Trao thêm quyền cho công an xã

26/10/2021 13:30

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất trao thêm thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã nhưng băn khoăn về năng lực của lực lượng này

Tiếp tục kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XV, ngày 25-10, các đại biểu (ĐB) QH thảo luận trực tuyến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

Cần có lộ trình

Ở điểm cầu tỉnh Quảng Bình, ĐB Nguyễn Tiến Nam bày tỏ đồng tình với đề xuất bổ sung trách nhiệm của công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Theo ông Nam, hiện 100% xã đã được bố trí công an chính quy. Trong đó, trên 50% có trình độ đại học công an; gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện; trên 7,1% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự. Như vậy, nguồn nhân lực của công an xã là rất lớn, đủ khả năng để đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ này, như công an phường, thị trấn.

Đồng tình với ý kiến trên nhưng ĐB Đoàn Thị Lê An (tỉnh Cao Bằng) cũng đặt ra một số băn khoăn. Theo bà An, đây là quy định mới cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường, quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc giao thêm nhiệm vụ mới cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm tính khả thi. Thậm chí, nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay thì cần có thêm lộ trình để chuẩn bị.

Trao thêm quyền cho công an xã - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội trao đổi bên hành lang kỳ họp Ảnh: NGUYỄN NAM

Tham gia tranh luận, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (tỉnh Khánh Hòa) kiến nghị Bộ Công an giải trình, tính toán thêm về số lượng con người, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ và những điều kiện cần thiết khác khi giao thêm nhiệm vụ cho công an xã. ĐB Thịnh chỉ rõ Luật Công an nhân dân hiện hành quy định số lượng công an xã chỉ từ 3 đến 5 người, còn lại là công an viên không chuyên trách, chưa được đào tạo, bán chuyên trách.

"Nếu chúng ta giao nhiệm vụ này, trong số hàng ngàn xã, chỉ cần khoảng 100-200 xã làm việc không tốt thì dư luận xã hội sẽ quan tâm ngay. Tôi đồng tình có thể giao thêm thẩm quyền nhưng cần phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết khác" - ĐB Thịnh nhấn mạnh.

Làm rõ một số vấn đề ĐB nêu, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định lực lượng công an chính quy đã được tăng cường về cơ sở khá nhiều và đang tiếp tục triển khai, về mặt năng lực, chuyên môn có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trên.

Bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm

Cùng ngày, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). ĐB Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) nhìn nhận thị trường bảo hiểm đang tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều lao động mất việc làm đã chuyển sang học nghề và bán bảo hiểm. Do vậy, dự thảo luật không nên quy định "cứng" các đại lý được làm việc với bao nhiêu doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, để thúc đẩy thị trường này phát triển. Ông Thường kiến nghị cần gắn trách nhiệm của DN với các đại lý bảo hiểm, đặc biệt là đào tạo, để họ tư vấn phù hợp, đầy đủ với khách hàng, tránh tình trạng xảy ra khiếu kiện vì thiếu hiểu biết.

Các ĐB thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM cũng đưa ra nhiều góp ý. ĐB Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP HCM, cho rằng cần bổ sung khái niệm "bảo hiểm qua biên giới", "môi giới bảo hiểm qua biên giới", "bán bảo hiểm qua biên giới" để phù hợp với thông lệ một số luật kinh doanh bảo hiểm trên thế giới và bảo đảm tính đồng bộ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, dự thảo luật cần bổ sung các quy định liên quan nhằm bảo đảm tính pháp lý đồng bộ, nhất là việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thanh toán phí bảo hiểm, tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán bồi thường tổn thất.

Về hợp đồng bảo hiểm, ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho biết khoản 3 điều 16 nêu: "Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lý do bất khả kháng trong việc chậm thông báo cho DN bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm". ĐB Ngân đề nghị cần quy định, hướng dẫn cụ thể vì thế nào là "bất khả kháng" lại chưa được quy định rõ. Đối với khoản 2 điều 19: "DN bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm…", ĐB Ngân kiến nghị quy định này cần chặt chẽ hơn để không ảnh hưởng đến quyền của người mua bảo hiểm.

Thảo luận về dự thảo luật này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này được thực hiện sau 20 năm, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Chủ tịch QH ví von: "Cuộc sống của chúng ta không có bảo hiểm thì như đi cầu thang mà không có tay vịn".

Về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch QH lưu ý cần tiếp tục rà soát vấn đề này theo hướng bình đẳng quyền giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần xác lập mối quan hệ hợp đồng bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của kinh doanh bảo hiểm, bao gồm cả xử lý các vấn đề khi tranh chấp. 

Dự kiến hôm nay (26-10), QH thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bạn đang đọc bài viết "Trao thêm quyền cho công an xã" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.