên)

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM chưa có chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.