Trật tự lợi nhuận ngân hàng thay đổi

12/05/2022 21:01

Sự vươn lên của nhóm ngân hàng tư nhân đã đẩy các ngân hàng quốc doanh khỏi nhóm có lợi nhuận cao nhất thị trường. Trong đó, vị trí dẫn đầu của Vietcombank cũng đã bị thay thế.

Trat tu loi nhuan ngan hang thay doi anh 1

Tính đến đầu tháng 5, toàn bộ 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều đã công bố báo cáo tài chính quý I, trong đó ghi nhận 22 nhà băng có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2021.

Ngược lại, 5 nhà băng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý vừa qua là NCB; VietBank; VietinBank; OCB và Kienlongbank.

Trong nhóm ngân hàng báo lãi tăng trưởng quý vừa qua, VPBank đã chính thức soán ngôi Vietcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất thị trường với hơn 11.146 tỷ đồng. Nếu tính theo số tuyệt đối, VPBank cũng là ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh nhất trong quý khi lãi trước thuế tăng từ 4.006 tỷ (quý I/2021) lên 11.146 tỷ đồng (quý I/2022), tương đương mức tăng ròng 7.140 tỷ đồng.

Trat tu loi nhuan ngan hang thay doi anh 2

Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết đã tăng 31% trong quý I/2022. Ảnh: Nam Khánh.

Vietcombank bị soán ngôi

Theo báo cáo tài chính của VPBank, nguyên nhân chủ yếu giúp lãi trước thuế ngân hàng này tăng 178% trong quý I vừa qua chính là khoản thu nhập bất thường hơn 7.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này thậm chí còn cao hơn số tiền lãi ngân hàng thu được từ hoạt động kinh doanh chính.

Trong đó, khoản thu nhập bất thường này đến từ việc VPBank đã ghi nhận doanh thu trả trước từ hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền tái ký với AIA. Tuy nhiên, nếu trừ đi khoản thu nhập bất thường này, lợi nhuận từ hoạt động chính của VPBank vẫn tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021.

Với khoản lãi trước thuế đột biến kể trên, VPBank đã soán ngôi Vietcombank để trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thị trường, vị trí vốn được Vietcombank duy trì nhiều năm nay.

Về phía Vietcombank, trong quý vừa qua, nhà băng này vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 15%, đạt 9.950 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà nhà băng này từng ghi nhận được trong một quý.

Động lực tăng trưởng chính của Vietcombank quý vừa qua là khoản tăng thu từ hoạt động cho vay, với gần 12.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Nguồn thu lớn thứ 2 của ngân hàng là hoạt động dịch vụ lại ghi nhận mức giảm hơn 21%, nhưng vẫn mang về hơn 2.710 tỷ đồng.

Cùng với hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, chứng khoán và hoạt động khác, Vietcombank vẫn nằm trong top 2 ngân hàng lãi nhất hệ thống.

Trong quý I vừa qua, sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm ngân hàng tư nhân đã khiến các ngân hàng quốc doanh khác lùi sâu trên bảng xếp hạng lợi nhuận.

Vị trí thứ 3 thuộc về một ngân hàng tư nhân khác là Techcombank với 6.785 tỷ đồng lãi trước thuế. So với cùng kỳ năm 2021, mức lãi này của ngân hàng đã tăng gần 1.300 tỷ, tương đương hơn 23%.

TOP 10 NGÂN HÀNG LÃI NHẤT THỊ TRƯỜNG

NhãnVPBankVietcombankTechcombankMBBankVietinBankBIDVACBSHBHDBankSacombank
Quý I/2022 tỷ đồng 11146995067855909582245134114322625272424
Quý I/2021
4006863155184580806033963104166421001428

Trong khi đó, với 5.909 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 29%, MBBank là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 4 hệ thống.

VietinBank - ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 2 trong quý I/2021 - đến quý I/2022 đã tụt xuống vị trí thứ 5 với 5.822 tỷ đồng. So với cùng kỳ, mức lợi nhuận này đã giảm hơn 2.200 tỷ, tương đương giảm hơn 28%.

Nguyên nhân khiến lãi quý I của VietinBank giảm mạnh là do ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (hơn 4.400 tỷ so với mức chi cùng kỳ là 1.350 tỷ đồng).

Trái ngược với VietinBank, BIDV vẫn ghi nhận lãi tăng 33%, tuy nhiên với 4.513 tỷ đồng, ngân hàng này chỉ đứng top 6 về lợi nhuận.

Ngoài nhóm kể trên, danh sách những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất quý I đều là những nhà băng tư nhân cỡ lớn như ACB lãi 4.114 tỷ (tăng 33%); SHB lãi 3.226 tỷ (tăng 94%); HDBank lãi 2.527 tỷ (tăng 20%) và Sacombank lãi 2.424 tỷ đồng, tăng 70%...

Những nhà băng lãi tăng bằng lần

Trong quý đầu năm nay, dù là ngân hàng có lãi trước thuế cao nhất, nhưng VPBank không phải nhà băng có mức tăng lợi nhuận cao nhất. Với khoản lãi trước thuế tăng 278%, Eximbank mới là nhà băng có mức tăng lợi nhuận cao nhất quý I.

Đây là mức lãi đột biến mà nhà băng này ghi nhận được trong một quý kinh doanh. Lần gần nhất Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trên 800 tỷ một quý đã diễn ra cách đây gần 10 năm, từ quý II/2012.

Cùng với Eximbank và VPBank, VietABank là ngân hàng thứ 3 ghi nhận mức lãi trước thuế tăng bằng lần trong quý I. Trong đó, nhà băng này thu về 339 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý gần nhất, tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ.

Ngân hàng Lợi nhuận (tỷ đồng) Thay đổi
Quý I/2022 Quý I/2021
VPBank 11.146 4.006 178%
Vietcombank 9.950 8.631 15%
Techcombank 6.785 5.518 23%
MBBank 5.909 4.580 29%
VietinBank 5.822 8.060 -28%
BIDV 4.513 3.396 33%
ACB 4.114 3.104 33%
SHB 3.226 1.664 94%
HDBank2.5272.10020%
Sacombank2.4241.42870%
VIB2.2781.80626%
LienVietPostBank1.7951.11261%
TPBank1.6231.42214%
MSB1.4951.14730%
SeABank1.30669887%
OCB8351.276-35%
Eximbank809214278%
NamABank64546040%
ABBank57647821%
VietABank339125171%
BacABank2462307%
Vietcapital Bank17415214%
PGBank1278255%
Kienlongbank123702-82%
VietBank113124-9%
Saigonbank995774%
NCB2627-4%
Tổng cộng69.02552.59931%

Ngoài nhóm ngân hàng kể trên, SHB, SeABank, Saigonbank, Sacombank cũng là những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng mạnh trong quý vừa qua, đều đạt trên 70%.

Ngoài ra, mức tăng lợi nhuận phổ biến của nhóm ngân hàng tư nhân cỡ lớn vào khoảng 20-30%, bao gồm ACB, MSB, MBBank, VIB, Techcombank, HDBank…

Tính trong quý I, mức lợi nhuận trước thuế nhóm 27 ngân hàng này ghi nhận được là hơn 69.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này tương đương với việc các ngân hàng đã thu về nhiều hơn 16.400 tỷ đồng tiền lãi trong quý vừa qua.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Trong khi phần lớn lợi nhuận tăng thêm của VPBank đến từ việc ghi nhận doanh thu trả trước từ hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền tái ký với AIA, lợi nhuận của Eximbank lại đến từ thu nhập từ hoạt động cho vay cùng việc tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Cụ thể, trong quý I, ngân hàng này ghi nhận gần 1.245 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Mức lãi thuần tăng mạnh này được hỗ trợ bởi mức tăng gần 7% ở chỉ tiêu cho vay khách hàng.

Nguồn thu tăng trưởng này cùng việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm một nửa đã giúp Eximbank ghi nhận khoản lãi trước thuế hơn 800 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ.

Lý giải về mức lợi nhuận tăng đột biến này, lãnh đạo Eximbank cho biết sau giai đoạn giãn cách vì dịch Covid-19, các khách hàng vay vốn của ngân hàng đã có nguồn thu nhập để trả nợ. Ngoài khoản lãi dự thu hàng ngày, Eximbank đã thu hồi được nợ lãi của các khoản nợ quá hạn nhóm 2-5, lãi của các khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng của dịch và phần nợ gốc đã được xử lý bằng dự phòng.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG 4 THÁNG ĐẦU HÀNG NĂM
Nguồn: NHNN; Tổng hợp
Nhãn2013201420152016201720182019202020212022
Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm % 2.221.433.984.065.665.094.461.414.176.75

Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm một nửa là do quý I/2021 ngân hàng phải thực hiện trích lập bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC để tất toán hết các khoản trái phiếu này.

Tương tự, tại VietABank, lãnh đạo ngân hàng lý giải nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng 171% là do quy mô tổng tài sản tăng 18,1% và dư nợ cho vay tăng 12,5% so với cùng kỳ, qua đó giúp thu nhập từ hoạt động cho vay tăng tích cực.

Đặc biệt, hoạt động xử lý nợ và bán tài sản cấn trừ nợ cũng mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng. Riêng quý vừa qua, VietABank đã xử lý các tài sản cấn trừ nợ trước đó và thu về 179 tỷ đồng lợi nhuận. Khoản thu này được hạch toán vào phần lãi từ hoạt động khác, qua đó giúp lợi nhuận của ngân hàng tăng mạnh.

Theo thống kê, với các ngân hàng cỡ lớn, lợi nhuận tăng trưởng quý I chủ yếu đến từ việc tăng thu từ hoạt động cho vay.

Trong đó, để có mức lợi nhuận trước thuế tăng gần gấp đôi quý vừa qua, thu nhập lãi thuần từ cho vay của SHB cũng đã tăng tới 90% và là một trong những ngân hàng có tăng trưởng thu nhập lãi thuần cao nhất.

Lý giải về mức lợi nhuận cao kể trên, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, cho biết ban lãnh đạo ngân hàng luôn đưa ra kế hoạch kinh doanh dựa trên các cơ sở, căn cứ, phương pháp và giải pháp thực hiện…

“Thực tế, SHB có nhiều thế mạnh mà trước đây chưa khai thác hết và ngân hàng đang cấu trúc, tập trung triển khai các thế mạnh đó. Với việc tăng mạnh CASA, hoạt động dịch vụ, mục tiêu lợi nhuận năm nay có thể hoàn thành”, ông Hiển nói.

Theo thống kê của Zing, hầu hết ngân hàng có lợi nhuận tăng trong quý I năm nay đều có thu nhập lãi thuần tăng trưởng dương. Điều này có nguyên nhân từ việc tín dụng phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm khi dịch Covid-19 được khống chế và nền kinh tế phục hồi.

Các chuyên gia cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong tháng 5 trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh được nối lại. Điều này sẽ là trợ lực chính giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận trong năm 2022.

Bạn đang đọc bài viết "Trật tự lợi nhuận ngân hàng thay đổi" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.